Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Cần có chương trình giám sát chuyên đề về đầu tư công
Nguyễn Lê - 27/09/2022 10:57
 
Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân TP.HCM đề xuất cần có chương trình giám sát chuyên đề về đầu tư công, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng.
.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân TP.HCM  tham luận từ đầu cầu Thành phố. 

Tham luận tại hội nghị triển khai Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023, sáng 27/9, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân TP.HCM đề xuất cần có chương trình giám sát chuyên đề về đầu tư công, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng.

Quá trình giám sát này cần tập trung vào các dự án trọng điểm, những vấn đề cốt lõi đang ảnh hưởng đến quá trình thực hiện các chương trình, nghị quyết của Quốc hội, ông Dũng đề nghị.

Trong báo cáo kết quả giám sát, nghị quyết về giám sát cần có các tiêu chí định lượng rõ ràng, mốc thời gian, trách nhiệm thực hiện cụ thể của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, Hội đồng nhân dân TP.HCM đề xuất giải pháp để tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình giám sát những tháng cuối năm 2022 và triển khai chương trình giám sát năm 2023.

Trước đó, trình bày tham luận của đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị tiếp tục tăng cường các hoạt động giám sát, nội dung tập trung vào một số lĩnh vực: công tác quy hoạch, công tác quản lý đất đai; các chính sách khuyến khích thu hút đầu tư; các chính sách an sinh xã hội, đặc biệt là các đối tượng bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì dịch bệnh Covid-19.

Liên quan đến đầu tư công, tham luận của Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho biết, những tháng cuối năm 2022 và năm 2023 tập trung vào công tác giám sát việc triển khai các dự án quan trọng quốc gia (các Dự án xây dựng đường bộ cao tốc, 2 tuyến đường vành đai và Cảng hàng không quốc tế Long Thành); thẩm tra, giám sát các báo cáo của Chính phủ về kinh tế - xã hội, về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025.

Ủy ban cũng sẽ tham gia, phối hợp giám sát việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội: về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội;  tham gia giám sát chuyên đề về: Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 trong chuyên đề giám sát về 3 chương trình mục tiêu quốc gia; tiếp tục giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật đối với các luật trong lĩnh vực Ủy ban Kinh tế phụ trách.

Cũng đóng góp giải pháp nâng cao hiệu quả các chương trình giám sát của Quốc hội, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Tuấn Anh cho biết, hiện nay, Kiểm toán nhà nước đang xây dựng kế hoạch kiểm toán năm 2023, sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022).

Theo đó, dự kiến tổ chức một số chuyên đề quan trọng phục vụ hoạt động giám sát của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trong thời gian tới.

Như, kiểm toán các chuyên đề liên quan đến Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 và Nghị quyết số 01/NQ-CP nhằm đánh giá việc triển khai, thực hiện các chính sách của nhà nước trong phục hồi và phát triển kinh tế. Gồm chuyên đề “Công tác lập, phân bổ vốn đầu tư Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội; việc thực hiện các chính sách đầu tư phát triển theo Nghị quyết số 43/2022/QH15”, chuyên đề “Việc quản lý và sử dụng Quỹ viễn thông công ích”, chuyên đề “Hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động có quan hệ lao động, đang ở thuê, ở trọ, làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kinh tế trọng điểm” và chuyên đề “Chương trình hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP”.

Bên cạnh đó cũng dự kiến kiểm toán 3 chương trình mục tiêu quốc gia về: Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 để phục vụ hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội trong năm 2023 đối với chủ đề việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Để phát huy được vai trò của Kiểm toán nhà nước trong các hoạt động giám sát, ông Tuấn Anh kiến nghị Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội xem xét có kế hoạch giám sát trung hạn (2-3 năm) hoặc định hướng sớm hơn về các chuyên đề dự kiến giám sát hằng năm (tối thiểu trước 1 năm).

Bởi vì, đặc thù hoạt động kiểm toán mang tính hậu kiểm, kết quả kiểm toán có độ trễ (thường tối thiểu là 1 năm), nên một số trường hợp khó đáp ứng yêu cầu giám sát về tính thời sự, cập nhật, lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước trình bày.

Kiểm toán nhà nước cũng đề nghị các cơ quan của Quốc hội nghiên cứu thêm một trong hướng tiếp cận khi lựa chọn chủ đề giám sát liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công trên cơ sở khai thác, sử dụng kết quả kiểm toán đã thực hiện.

Hằng năm, Kiểm toán nhà nước đều có báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm, danh mục các cuộc kiểm toán thực hiện trong năm gửi Quốc hội.

Ví dụ, kết quả kiểm toán năm 2022 đối với Chuyên đề Việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 và các chính sách hỗ trợ sẽ là nguồn thông tin hữu ích phục vụ chuyên đề giám sát tối cao năm 2023 của Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV. Ngoài ra, đối với mỗi chuyên đề giám sát cần nghiên cứu các nội dung giám sát trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, ông Tuấn Anh đề nghị.

Giải ngân hơn 55.500 tỷ đồng từ Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội
Tuy rất nỗ lực, nhưng giải ngân vốn từ Chương trình Phục hồi còn chậm, mới đạt khoảng 16% sau 8 tháng.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư