Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
CEO Huỳnh Quang Ngọc Hân và mong muốn “xuất khẩu” sự năng động của người Việt
Huy Vũ - 26/07/2020 08:30
 
Từ ý tưởng tạo ra một đôi giày năng động, phù hợp với nhiều loại trang phục, sử dụng cho nhiều mục đích trong ngày, Ngọc Hân đang từng bước chinh phục các thị trường xuất khẩu khó tính nhất.
.
Huỳnh Quang Ngọc Hân, CEO Công ty TNHH Tư vấn thiết kế Sài Gòn.

Đường đến xứ sở hoa anh đào

“Chúng tôi đang làm việc lại với đối tác Nhật Bản sau thời gian bị gián đoạn do Covid-19”, Ngọc Hân mở đầu câu chuyện đầy hào hứng.

Dự kiến, cuối tháng 9 năm nay, sản phẩm giày mang thương hiệu Một của Công ty TNHH Tư vấn thiết kế Sài Gòn sẽ xuất hiện tại các trung tâm thương mại Nhật Bản trong 2 tuần. Đây là bước khởi động, tạo đà để Một từng bước chinh phục thị trường. Nếu không vì Covid-19, các đôi giày Một đã xuất hiện ở xứ sở hoa anh đào từ tháng 4 vừa qua.

Đôi giày được thiết kế và sản xuất hoàn toàn bởi doanh nghiệp Việt Nam này bắt đầu lọt vào “mắt xanh” của các nhà phát triển kinh doanh ở Nhật Bản khi Một được nhắc đến trong các bài viết trên Shoes Post và Senken, hai tạp chí có uy tín trong ngành giày và thời trang của Nhật Bản hồi đầu năm nay.

Sự kiện này có ý nghĩa rất quan trọng đối với Một, vì Nhật Bản là một trong những thị trường có sản lượng tiêu thụ lớn nhất trong ngành công nghiệp thời trang nói chung và giày dép nói riêng. Tuy nhiên, người tiêu dùng Nhật Bản cực kỳ khó tính và đây là thị trường không dễ chinh phục.

Trước Nhật Bản, Một cũng đã được nhắc đến ở Mỹ, châu Âu và đã có đơn hàng từ các thị trường này sau khi được Dezeen Awards vinh danh năm 2019. Cũng giống như Shoes Post hay Senken, Dezeen là một trong những website chuyên ngành về thiết kế thời trang và kiến trúc uy tín, nhưng ở quy mô toàn cầu.

Dezeen Awards năm 2019 có 4.500 bài dự thi đến từ hơn 70 quốc gia cho 30 hạng mục khác nhau. Thành phần Ban Giám khảo của cuộc thi gồm 75 kiến trúc sư và nhà thiết kế đã thành danh. Xuất sắc vượt qua nhiều đối thủ nặng ký, giày Một lọt top 5 của hạng mục Wearable Design (tạm dịch là thiết kế phục sức).

Mặc dù vậy, Ngọc Hân cho biết, đội ngũ sáng lập Một đang tập trung cho thị trường Nhật Bản và Việt Nam trước, vì phù hợp với nguồn lực hiện tại của Công ty. Còn với các thị trường như châu Âu hay Mỹ, khách có thể đặt hàng tại website của Một.

Giày Một lấy ý tưởng từ việc tạo ra một đôi giày có thể sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau trong ngày như đi làm, đi chơi, đi dự tiệc, trong điều kiện khí hậu nhiệt đới như ở Việt Nam. “Một” là viết tắt từ slogan “Một đôi nguyên ngày” của Công ty TNHH Tư vấn thiết kế Sài Gòn.

Sản phẩm hiện tại của Một là giày cold-cement (loại giày có đế đúc bằng cao su, thân giày làm bằng vải hoặc da) với hai lựa chọn về vật liệu là vải cotton canvas và da, có mức giá từ 720.000 đồng/đôi trở lên. Đối tượng khách hàng mà Một hướng đến là những người đã đi làm, có thu nhập ổn định.

Cùng với kênh website, Một đã thiết lập được mạng lưới bán hàng ở 3 thành phố lớn là TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng, thông qua hình thức ký gửi. Ngọc Hân cho biết, Công ty đang duy trì mô hình cân bằng doanh thu của hai mảng trực tuyến và mạng lưới đại lý.

Năm 2019, một năm sau khi thành lập, Một đã tiêu thụ được 10.000 đôi giày tại thị trường nội địa, tăng trưởng hơn 200% so với năm 2018. “Đây là con số khiêm tốn đối với một hãng giày, song với đơn vị mới thành lập như Một, nó mang rất nhiều ý nghĩa, cho thấy phản hồi tích cực từ người tiêu dùng Việt Nam”, Ngọc Hân chia sẻ.

Ý tưởng kinh doanh bắt đầu từ sự tiện lợi

Ngọc Hân sinh năm 1990, tốt nghiệp Học viện Nghệ thuật Mỹ (Academy of Art University) chuyên ngành thiết kế công nghiệp. Ba năm trước, Ngọc Hân trở về Việt Nam, mang theo nhiều ý tưởng, khát vọng lập nghiệp.

Với bản tính năng động, Ngọc Hân thường xuyên di chuyển, song cô cảm thấy “khổ sở” vì phải mất khá nhiều thời gian vào việc lựa chọn đôi giày phù hợp cho một ngày đầy ắp kế hoạch, chưa kể đến yếu tố thời tiết.

“Tại sao có cửa hàng tiện lợi, mà không có giày tiện lợi cho phần lớn hoạt động hằng ngày?”, Ngọc Hân tự hỏi.

Từ đó, Ngọc Hân nảy ra ý tưởng thiết kế và kinh doanh những đôi giày tiện lợi, năng động. Cô mất gần một năm nghiên cứu, thiết kế và may mắn tìm được đồng sáng lập là Phạm Đỗ Kiến Quốc, một người bạn cũ có hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất giày cho các nhãn hàng lớn và sở hữu xưởng sản xuất.

Khi đó, Kiến Quốc cũng đang ấp ủ kế hoạch về sản phẩm mang thương hiệu Việt có thể chinh phục các thị trường trên thế giới. Cùng chung ý tưởng và khát vọng, cả hai quyết định hợp tác.

Có xưởng sản xuất, có đồng sáng lập am hiểu về thị trường, nhưng Ngọc Hân xác định, con đường xây dựng và phát triển thương hiệu Một sẽ không dễ dàng, bởi mức độ cạnh tranh trong ngành công nghiệp giày dép tại thị trường Việt Nam rất cao, với sự góp mặt của nhiều thương hiệu giày trên thế giới. Mặt khác, Việt Nam cũng là một trong những nước gia công giày dép lớn nhất thế giới, kim ngạch xuất khẩu giày dép hàng năm khá cao. Vì vậy, để tồn tại, Một cần có bộ máy vận hành thật gọn nhẹ để giảm tối đa các chi phí không cần thiết trong thời gian đầu.

Các thành viên sáng lập cũng thống nhất, sẽ tập trung vào tệp khách hàng là những người đã đi làm, có thu nhập ổn định và biết rõ mình muốn gì. Đây là những đối tượng khách hàng không dễ tính và khó tiếp cận, song nếu chinh phục được, họ có thể đồng hành lâu dài với nhãn hàng.

Góc nhìn này đến từ việc quan sát Forever 21, hãng thời trang bình dân lớn nhất thế giới đã nộp đơn xin phá sản hồi tháng 9 năm ngoái. Forever 21 tập trung vào khách hàng vị thành niên, với những sản phẩm có thiết kế bắt mắt và liên tục thay đổi. Vấn đề là, “khẩu vị” của nhóm khách hàng này thay đổi quá nhanh, tính trung thành kém vì chỉ quan tâm về giá, khiến Hãng không thể giữ chân họ và thế mạnh liên tục ra sản phẩm mới trở thành gánh nặng về hàng tồn kho.

Ngược lại, Zara hay Uniqlo sớm nhận ra việc khó đáp ứng sự thay đổi nhu cầu quá nhanh của khách hàng, nên tập trung vào thiết kế, sử dụng nhiều nguyên liệu đắt tiền hơn để phục vụ nhóm khách hàng từ 25 tuổi trở lên, vốn khó tính hơn, nhưng tính trung thành cao.

Vì vậy, để chiếm trọn tình cảm của khách hàng trong nước và chinh phục thị trường quốc tế, Một chỉ có một con đường là chứng minh chất lượng của sản phẩm.

Khi được hỏi, giày Một muốn truyền đi thông điệp gì về hình ảnh và văn hóa của người Việt Nam thông qua thiết kế, Ngọc Hân không ngần ngại trả lời, đó chính là sự năng động.

“Khi khách hàng nước ngoài mang giày Một và sử dụng giày Một cho nhiều mục đích khác nhau, họ sẽ cảm nhận được sự năng động của người Việt Nam, xóa đi định kiến Việt Nam vẫn là đất nước còn nghèo vì ảnh hưởng của chiến tranh”, Ngọc Hân chia sẻ.

Chính vì thế, dù là một thương hiệu mới gia nhập thị trường, Một tự tin tham dự các cuộc thi uy tín trong ngành thời trang, nơi hội tụ của các nhãn hàng lớn, lâu đời ở Nhật Bản và châu Âu. Đây cũng là một kênh khá hiệu quả giúp Một nhận được đánh giá khách quan từ những chuyên gia có chuyên môn, kinh nghiệm.

Ngọc Hân cho biết, mùa dịch bệnh vừa qua, Một cũng bị ảnh hưởng khá nhiều khi sức mua sụt giảm. Rất may mắn, khi dỡ bỏ giãn cách xã hội, Công ty đã lấy lại được mức doanh thu gần bằng 80% so với cùng kỳ năm 2019. Động thái tái khởi động việc kết nối với đối tác Nhật Bản hứa hẹn sẽ đem lại nhiều kết quả khả quan cho thương hiệu mới này.

“Chúng tôi kỳ vọng rất lớn khi thị trường giao thương trở lại, vì Một sẽ không chỉ dừng lại ở sản phẩm giày”, Ngọc Hân tự tin nói.

Chat với Huỳnh Quang Ngọc Hân

Khi học cấp 3, môn nào khiến Ngọc Hân “ngán” nhất?

Môn Hóa học, vì tôi gặp khó khăn trong việc nhớ các công thức hóa học.

Vậy Ngọc Hân yêu thích nhất môn nào?

Tôi thích môn Vật lý, vì tôi rất thích tìm hiểu cấu tạo của đồ vật và các kiến thức vật lý giúp tôi làm việc đó.

Hai cuốn sách gần đây để lại ấn tượng cho Ngọc Hân?

“Sapiens” của tác giả Yuval Noah Harari về cuộc sống của nhân loại, sự phát triển của loài người và “Design for the Real World” của tác giả Victor Papanek nói về thiết kế.

Nếu không kinh doanh thời trang, Ngọc Hân sẽ bắt đầu với ngành nào?

Tôi nghĩ, mình có thể bắt đầu với ngành kinh doanh sản phẩm nội thất.
Võ Thị Hải Trang (Zean Võ), CEO Browzzin: Nỗ lực để trở thành “phiên bản” tốt hơn
Võ Thị Hải Trang (Zean Võ), CEO Browzzin mong muốn, các dự án mà cô triển khai ở Việt Nam sẽ tạo cơ hội việc làm cho thế hệ trẻ.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư