Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
CEO ngân hàng Westpac “bật bãi” do bê bối rửa tiền
Lê Quân (Reuters) - 26/11/2019 16:01
 
CEO tập đoàn ngân hàng Westpac (Australia) Brian Hartzer hôm nay 26/11 đột ngột từ chức sau những cáo buộc ngân hàng này vi phạm quy định chống rửa tiền với những giao dịch liên quan đến bóc lột trẻ em.
CEO tập đoàn Westpac Brian Hartzer. Ảnh chụp năm 2017. Nguồn: AFP
CEO tập đoàn Westpac Brian Hartzer. Ảnh chụp năm 2017. Nguồn: AFP

Bê bối rửa tiền vẫn... chuyện nhỏ

Trước đó 1 ngày, CEO Brian Hartzer vẫn nói với nhân viên rằng đó (vụ bê bối rửa tiền) không phải vấn đề nghiêm trọng và ông sẽ tiếp tục ở lại.

Việc Hartzer đổi ý chóng vánh và rời ghế CEO của Westpac - ngân hàng lớn thứ 2 tại Australia - cho thấy liên tiếp những cú “sẩy chân” đầy nhạy cảm chính trị tại các ngân hàng lớn của nước này sau khi các cuộc điều tra công khai chỉ ra những lỗ hổng trục lợi trong ngành ngân hàng.

Hartzer đảm nhiệm vị trí CEO từ năm 2015 và quyết định ra đi của ông sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 2/12. Sự ra đi của Hartzer biến Westpac thành ngân hàng thứ 3 trong nhóm 4 “ông lớn” ngân hàng tại Australia mất lãnh đạo chóp bu chỉ trong 18 tháng qua.

Cơ quan Tình báo Tài chính Australia (AUSTRAC) tuần trước cáo buộc Westpac “tạo điều kiện” thực hiện 23 triệu giao dịch vi phạm luật chống rửa tiền, trong đó có giao dịch chuyển tiền liên quan đến bóc lột trẻ em.

Thủ tướng Australia Scott Morrison đã kêu gọi hội đồng quản trị Westpac xem lại “số phận” các lãnh đạo tập đoàn này. Tuy nhiên, Chủ tịch tập đoàn Westpac Lindsay Maxsted cuối tuần trước cho biết sự xáo trộn lãnh đạo cấp cao có thể gây bất ổn cho tập đoàn.

Thực tế, mọi chuyện đã thay đổi sau khi Chủ tịch Maxsted tuyên bố Hartzer từ chức CEO còn ông Maxsted sẽ nghỉ hưu sớm vào giữa năm sau. Trước đó, ông Maxsted khẳng định hồi tháng 9 ông không hề có ý định nghỉ hưu.

“Chúng tôi đã lấy ý kiến từ các cổ đông… Rõ ràng sự thay đổi trong hội đồng quản trị và cấp quản lý là vì lợi ích tốt nhất cho Westpac”, ông Maxsted nói.

Trong cuộc trao đổi với truyền thông mới đây, Maxsted cho biết, tạm thời giám đốc tài chính Peter King sẽ gánh vác tập đoàn, còn người kế cận ông Maxsted sẽ phải tuyển CEO mới. Ông King cho hay, ông sẽ ở lại Westpac cho đến khi hội đồng quản trị còn cần đến ông.

Theo báo chí Australia, tại buổi gặp mặt nhân sự cấp cao của Westpac hôm qua, CEO Hartzer cho rằng cuộc khủng hoảng ở Westpac không giống sự sụp đổ của công ty năng lượng Enron (Mỹ) hay tập đoàn ngân hàng đầu tư Lehman Brothers.

“Đây không phải vấn đề lớn và chúng ta không nên quá nặng nề về vấn đề này”, ông Hartzer nói. Một nguồn thạo tin về cuộc họp này cũng đã xác nhận khẳng định trên của ông Hartzer.

Chủ tịch Maxsted cho rằng những bình luận của Hartzer là “rất đáng thất vọng... Tôi và hội đồng quản trị không đồng tình với những bình luận đó”.

Hartzer sẽ rời Westpac - tập đoàn đã hoạt động được 2 thế kỷ - với mức lương cơ bản 2,69 triệu đô la Australia/năm và không có tiền thưởng.

Đánh giá về mức độ nghiêm trọng của vụ việc, Bộ trưởng Tài chính Australia Josh Frydenberg nói với báo giới: “Những vi phạm mà Westpac bị cáo buộc có tính chất rất nghiêm trọng và cần có trách nhiệm giải trình”.

“Cuộc dọn dẹp” có quy mô

Những biến động nhân sự trên đặt giám đốc tài chính Peter King vào trọng trách tổ chức điều tra xem Westpac đã tạo điều kiện ra sao đối với các giao dịch chuyển khoản ra nước ngoài vi phạm quy định chống rửa tiền trong hơn nửa thập kỷ qua như AUSTRAC cáo buộc.

Vụ bê bối rửa tiền có thể được xem xét trước và ngay tại cuộc họp thường niên của Westpac, dự kiến vào ngày 12/12. Cổ phiếu Westpac phiên chiều nay quay đầu tăng điểm 1,8% sau khi lao dốc 8% trong 4 ngày giao dịch trước đó khiến giá trị vốn hóa thị trường của Westpac “bốc hơi” 7,5 tỷ đô la Australia.

"Họ (Westpac) đã nói chuyện với các cổ đông tổ chức trong tuần này và đây là kết quả khả thi duy nhất để xoa dịu tình hình", TS Lim, chuyên gia phân tích ngân hàng tại công ty môi giới chứng khoán Bell Potter cho biết.

Hội đồng Nhà đầu tư Hưu trí Australia (ACSI) - tổ chức có thành viên tham gia đầu tư vào Westpac - tin rằng cuộc khủng hoảng ở Westpac sẽ dẫn tới việc đổi mới hội đồng quản trị trong năm tới.

Chủ tịch Maxsted cho biết bất kỳ hành vi vi phạm nào do lơ là trong khâu hoạt động đều không được phép và ông chấp nhận một số khách hàng có thể từ khỏi Westpac.

Theo ông Maxsted, AUSTRAC đã liên lạc thường xuyên với Westpac, trong đó lần gần đây là cuộc họp với hội đồng quản trị ngân hàng hồi tháng 3. Tuy nhiên tại cuộc họp phía AUSTRAC đã không lo ngại về các khoản thanh toán ra nước ngoài cho đến tháng 9 vừa qua.

Đối thủ lớn hơn của Westpac là ngân hàng Commonwealth Bank cũng bị cáo buộc tương tự, nhưng ngân hàng này bị AUSTRAC “định tội” ít hơn nhiều so với Westpac. Commonwealth Bank phải chịu án phạt kỷ lục 700 triệu đô la Australia và CEO ngân hàng này cũng nghỉ hưu non.

Cả CEO và chủ tịch của ngân hàng lớn thứ 3 tại Australia - Ngân hàng Quốc gia Australia - đều phải “bật bãi” sau khi bị Ủy ban Hoàng gia (hay còn gọi là Ủy ban điều tra công khai) chỉ trích vì không thừa nhận trách nhiệm đối với những sai phạm.

Trước đó, CEO, chủ tịch và vài thành viên hội đồng quản trị công ty tư vấn tài chính AMP (Australia) cũng phải rời công ty sau những cáo buộc gian lận trong báo cáo hoạt động trình cơ quan quản lý.

Chuyện “cẩn tắc vô ưu” của CEO 3MG Lakeside Hotel
Đã thuộc lòng câu “cẩn tắc vô ưu”, mà có lúc vì thiếu cẩn trọng, bà Phạm Thị Thủy, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Vinacrops, CEO của 3MG...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư