Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 27 tháng 11 năm 2024,
Cao tốc Bắc - Nam: Chậm đầu tư, lỡ thời vận
Anh Minh - 13/10/2016 09:07
 
Không nằm trong chương trình chính thức, nhưng do tính cấp thiết, nên nhiều khả năng, kế hoạch đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn Hà Nội - TP.HCM đến năm 2020 do Bộ Giao thông - Vận tải đề xuất sẽ nhận được sự quan tâm cho ý kiến từ các đại biểu tham dự Hội nghị lần thứ tư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII (Hội nghị Trung ương 4).

Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, tuyến Quốc lộ 1 đoạn Hà Nội - Cần Thơ đã hoàn thành với quy mô 4 làn xe. Song do đặc thù tại Việt Nam, nên giao thông trên tuyến Quốc lộ 1 là giao thông hỗn hợp, tốc độ khai thác thấp, sự gia tăng nhanh chóng phương tiện vận tải, áp lực giao thông ngày càng gia tăng.

Ngoài ra, tuyến đường này cũng không thể nâng cấp mở rộng được nữa bởi sẽ ảnh hưởng đến dân sinh, khối lượng giải phóng mặt bằng, chi phí đầu tư lớn và hiệu quả không cao. Trong khi đó, các nghiên cứu về đường sắt tốc độ cao đoạn Hà Nội - TP.HCM cho thấy, kinh phí đầu tư cho tuyến đường này khoảng 55 tỷ USD, cao gấp 4 lần tuyến đường bộ cao tốc 4 làn xe hoàn chỉnh.       

.
.

Điều đáng nói là trong bối cảnh hiện nay sẽ khó có thể huy động được nguồn lực để đầu tư cho đường sắt cao tốc. Hơn nữa, việc xây dựng và khai thác tuyến đường sắt tốc độ cao Hà Nội - TP.HCM sẽ phải thực hiện trong thời gian 10 - 15 năm, công nghệ trong nước chưa làm chủ được, phải dựa vào nước ngoài, trong khi việc xây dựng đường bộ cao tốc có thể dựa vào nội lực. Do vậy, có thể khẳng định, việc lựa chọn đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Hà Nội - TP.HCM trong giai đoạn trung hạn 2016 - 2020 là cấp bách.

Cần phải nói thêm rằng, Nghị quyết số 13 – NQ/TW ngày 16/1/2012 của Hội nghị lần thứ 4, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI cũng đã xác định trục đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông dài 1.842 km, quy mô 4 làn xe vào năm 2020 là một trong những công trình đặc biệt quan trọng, tạo bước đột phá mạnh mẽ về kết cấu hạ tầng cho đất nước. Song đến thời điểm hiện tại, trên trục đường bộ cao tốc xuyên Việt này mới đưa vào khai thác được 171 km, đang đầu tư 299 km.

Sự thiếu vắng tuyến đường cao tốc hiện đại kết nối các vùng miền đang là một trong những điểm nghẽn về hạ tầng, chưa tạo nên được một cú hích khả dĩ góp phần tái cơ cấu đầu tư, đổi mới mô hình tăng trưởng.

Trong khi nguồn vốn vay tín dụng trong nước chủ yếu là vốn vay ngắn hạn và trung hạn, các ngân hàng trong nước đã tập trung vốn cho nhiều dự án BOT ngành giao thông - vận tải nên khả năng cho vay đầu tư tiếp các tuyến cao tốc sẽ không nhiều. Hơn thế, dự án xây dựng đường bộ cao tốc đòi hỏi nguồn vốn lớn, hiệu quả tài chính không cao, nên tất yếu rất khó huy động vốn trong nước.

Chính vì vậy, việc đưa ra giải pháp thu hút vốn mang tính đột phá, kêu gọi được sự tham gia của các nhà đầu tư tài chính có năng lực từ nước ngoài sẽ rất quan trọng, qua đó có thể tạo làn sóng đầu tư mới với quy mô lớn hơn, cường độ cao hơn cho phát triển kết cấu hạ tầng. Quan trọng hơn, rất cần một quyết tâm cao của toàn bộ hệ thống chính trị, sự đồng thuận trong xã hội để sau 4 năm tới, có thể cụ thể hóa khát vọng thông tuyến cao tốc Bắc Nam - một công trình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Bác hàng loạt đề xuất "cơ chế đặc thù" cho dự án đường cao tốc Bắc - Nam
Hàng loạt đề xuất cơ chế đặc thù cho dự án đường cao tốc Bắc-Nam được Bộ Giao thông Vận tải đưa ra bị đánh giá là “chưa có cơ sở,”...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư