Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Camimex nuôi tham vọng trong khối nợ lớn
Chí Tín - 26/03/2019 09:08
 
Mục tiêu kinh doanh năm 2019 được Công ty cổ phần Camimex Group (mã CMX, sàn HOSE) đặt ra với nhiều tham vọng, nhưng nợ tăng cao đang chứa đựng nhiều rủi ro với đại gia ngành thủy sản sinh thái này.
Đầm nuôi tôm sạch cung cấp nguyên liệu sản xuất thủy sản sinh thái.
Đầm nuôi tôm sạch cung cấp nguyên liệu sản xuất thủy sản sinh thái.

Khát vọng bứt tốc

Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên vừa diễn ra, Camimex Group đã thông qua các chỉ tiêu kinh doanh năm 2019 với nhiều tham vọng lớn, khi doanh thu thuần mục tiêu lên tới 2.637,3 tỷ đồng, tăng 148% so với kết quả đạt được năm 2018.

Các chỉ tiêu cơ bản khác trong năm 2019 cũng được Camimex Group đặt ra với những con số tăng thần tốc: kim ngạch xuất khẩu mục tiêu đạt 113,19 triệu USD, tăng 158,4% so với thực hiện năm 2018; sản lượng sản xuất mục tiêu đạt 8.400 tấn tôm thành phẩm, tăng 89,3%; lợi nhuận sau thuế mục tiêu đạt 198,74 tỷ đồng, tăng 155%.

Trao đổi với các cổ đông tại Đại hội, ông Bùi Sỹ Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Camimex Group cho biết, Công ty đang tập trung phát triển hàng cao cấp, cơ cấu thị trường chuyển dịch từ Hoa Kỳ sang châu Âu và Hàn Quốc. Về sản phẩm, doanh nghiệp này sẽ vẫn phát triển các sản phẩm là thế mạnh như hàng tôm sinh thái, tôm đạt chứng nhận quốc tế. Theo đó, định hướng của Camimex Group trong 3 năm tới thậm chí sẽ đưa doanh số lên 220 - 230 triệu USD. Trong đó, hàng tôm sinh thái chiếm 30% tỷ trọng hàng xuất khẩu của Công ty.

Bấp bênh vay nợ

Tham vọng lớn là vậy, nhưng trong cơ cấu tài chính, Camimex Group đang tỏ ra khá mạo hiểm khi đẩy cao tỷ lệ vay nợ.

Tại thời điểm ngày 31/12/2018, tổng tài sản của Camimex Group là 872,6 tỷ đồng, trong đó nợ phải trả chiếm phần lớn giá trị tài sản của Công ty, với tổng giá trị nợ là 735 tỷ đồng.

Điều đáng chú ý là, phần lớn nợ của Công ty là nợ ngắn hạn, trong đó, riêng tiền vay tài chính đã gấp khoảng 2,8 lần vốn chủ sở hữu, với 382 tỷ đồng.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Tiến Dũng, chuyên gia phân tích thuộc Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết, tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu của Camimex Group vào khoảng 5,3 lần, trong đó nợ vay/vốn chủ sở hữu là 2,78 lần, là mức cao so với các doanh nghiệp cùng ngành. Việc tăng đòn bẩy tài chính trong bối cảnh kinh doanh thuận lợi đã tạo đà phát triển mạnh cho Công ty, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Cơ cấu tài chính hiện nay cho thấy, các chỉ số về khả năng thanh toán của Camimex Group đang rất bấp bênh. Tỷ suất tự tài trợ của công ty này chỉ 15,8%, là một tỷ lệ rất thấp.

Trong phân tích tài chính doanh nghiệp, việc xem xét tỷ suất tự tài trợ của doanh nghiệp rất quan trọng, nhằm đánh giá mối quan hệ giữa tỷ lệ vốn riêng của doanh nghiệp trong tổng số vốn kinh doanh. Kết quả tính toán tỷ suất tự tài trợ cho thấy mức độ độc lập hay phụ thuộc của doanh nghiệp đối với các chủ nợ, mức độ tài trợ của doanh nghiệp đối với vốn kinh doanh của mình. Tỷ suất này càng lớn, thì càng thể hiện số vốn doanh nghiệp tự có lớn, tính độc lập cao với các chủ nợ, do đó không bị ràng buộc hoặc bị sức ép của các khoản nợ vay. Các ngân hàng và các chủ nợ khi xét duyệt cho một doanh nghiệp vay cũng sẽ căn cứ vào các tỷ suất tự tài trợ của doanh nghiệp để quyết định cho vay hay không. Họ thường mong muốn tỷ suất này càng cao càng tốt, vì khi đó mức độ rủi ro các chủ nợ sẽ càng ít hơn.

Trong khi đó, nhìn kỹ vào cơ cấu nợ của Camimex, có thể thấy mối rủi ro thậm chí còn cận kề hơn việc chỉ nhìn riêng trên tổng nợ, vì phần lớn nợ của công ty này là nợ ngắn hạn. Cụ thể, tại thời điểm ngày 31/12/2018, nợ ngắn hạn của Camimex Group lên tới 716,3 tỷ đồng, chiếm 97,4% tổng nợ.

Tỷ lệ nợ ngắn hạn cao càng cho thấy sự bấp bênh của doanh nghiệp trong khả năng thanh toán. Hay nói cách khác, nợ ngắn hạn là con số đáng quan tâm hơn rất nhiều so với nợ dài hạn vì các khoản nợ dài hạn là những khoản nợ có thời gian hoàn trả từ 1 năm trở lên. Đó là một khoảng thời gian khá dài, đủ để doanh nghiệp có thể xoay xở dàn xếp kế hoạch trả nợ khi nợ đến hạn. Do đó, khi phân tích khả năng thanh toán của các doanh nghiệp, các nhà phân tích quan tâm đặc biệt đến nợ ngắn hạn, thước đo tài chính thông thường được sử dụng là hệ số khả năng thanh toán nợ ngắn hạn (hay còn gọi là hệ số khả năng thanh toán hiện thời).

Hệ số này cho biết mỗi đồng nợ ngắn hạn được bù đắp bằng bao nhiêu đồng tài sản ngắn hạn, vì vậy, đây là chỉ tiêu phản ánh tổng quát nhất khả năng chuyển đổi tài sản thành tiền để thanh toán nợ ngắn hạn cho doanh nghiệp. 

Công thức tính chỉ số này là dùng tài sản ngắn hạn chia cho nợ ngắn hạn. Chỉ tiêu này càng cao  càng thể hiện khả năng các khoản nợ ngắn hạn sẽ được thanh toán kịp thời. Việc đánh giá hệ số này cao hay thấp còn tùy đặc thù ngành nghề, nhưng theo thông lệ, hệ số khả năng thanh toán nợ ngắn hạn nếu nhỏ hơn tài sản ngắn hạn thì có thể đã bị đánh giá là không đủ bù đắp cho nợ ngắn hạn.

Hệ số khả năng thanh toán nợ ngắn hạn bằng 1, thể hiện tài sản ngắn hạn vừa đủ để trả các khoản nợ ngắn hạn cho doanh nghiệp. Trường hợp này tuy an toàn hơn trường hợp trên, nhưng cũng được coi là doanh nghiệp chưa hẳn đã đảm bảo chắc chắn về khả năng thanh toán ngắn hạn. Lý do là giá trị tài sản ngắn của doanh nghiệp tuy có thể vừa đủ để thanh toán nợ (nếu bán đi), nhưng không phải tài sản nào cũng đảm bảo thanh khoản cao, ổn định và giá trị. Tình trạng được các nhà phân tích coi là thực sự an toàn chỉ khi hệ số khả năng thanh toán hiện thời luôn lớn hơn 1. 

Trong trường hợp cụ thể của Camimex Group, tài sản ngắn hạn tại thời điểm ngày 31/12/2018 là 602 tỷ đồng, đưa con số này vào công thức tính thì hệ số khả năng thanh toán hiện thời là 0,84, tức nhỏ hơn 1.

Lệ thuộc vào các tài sản dễ mất giá

Khi phân tích chi tiết khả năng thanh toán, giới phân tích còn đưa ra một chỉ số khác, trong đó loại bỏ các tài sản ngắn hạn có thanh khoản thấp (thường là hàng tồn kho, các khoản phải thu…). Theo đó, các tài sản có thanh khoản cao và đầu tư tài chính ngắn hạn mới là những tài sản đủ đáp ứng yêu cầu về khả năng chuyển đổi nhanh thành tiền mặt nhằm đáp ứng các nhu cầu thanh toán. Khả năng thanh toán nhanh được đánh giá có ý nghĩa “cấp thiết” hơn so với khả năng thanh toán hiện thời. Chỉ số này được tính bằng việc so sánh tổng tiền (và tương đương tiền) cộng đầu tư tài chính ngắn hạn với tổng tài sản ngắn hạn.

Trong trường hợp cụ thể của Camimex Group, tài sản ngắn hạn của Công ty chủ yếu nằm ở hàng tồn kho với tổng giá trị là 422 tỷ đồng, chiếm tới 70% tổng giá trị tài sản ngắn hạn. Tiếp đó, nhóm tài sản ngắn hạn có giá trị lớn thứ hai của Camimex Group là các khoản phải thu ngắn hạn với giá trị tại thời điểm ngày 31/12/2018 là 164 tỷ đồng, chiếm 27,2% tài sản ngắn hạn. Tổng 2 khoản hàng tồn kho và các khoản phải thu ngắn hạn chiếm tới 97,2% tổng giá trị tài sản ngắn hạn. Theo đó, hệ số khả năng thanh toán nhanh của Camimex Group là rất thấp khi tiền (và tương đương tiền) tại thời điểm 31/12/2018 chỉ vẻn vẹn 3,6 tỷ đồng, chiếm có 0,6% tổng tài sản ngắn hạn, trong khi đầu tư tài chính ngắn hạn không có.

Một rủi ro khác đáng chú ý trong quan sát các yếu tố tài chính của Camimex Group nằm ở chỗ, hàng tồn kho không chỉ chiếm tỷ trọng rất lớn trong cơ cấu tài sản ngắn hạn của công ty này, mà còn đặc thù sản phẩm ngành thực phẩm là lĩnh vực mà giá trị hàng tồn kho rất nhanh sụt giảm nếu chu kỳ tiêu thụ sản phẩm vì lý do nào đó bị chậm lại. 

Theo phân tích của ông Nguyễn Tiến Dũng, chi phí lãi vay năm 2018 của Camimex Group là 25,9 tỷ đồng, chiếm 29,1% lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp. Theo đó, nếu thị trường có biến động khiến giá tôm giảm khoảng 10% so với hiện tại, thì doanh nghiệp có thể chỉ còn mức lãi rất mỏng hoặc thậm chí hòa vốn, ngoài ra chưa tính đến yếu tố rủi ro về hàng tồn kho có thể bị giảm chất lượng nhanh. Trong báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2018 tự lập, Camimex Group chưa trích lập dự phòng cho hàng tồn kho của mình.

Với bức tranh tài chính như vậy, việc Camimex Group đặt mục tiêu khủng trong năm 2019 khiến dư luận băn khoăn về khả năng thực hiện.

Bất thường sóng cổ phiếu CMX
Sau khi tăng giá gấp đôi chỉ trong vòng 1 tháng, cổ phiếu CMX của Công ty cổ phần Chế biến và Xuất nhập khẩu thủy sản Cà Mau (Camimex) lại quay...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư