Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 15 tháng 08 năm 2024,
Cạnh tranh huy động nóng từng ngày
Vân Linh - 09/05/2018 15:06
 
Tuy tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn chưa chạm trần, song cũng sát mức cho phép, nên các ngân hàng đang tăng cường huy động vốn dài ngày, khiến cuộc cạnh tranh huy động càng thêm nóng.

Sát mức cho phép

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP.HCM cho hay, mục tiêu tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng năm nay dự kiến ở mức 15-18%, đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng, thanh khoản hệ thống sẽ tiếp tục ổn định, tăng trưởng tín dụng được kiểm soát chặt chẽ, góp phần làm giảm áp lực lên mặt bằng lãi suất. 

.
Các ngân hàng đang tăng cường huy động vốn dài hạn

Theo ông Minh, tín dụng trung, dài hạn có xu hướng tăng cao hơn tín dụng ngắn hạn, phản ánh triển vọng ổn định của nền kinh tế, đòi hỏi các tổ chức tín dụng phải xây dựng biện pháp phòng ngừa rủi ro, chú trọng mở rộng nguồn dữ liệu khách hàng, hoàn thiện hệ thống quản lý nợ và thu hồi nợ xấu. Tuy nhiên, Thông tư số 19/2017/TT-NHNN quy định giảm dần lộ trình vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn, buộc ngân hàng phải tăng cường huy động nguồn vốn dài hạn để tái cơ cấu nguồn. 

Cụ thể, từ ngày 1/1/2018 đến 31/12/2018, tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng cho vay trung hạn và dài hạn của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài là 45%; tổ chức tín dụng phi ngân hàng là 90%. Từ ngày 1/1/2019 trở đi, tỷ lệ 40% sẽ được áp dụng cho ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; các tổ chức tín dụng phi ngân hàng tiếp tục giữ nguyên tỷ lệ 90%.

Đó cũng chính là lý do buộc các ngân hàng phải chuyển dịch hướng giảm dần cho vay trung, dài hạn, nhất là với những nhà băng đã chạm trần cho phép về tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn. OCB cho biết, tiếp tục dịch chuyển cơ cấu cho vay theo hướng giảm cho vay trung và dài hạn, giảm mức độ tập trung theo ngành và khách hàng, đẩy mạnh doanh số bán và đa dạng hóa các sản phẩm phi lãi suất, đưa tỷ lệ thu ngoài lãi lên 15% tổng thu thuần. 

Theo thống kê của NHNN đến tháng 12/2017, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn toàn hệ thống ở mức 30,65%, trong đó tỷ lệ này tại các ngân hàng thương mại nhà nước là 33,44% và ngân hàng thương mại cổ phần là 34,47%; tại các công ty tài chính, cho thuê tài chính gần 49%. Như vậy, tuy tỷ lệ trên chưa chạm trần, song cũng sát mức cho phép, nên các ngân hàng đang tăng cường huy động vốn dài ngày. 

Cạnh tranh huy động chưa khi nào bớt nóng

Theo khảo sát, hiện có tới 60% khách hàng gửi tiết kiệm chọn kỳ hạn ngắn và khi hết hạn, họ xoay vòng gửi lại để dự phòng cho các khoản chi bất thường mà không bị mất lãi. Nắm bắt tâm lý này, các ngân hàng đang thiết kế thêm nhiều sản phẩm tiền gửi có tính thanh khoản cao hơn để giữ thị phần. Nhiều ngân hàng có các sản phẩm như trái phiếu doanh nghiệp, chứng chỉ quỹ trái phiếu, với lãi suất lên tới 8%/năm, nhằm tăng cường huy động vốn dài hạn, để đáp ứng quy định của NHNN. 

Mặc dù các nhà băng cho rằng, thanh khoản luôn dồi dào, song thực tế cạnh tranh huy động tiền gửi tiết kiệm chưa khi nào bớt nóng. Đó cũng là lý do các ngân hàng phải đua huy động ngay cả khi thực hiện chủ trương giảm lãi suất cho vay. PVcomBank áp dụng mức lãi suất cạnh tranh lên đến 7,9%/năm. Viet Capital Bank áp dụng lãi suất cao nhất 8,5%/năm. Sacombank phát hành chứng chỉ tiền gửi tiết kiệm lãi suất đến 8,5%/năm… 

Trong khi đó, các nhà băng cho biết, thanh khoản vẫn dồi dào, thậm chí còn dư thừa, song trước tình hình phải cơ cấu lại nguồn vốn theo quy định tại Thông tư 19/2017/TT-NHNN, đồng thời chuẩn bị nguồn đón đầu cơ hội kinh doanh khi tín dụng có chiều hướng tăng, thị trường bất động sản ấm lên, nên các nhà băng đang cạnh tranh gay gắt trong huy động vốn, nhất là ở các ngân hàng quy mô nhỏ và vừa.

Mặt khác, với kỳ vọng mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay cao hơn năm trước và không ít nhà băng đã sử dụng 1/2 “room” tín dụng được cấp từ đầu năm ở mức 14-15%, nên có ý định xin thêm hạn mức, các nhà băng đã không ngại chi hàng tỷ đồng để khuyến mãi, tặng quà cho khách hàng nhằm hút tiền nhàn rỗi, đón đầu nhu cầu vốn được cho sẽ tăng cao dịp cuối năm nay. 

Cùng với điều tiết thanh khoản, NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh, là cơ sở cho việc phấn đấu giảm lãi suất cho vay. Theo ông Huỳnh Trung Minh, chuyên gia tài chính - ngân hàng, việc giãn thời điểm áp dụng tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn thể hiện sự linh hoạt trong điều hành của NHNN, nhưng việc siết chặt các chỉ số an toàn để đảm bảo hoạt động ngân hàng bền vững vẫn là mục tiêu mà NHNN đang hướng đến.

Dư địa để tăng trưởng tín dụng quý IV còn khá lớn
Mục tiêu tăng trưởng tín dụng 21% sẽ là điều kiện tốt cho ngân hàng mở rộng cho vay trong mùa cao điểm cuối năm. Song theo đánh giá của giới phân...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư