Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Cạnh tranh tiêu thụ xi măng vẫn rất gay gắt trong giai đoạn 2022 - 2023
Thế Hải - 02/05/2022 08:21
 
Cầu nội địa hồi phục, nhưng dưới 65 triệu tấn, cộng với tình trạng dư cung, khiến cạnh tranh tiêu thụ trong ngành xi măng vẫn tiếp diễn theo chiều gay gắt trong giai đoạn 2022 - 2023
.
Dự báo tình trạng dư cung và cạnh tranh gay gắt trong ngành xi măng vẫn sẽ tiếp diễn trong giai đoạn 2022-2023

Ngành xi măng Việt Nam đang ở trong tình trạng “vừa thừa, vừa thiếu”, do dư thừa nguồn cung xi măng khi công suất sản xuất vượt quá nhu cầu thị trường nội địa và thiếu các nhà máy xi măng quy mô lớn. Báo cáo mới nhất của VnDirect nhận định.

Trong khi nhu cầu xi măng nội địa hiện nay chỉ đạt dưới 65 triệu tấn thì quy mô công suất toàn ngành đã lên tới gần 107 triệu tấn (thực tế có thể sản xuất khoảng 120 - 130 triệu tấn thành phẩm nếu điều chỉnh tỷ lệ trộn phụ gia). Điều này dẫn đến tình trạng dư cung trầm trọng (đặc biệt tại khu vực miền Bắc) và ngày càng phụ thuộc vào xuất khẩu của xi măng Việt Nam.

Ngành lại đang có tới 41/87 dây chuyển sản xuất có công suất dưới 1 triệu tấn/năm, chiếm 21% tổng sản lượng toàn ngành. Quy mô tối thiểu để một nhà máy xi măng đạt được hiệu quả kinh tế là 2 triệu tấn/năm và mỗi doanh nghiệp phải có công suất tối thiểu 5-10 triệu tấn/năm để đảm bảo hiệu quả trong dài hạn thông qua việc tiết kiệm chi phí.

Quy mô công suất của nhiều dây chuyền còn nhỏ, và tình trạng dư cung kéo dài là những lý do chính hạn chế khả năng sinh lời của các doanh nghiệp trong ngành.

Nhận thức được vấn đề này, Chính phủ đã nâng các rào cản gia nhập ngành xi măng, đặc biệt chỉ cấp phép cho những dự án lớn (trên 2 triệu tấn/năm) nhằm giảm bớt tình trạng phân mảnh của thị trường. Tuy nhiên trong ngắn hạn việc cấp phép xây dựng nhà máy mới sẽ khiến tình trạng dư cung thêm nghiêm trọng.

Thực tế, năm 2021, nhu cầu tiêu dùng xi măng nội địa đã giảm mạnh do ảnh hưởng của đại dịch với các đợt giãn cách kéo dài.

Số liệu của Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA), sản lượng tiêu thụ xi măng nội địa năm 2020 đạt 62,1 triệu tấn, giảm 4,3% so với năm trước.

Dù vậy, nhờ xuất khẩu tăng cao trên 46 triệu tấn, nên ngành vẫn cán mức tiêu thụ khoảng 108 triệu tấn. Và thị trường xuất khẩu là “phao cứu sinh”, giúp giải quyết tình trạng dư cung trầm trọng ngành xi măng Việt Nam trong suốt giai đoạn 2017-2021. Sản lượng xuất khẩu trên 46 triệu tấn trong năm 2021 cũng là kỷ lục của ngành này kể từ khi xuất khẩu.

Mặc dù sản lượng tăng trưởng mạnh mẽ nhưng hiệu quả trong hoạt động xuất khẩu lại không cao khi tỷ trọng sản phẩm bán thành phẩm – clinker thường xuyên ở mức cao, chiếm 63% tổng sản lượng xuất khẩu năm 2021. Theo VNCA, xuất khẩu clinker sẽ làm giảm ít nhất 30-35% giá trị sản phẩm và các doanh nghiệp Việt Nam sẽ không được hưởng lợi từ phần giá trị gia tăng của xi măng thành phẩm.

Tuy nhiên, VnDirect kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ xi măng nội địa năm 2022-2023 sẽ phục hồi mạnh mẽ và sản lượng tiêu thụ đạt 66,5 triệu tấn trong năm 2022 và ở năm 2023 là 69,8 triệu tấn, tăng lần lượt là 6% và 5% so với cùng kỳ.

Dự báo này dựa trên cơ sở giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 sẽ tăng 20-30% so với giải ngân thực tế năm 2021 và nguồn cung căn hộ mới tại Hà Nội và TP.HCM sẽ hồi phục mạnh mẽ trong năm 2022 với lần lượt 40-60% so với cùng kỳ.

Rủi ro của ngành xi măng trong năm 2022 cũng được chỉ ra là giá bán thép xây dựng và xi măng đã tăng lần lượt 15% và 7% so với đầu năm. Với việc thường chiếm tới 15-20% chi phí xây dựng, tiến độ tại các dự án xây dựng sẽ bị ảnh hưởng đáng kể, từ đó nhu cầu xi măng thực tế có thể thấp hơn dự kiến.

Trong khi đó, giá than nhiệt tiếp tục duy trì ở mức cao do cuộc xung đột giữa Nga-Ukraine kéo dài hơn dự kiến sẽ khiến biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp trong ngành suy giảm mạnh trong năm 2022.

Nguyên liệu than đầu vào đứng trước nguy cơ thiếu hụt nguồn cung và giá bán tăng. Theo VNCA, than là nguyên liệu đầu vào quan trọng nhất, thường chiếm khoảng 35-40% giá thành sản xuất xi măng, mà có tới 66% lượng than phải nhập khẩu, do đó giá thành sản xuất xi măng tại Việt Nam phụ thuộc lớn vào giá than trên thị trường quốc tế.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) mới đây cũng đã thông báo nhiều nhà máy nhiệt điện đã phải dừng hoặc giảm phát vì thiếu than (thiếu 1,4 triệu tấn so với hợp đồng đã ký trong quý I/2022), gây ra rủi ro thiếu điện trong quý II/2022. Do nguồn than được ưu tiên cho nhiệt điện nên rất có thể việc huy động than cho các nhà máy xi măng tại Việt Nam sẽ gặp khó khăn.

Năm 2022, ngành xi măng sẽ có thêm 3 dây chuyền mới đi vào vận hành
Năm 2022, ngành xi măng dự kiến sẽ có thêm 3 dây chuyền sản xuất xi măng mới đi vào vận hành, với công suất khoảng 8,8 triệu tấn/năm.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư