-
Bệnh ung thư da đang có xu hướng gia tăng -
Khuyến cáo tiêm vắc-xin để phòng chống dịch bạch hầu -
Tổng giám đốc Vikoda bác bỏ quan điểm chữa ung thư bằng nước kiềm -
Dịch sởi đang tăng, nhiều tỉnh, thành phố chưa đạt yêu cầu về tiêm chủng vắc-xin -
Tin mới y tế ngày 25/11: Bộ Y tế quy định giá giường bệnh dịch vụ -
Tự ý bó lá chữa gãy xương: Bài học từ ca bệnh thuyên tắc phổi nguy hiểm
Gần đây, nhiều trường hợp đột quỵ khi chơi thể thao liên tiếp xảy ra.
Tại Giải Hafm Marathon ngày 14/4 vừa qua tại Hà Nội, nam vận động viên sinh năm 1990 bất ngờ gục ngã ngay trên đường chạy, cách vạch đích khoảng 100 m do ngừng tim. Mặc dù được điều trị tích cực, nhưng nam thanh niên đã không qua khỏi.
Ảnh minh họa. |
Trước đó, vận động viên Kenya qua đời vào ngày 25/2 sau khi hoàn thành giải leo núi. Năm 2007, vận động viên chuyên nghiệp Ryan Shay đột tử ngay trên đường chạy cũng gây rúng động cộng đồng runner Mỹ thời điểm đó. Kết quả khám nghiệm tử thi công bố nguyên nhân cái chết của anh do rối loạn nhịp tim gây phì đại cơ tim với các dải xơ bất thường.
ThS.Nguyễn Tuấn Long, Trung tâm tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội cho biết chạy bộ có lợi cho sức khỏe tổng thể, hệ tim mạch.
Tuy nhiên, nếu không kiểm soát nhịp tim khi chạy rất dễ dẫn đến đau tức ngực, loạn nhịp tim… thậm chí đột quỵ. Các dấu hiệu bao gồm khó chịu ở ngực, hụt hơi, chóng mặt hay choáng váng, nhịp tim bất thường (cảm giác bị chậm lại hoặc đập nhanh hồi hộp), đổ mồ hôi bất thường.
Bác sĩ Long dẫn thống kê của Thư viện Y khoa Mỹ trên 112.790 vận động viên trẻ (12-35 tuổi) tham gia các bộ môn thể thao cạnh tranh cho thấy nguy cơ đột tử cao hơn khoảng 2,5 lần so với người không phải vận động viên.
Tình trạng đột tử ở vận động viên xảy ra phổ biến nhất trong hoặc sau khi tập luyện, thi đấu ở cường độ cao. Nguyên nhân chính gây đột tử ở vận động viên bệnh cơ tim phì đại rối loạn nhịp tim, bệnh van tim, tim bẩm sinh, sử dụng chất kích thích như doping.
Nguyên nhân gây đột quỵ tim do vận động gắng sức có thể phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như người có độ tuổi trước 35 tuổi có nguy cơ cao hơn (theo dữ liệu từ Cleveland Clinic); nam giới có nguy cơ hơn nữ giới. Các bộ môn thể thao đòi hỏi gắng sức cao như bóng đá, bóng rổ, bóng chuyền… cũng làm tăng nguy cơ đột quỵ tim.
Bác sĩ Long khuyến cáo một số phương pháp giúp kiểm soát nhịp tim khi chạy bộ bao gồm sử dụng thiết bị đo nhịp tim, kiểm soát hơi thở, tốc độ chạy. Nhịp tim của người bình thường dao động trong mức 100-160 nhịp phút. Nhịp tim khi chạy bộ nên nằm trong khoảng 50-75% so với nhịp tim tối đa theo độ tuổi. Nhịp tim tối đa được tính lấy 220 trừ đi độ tuổi. Ví dụ bạn 27 tuổi, nhịp tim tối đa là 193 (220-27).
Theo bác sĩ Long, tập luyện thể dục gắng sức như chạy bộ cường độ cao… có thể dẫn tới đột quỵ ở cả người già và người trẻ. Đặc biệt là đối tượng mắc bệnh lý nền như cơ tim giãn nở bệnh mạch vành…
Đây là nhóm bệnh lý thường không bộc lộ triệu chứng rõ rệt. Chỉ khi người bệnh vận động gắng sức, đột ngột mới phát hiện bệnh. Vì vậy, tầm soát sức khỏe là phương pháp hiệu quả giúp phát hiện các nguy cơ, bệnh tiềm ẩn. Từ đó, bác sĩ tư vấn lựa chọn môn thể dục phù hợp với sức khỏe, tránh rủi ro.
Riêng vận động viên, tầm soát đột tử rất quan trọng để phát hiện sớm nguy cơ tiềm ẩn và có biện pháp phòng ngừa kịp thời. Các biện pháp tầm soát bao gồm:
Khám sức khỏe định kỳ: Vận động viên nên khám sức khỏe định kỳ ít nhất một năm một lần, bao gồm khám lâm sàng, test gắng sức, điện tim, siêu âm tim…
Sàng lọc tiền sử bệnh tật: Bạn cần chia sẻ đầy đủ tiền sử bệnh tật bản thân và gia đình cho bác sĩ.
Các xét nghiệm chuyên sâu: Nếu có yếu tố nguy cơ cao, vận động viên có thể được chỉ định các xét nghiệm chuyên sâu hơn như chụp cộng hưởng từ tim, xét nghiệm di truyền…
Bác sĩ Long lưu ý nhiều trường hợp bệnh nhân dù đi khám sức nhưng vẫn không phát hiện do người bệnh chưa gắng sức, không dấu hiệu ra bên ngoài.
Người có yếu tố nguy cơ cao như bản thân, gia đình có bệnh tim, đái tháo đường, thận mạn tính, tăng lipid máu… hoặc vận động viên chuyên nghiệp cần tham gia tầm soát chuyên sâu.
Còn theo bác sĩ Ngô Tiến Thái, Bệnh viện Bạch Mai, bất cứ vận động viên nào, dù phong trào hay chuyên nghiệp cũng cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cả về sức khỏe và sự tập luyện trước cuộc thi để phòng rủi ro. Tập luyện sức khỏe là tốt, tuy nhiên cần phải có cường độ tập luyện phù hợp với từng cá nhân.
Mỗi người dân trước khi đến với một môn thể nào nên khám sàng lọc sức khỏe để biết tình trạng sức khỏe ra sao, tham vấn bác sĩ xem liệu khả năng sức khỏe có phù hợp với môn thể thao mình lựa chọn, tập luyện ở mức nào.
Bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai cảnh báo, rủi ro trong thể thao luôn có nguy cơ xảy ra, ngay cả với vận động viên chuyên nghiệp. Do đó, ngoài sự chuẩn bị kỹ lưỡng trong quá trình luyện tập, ngay trong cuộc đua, mỗi người cũng cần lắng nghe cơ thể, nhận biết các dấu hiệu bất thường để có sự điều chỉnh tốc độ chạy phù hợp với bản thân trong quá trình gắng sức.
Nếu trong quá trình chạy, thấy có những cơn đau tức ngực lạ thường, cảm giác mệt mỏi, ngưỡng gắng sức kém đi so với cùng mức độ tập luyện ở ngày thường... là những dấu hiệu cảnh báo người dân nên giảm tốc độ, báo y tế để được kiểm tra, theo dõi kỹ lưỡng.
Theo các chuyên gia y tế, một số hội chứng hay bệnh lý dễ gây ngừng tim khi gắng sức, ví dụ như hội chứng Brugada, hội chứng WPW, bệnh cơ tim phì đại....
Thực tế, khoảng 80% các trường hợp đột tử khi chơi thể thao là người có bệnh lý tim mạch từ trước. Có những người đã biết trước bệnh lý tim mạch, nhưng chủ quan nghĩ là nhẹ.
Cơ quan chức năng khuyến cáo, người dân cần có kế hoạch tập luyện và chuẩn bị kỹ lưỡng về sức khỏe trước các giải thể thao để đảm bảo an toàn, tránh những rủi ro. Đồng thời, không nên chạy theo trào lưu để đăng ký một cự ly vượt khả năng của bản thân.
Thực tế có nhiều người khi chơi thể thao không kiểm tra, sàng lọc, điều trị triệt để những chấn thương, bệnh lý tiềm ẩn trước đó. Điều này có thể xảy ra chấn thương, gây ra các bệnh lý cấp tính về tim mạch, hô hấp, thậm chí gây nhồi máu cơ tim, ngừng tim, tăng huyết áp, xuất huyết não, nhồi máu não...
Các bác sĩ lưu ý, trước khi tập bất kỳ môn thể thao nào đều cần phải kiểm tra thể lực. Người dân có thể đến gặp bác sĩ thể thao hoặc huấn luyện viên thể lực để được tư vấn, khám sàng lọc xem có bệnh lý gì tiềm tàng không như: bệnh tim, phổi hoặc gia đình có tiền sử về tim phổi, huyết áp, cơ xương khớp…
Theo chuyên gia, tập thể dục thường xuyên rất tốt cho sức khỏe, ngay cả người có bệnh tim vẫn được khuyên nên vận động nhưng phải lưu ý đúng cách, an toàn và có sự hướng dẫn của bác sĩ.
Điều quan trọng mỗi người phải tập thể dục trong giới hạn của mình. Ngoài ra, trước bất cứ hoạt động thể dục, thể thao nào, mỗi người cần dành thời gian khởi động làm nóng cơ thể, để cơ thể có thời gian thích nghi với hoạt động gắng sức.
Trong khi tập luyện, hãy lắng nghe cơ thể, nếu thấy các dấu hiệu như đau tức ngực, khó thở, nhanh mệt, hoa mắt, chóng mặt, mạch nhanh, huyết áp tăng, huyết áp tụt… phải đi khám và điều trị kịp thời.
-
1 Tin vắn Đầu tư Online ngày 28/11 -
2 Sự thay đổi chính sách giúp thị trường M&A Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn -
3 Một bao thuốc lá tại Việt Nam rẻ hơn một điếu thuốc lá tại Singapore, Bộ Tài chính quyết tăng thuế -
4 Ứng xử với doanh nghiệp nhà nước -
5 Luật Dược (sửa đổi) tạo thuận lợi cho mô hình kinh doanh mới
- Masan Group được vinh danh Doanh nghiệp có chiến lược M&A tiêu biểu 2023 - 2024
- Giải pickleball PWR Thủ Đức HTV DJOY mở rộng - Cúp WARRIOR chính thức diễn ra vào tháng 12
- Soilbuild International tổ chức thành công Hội thảo Chính sách Thuế và Tín dụng Ngân hàng
- Quỹ Phát triển tài năng Việt trao tặng hồ bơi, giúp trẻ em nghèo được học bơi miễn phí
- Bà Rịa - Vũng Tàu phát triển hạ tầng giao thông kết nối
- Agribank nhận giải thưởng "Chất lượng Thanh toán quốc tế xuất sắc năm 2024" từ JPMorgan