Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Cần công bằng thuế giữa xe công nghệ và taxi
N.L (DNSG) - 30/04/2019 17:23
 
Trong vòng 3 năm qua, đã có trên 80.000 xe kinh doanh dưới danh nghĩa Grab, đây là một dạng taxi thương quyền và phải được quản lý như taxi.

Ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia nói: “Qua 3 năm thí điểm đủ để chúng ta khẳng định Grab là taxi 4.0, không cần phải tranh cãi nữa. Chúng ta khẳng định Grab hay ứng dụng nào khác là dịch vụ vận tải. Nếu xét về bản chất, nền tảng kết nối hiện hay giúp taxi bỏ đàm, dùng trí tuệ nhân tạo xác định vị trí và kết nối với hành khách, quyết định mức giá. Những hoạt động điều độ tập trung, định giá tập trung đối với xe dưới 9 chỗ nên xác định là taxi. Tất cả những hoạt động kinh doanh vận tải sử dụng xe dưới 9 chỗ nên quy định là taxi”.

Trong vòng 3 năm qua, đã có trên 80.000 xe kinh doanh dưới danh nghĩa Grab, đây là một dạng taxi thương quyền và phải được quản lý như taxi. Trên thực tế,  sự bất bình đẳng về thuế giữa đơn vị kinh doanh taxi truyền thống và xe hợp đồng điện tử là có thật . Điều đó tạo sự bất ổn, mâu thuẫn tranh chấp kéo dài trong loại hình dịch vụ vận tải hành khách bằng xe dưới 9 chỗ. Đảm bảo sự công bằng trong thực hiện nghĩa vụ thuế giữa các đơn vị kinh doanh taxi với các hãng xe công nghệ đang là vấn đề được quan tâm trong ngành vận tải ô tô hiện nay. 

Theo đánh giá của Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, trong 3 năm thí điểm, số lượng phương tiện tham gia vào Grab riêng địa bàn Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh ở mỗi thành phố đã trên 15.000 xe, nhiều hơn số lượng xe taxi truyền thống ở 2 địa phương này; địa bàn thí điểm đã mở rộng chứ không phải 5 tỉnh, thành phố như quy định tại Quyết định 24/QĐ-BGTVT ngày 07/01/2016 về “Kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng” của Bộ Giao thông vận tải.

Về việc thực hiện nghĩa vụ thuế, Công ty TNHH Grab taxi hiện đang áp dụng theo văn bản số 384/TCT-TNCN ngày 08/2/2017 của Tổng cục Thuế. Theo đó Grab có trách nhiệm kê khai và nộp thuế phần doanh thu được chia xẻ của Grab và thu, nộp thuế thay cho các đối tác là cá nhân kinh doanh. Như vậy, đối với phần thuế của các cá nhân hợp tác với Grab thì Grab phải kê khai và nộp thuế phần doanh thu 20 ÷ 25% của Grab và kê khai nộp thuế phần 75 ÷ 80% doanh thu của bên vận tải với mức thuế khoán là 3% GTGT và 1,5% thuế TNCN. 

Theo ý kiến của Grab tại văn bản số 2003/2019/CV-Grab VN ngày 20 / 3/ 2019 của Công ty TNHH Grab gửi Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam thừa nhận: “Về nghĩa vụ thuế của các đối tác vận tải, cơ quan thuế đã ủy quyền cho Grab thu hộ; nộp hộ nghĩa vụ thuế cho các đối tác tham gia kinh doanh vận tải bằng ứng dụng với tỷ lệ tổng cộng là 4,5% doanh thu chia sẻ (trong đó 3% là tỷ lệ thuế GTGT, 1,5% là tỷ lệ thuế thu nhập cá nhân). Như vậy toàn bộ khoản phí ứng dụng trong mỗi cuốc xe luôn bao gồm khoản nghĩa vụ thuế đối tác vận tải”.

Theo số liệu của Tổng cục Thuế, trong kỳ kinh doanh 2014 – 2016 số thuế Grab nộp cho Nhà nước là 9,5 tỷ đồng, bằng 1/30 số thuế Vinasun nộp trong cùng thời gian (1.200 tỷ đồng) vì vậy, tại công văn số 15467/BTC-TCT ngày 15/11/2017, Bộ Tài chính nhận định: Grab có dấu hiệu rủi ro thuế cao, buộc đưa vào điều kiện kiểm soát thuế trọng điểm. Tại văn bản số 7121/BTC-TCT ngày 15/6/2018, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, lần thứ 2 Bộ Tài chính cho biết, năm 2018 Bộ này tiếp tục chỉ đạo cơ quan thuế đưa Grab vào diện giám sát trọng điểm, áp dụng các biện pháp như quản lý đăng ký thuế, quản lý kiểm tra khai thuế… Đồng thời Bộ Tài chính cũng cho biết cơ quan thuế đang phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan có thẩm quyền để rà soát việc sử dụng nguồn tài trợ vốn từ nguồn vay nợ của công ty mẹ ở nước ngoài để đảm bảo thực hiện đúng quy định pháp luật, ngăn chặn, xử lý kịp thời tình trạng trốn thuế, gian lận thương mại.

Không chỉ có dấu hiệu vi phạm thuế, Grab còn bất bình đẳng trong việc áp dụng thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN); không phải đóng các khoản BHXH, BHYT, BHTN mà các doanh nghiệp taxi phải thực hiện cho người lao động. Hiện nay, các doanh nghiệp kinh doanh taxi, trong đó có Vinasun đang phải đóng thuế VAT 10%, thuế TNDN 20%, BHXH, BHYT, BHTN là 32% trên thu nhập được tính của lái xe; ngược lại Grab được áp dụng thuế VAT 3%; thuế thu nhập phần mềm 2% tổng cộng 5% cho thấy sự bất bình đẳng trong việc áp dụng mức thuế suất, đồng thời Grab không bị ràng buộc bởi BHXH, BHYT, BHTN đối với lái xe.

Còn nếu theo đoạn trích dẫn trong công văn số 2003/2019/CV-Grab VN nói trên thì nộp thuế VAT và TNCN hộ cho đối tác chỉ là 4,5% “doanh thu chia sẻ (20÷25% doanh thu vận tải)” thì sự bất công bằng về thuế giữa Grab với các doanh nghiệp taxi truyền thống còn lớn hơn.

Bộ Giao thông Vận tải vừa hoàn thành dự thảo (lần 8) Nghị định thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP ngày 10/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Trong đó có thể hiện nội dung quản xe công nghệ như xe taxi. Nếu quản lý xe công nghệ như xe taxi thì phải công bằng về nghĩa vụ thuế giữa các đơn vị kinh doanh- vấn đề này rất lớn và rất cần thiết.

Grab tính phí khi người dùng hủy chuyến, trừ thẳng tiền trong tài khoản
Người dùng Grab sẽ bị tính phí 4 đô la Singapore nếu họ hủy chuyến sau khi đã tìm được tài xế hơn 5 phút. Grab cho biết sẽ áp dụng chính sách mới...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư