Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
CEO FPT Bùi Quang Ngọc: Startup cần được đào tạo về quản trị công ty
Vân Anh (ICT News) - 29/05/2016 07:14
 
Tổng giám đốc FPT Bùi Quang Ngọc cho rằng, bên cạnh việc trang bị cho thanh niên có mong muốn khởi nghiệp về các công nghệ mới, còn cần chú trọng đào tạo về ngoại ngữ và quản trị doanh nghiệp.
Ông Bùi Quang Ngọc, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc FPT
Ông Bùi Quang Ngọc, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc FPT

Vấn đề thúc đẩy phong trào khởi nghiệp tại Việt Nam, hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp là một nội dung được tập trung trao đổi, thảo luận tại buổi làm việc giữa một số đơn vị chức năng của Bộ TT&TT với Hội Doanh nghiệp trẻ Việt Nam, do Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn chủ trì ngày 27/5/2016.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng khẳng định, cần đẩy mạnh các ứng dụng startup, phong trào khởi nghiệp hướng tới Internet of Things - không chỉ con người mà vạn vật đều sẽ kết nối qua nền tảng Internet để sẵn sàng cho thế giới phẳng. Phát triển các ứng dụng kết nối với các lĩnh vực gần gũi, căn bản như giáo dục, y tế... Trước đó, quan điểm này cũng đã được Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nhấn mạnh trong phát biểu với cộng đồng doanh nghiệp CNTT tại lễ trao Danh hiệu Sao Khuê 2016 vào ngày 23/4 vừa qua.

Chia sẻ tại buổi làm việc này, ông Bùi Quang Ngọc, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc FPT cho biết, năm 2016 đã được chọn là năm quốc gia khởi nghiệp và thực sự là thanh niên Việt Nam được đánh giá rất cao về tinh thần khởi nghiệp. “Tuy nhiên, từ  tinh thần để ra sản phẩm là một nấc. Có sản phẩm rồi, thương mại hóa được hay không lại là một nấc nữa. Để ra được sản phẩm cuối cùng, có tới mấy nấc”, ông Ngọc nói.

Khẳng định các doanh nghiệp nhỏ có thế mạnh trong lĩnh vực khởi nghiệp, vị CEO này cũng chia sẻ, đối với khởi nghiệp, các doanh nghiệp vừa và cả các doanh nghiệp lớn như FPT không mạnh. FPT đã chuyển sang hướng thành lập Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp. Hiện nay, mỗi năm FPT bỏ ra khoảng 2 triệu USD vào Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp, tham gia cùng các Quỹ khác thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp để sao cho có được sản phẩm mới và nấc cao hơn nữa là thương mại hóa được sản phẩm đó.

Cho rằng khởi nghiệp cũng là một loại thời cơ, ông Ngọc nhận định: “Ưu thế của Việt Nam là thanh niên đông và các em tiếp thu công nghệ rất nhanh, có nhiều ý tưởng. Nhưng những yếu tố này vẫn chưa đủ, mà còn cần phải làm sao để các em có tri thức về công nghệ, ngoại ngữ và cả về quản trị công ty. Đặc biệt, khi chúng ta tham gia vào nền kinh tế số của thế giới - một nền kinh tế không giới hạn biên giới, thì việc đào tạo ngoại ngữ và quản trị công ty, bên cạnh đào tạo công nghệ lại càng cần thiết”.

Riêng về công nghệ, theo ông Ngọc, hiện nay ngành GD&ĐT Việt Nam đang có những lạc hậu nhất định về chương trình, chưa cập nhật được kiến thức về những công nghệ mới nhất. Đào tạo vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn. Ông Ngọc cho hay: “Câu chuyện ở FPT là một ví dụ. Mỗi năm chúng tôi cần từ 3.000 - 4.000 lập trình viên nhưng không bao giờ tuyển đủ. Một trong những cản trở sự phát triển của FPT hiện nay chính là khó khăn về nguồn lực. Mặc dù cả nước có nhiều cơ sở đào tạo nhưng sau khi tuyển về, để đạt yêu cầu của doanh nghiệp cũng không phải dễ, bản thân FPT cũng đã phải đào tạo thêm rất nhiều”.

Cùng với vấn đề đào tạo, Tổng giám đốc FPT cũng đánh giá truyền thông có vai trò không kém phần quan trọng: “Tôi cho rằng cần đẩy mạnh truyền thông về tinh thần khởi nghiệp, những tấm gương khởi nghiệp, đồng thời tuyên truyền giáo dục tinh thần khởi nghiệp cho thanh thiếu niên. Để làm được điều này rất cần nhà nước tham gia thúc đẩy. Phải làm sao khuyến khích, khích lệ mạnh mẽ để nổi bật được tinh thần khởi nghiệp của thanh thiếu niên Việt Nam”.

Liên quan đến vấn đề huy động vốn đầu tư cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, Tổng giám đốc FPT Bùi Quang Ngọc đề xuất Chính phủ có thể tham gia lập các Quỹ, các giải thưởng về khởi nghiệp. Ông Ngọc cho rằng: “Nói đến khởi nghiệp, chắc có tới 90% là khởi nghiệp trên kinh tế số, nằm trong trách nhiệm, phạm vi quản lý nhà nước của Bộ TT&TT, do đó mong rằng Bộ TT&TT sẽ có được những biện pháp cụ thể để đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp tại Việt Nam”.

Trong phát biểu kết luận buổi làm việc với Hội Doanh nghiệp trẻ Việt Nam, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết, Bộ đã có kiến nghị với Chính phủ về giải pháp xây dựng các kênh thông tin, tuyên truyền, ví dụ như một cổng thông tin chuyên về khởi nghiệp để tăng cường phổ biến thông tin về quy định pháp luật đến với các doanh nghiệp khởi nghiệp; giúp các doanh nghiệp có thể dễ dàng nhận biết được các quy định pháp lý liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của mình, các thủ tục hành chính cần phải thực hiện cũng như các thông tin về ưu đãi đầu tư liên quan hoạt động của các doanh nghiệp.

Về việc hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp tiếp cận vốn đầu tư, theo Bộ trưởng, hiện nay có nhiều ý kiến cho rằng Chính phủ nên hình thành các Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp. Tuy nhiên, Bộ TT&TT thấy rằng theo thông lệ thì việc đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp thường do các doanh nghiệp, các quỹ đầu tư thực hiện và họ mới có thể xác định được chính xác nhất cơ hội khi tham gia đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp. “Vai trò của Chính phủ là tạo ra cơ chế pháp lý thông thoáng, môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các doanh nghiệp; đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho các quỹ đầu tư tham gia hỗ trợ doanh nghiệp”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng cũng cho rằng, cần phải có các giải pháp để cung cấp thông tin về các ý tưởng khởi nghiệp đến được với các nhà đầu tư, các Quỹ đầu tư mạo hiểm để họ có thể xem xét hỗ trợ đầu tư cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. Để thực hiện được giải pháp này cần sự chủ động của các doanh nghiệp, sự phối hợp hỗ trợ kết nối của các hiệp hội. Đặc biệt, Hội Doanh nghiệp trẻ Việt Nam cần nêu cao vai trò trong việc kết nối các doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các nhà đầu tư, các quỹ đầu tư mạo hiểm...

Ngày 18/5/2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”. Mục tiêu của Đề án là tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh. Theo Đề án này, có 2 nhóm đối tượng được hỗ trợ. Một là, cá nhân, nhóm cá nhân có dự án khởi nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới. Doanh nghiệp khởi nghiệp có thời gian hoạt động không quá 5 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp lần đầu. Và hai là, tổ chức cung cấp dịch vụ, cơ sở vật chất - kỹ thuật, đầu tư, truyền thông cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hoạt động hiệu quả, đáp ứng các tiêu chí: người đứng đầu có ít nhất 1 năm kinh nghiệm hoạt động tư vấn đầu tư, tài chính và hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp; tổ chức có ít nhất 1 năm hoạt động, cung cấp dịch vụ cho ít nhất 10 nhóm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và đã đầu tư hoặc gọi vốn đầu tư được ít nhất 1 tỷ đồng cho các nhóm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam; có quy trình hỗ trợ khởi nghiệp phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và thỏa thuận hợp tác với tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài về đầu tư, đào tạo, huấn luyện, tư vấn cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.

 

FPT hé lộ thông tin về 2 dự án hỗ trợ khởi nghiệp
Tại Ngày công nghệ FPT diễn ra ngày hôm nay (18/5), Tập đoàn FPT đã tiết lộ thêm thông tin về dự án hỗ trợ khởi nghiệp là Vietnam Innovative Startup...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư