Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 11 tháng 01 năm 2025,
CEO toàn cầu nói gì về Việt Nam
Khánh Linh - 18/01/2021 16:22
 
Kết quả khảo sát CEO các tập đoàn, công ty đa quốc gia cho thấy, Việt Nam tiếp tục là địa chỉ được quan tâm.
.
Bà Đỗ Thị Thu Hà, Phó tổng giám đốc phụ trách Văn phòng Hà Nội của KPMG tại Tọa đàm với Hội Doanh nghiệp Hà Nội

Trước đây, khi các CEO của các tập đoàn toàn cầu lớn bước vào phòng họp, địa chính trị là điều gần như không có trong lịch trình trao đổi. Nhưng hiện giờ, tình thế đã khác.

Bà Đỗ Thị Thu Hà, Phó tổng giám đốc phụ trách Văn phòng Hà Nội, Công ty TNHH KPMG đã nhận ra điểm bình thường mới sau đợt khảo sát mới đây của KPMG với CEO các tập đoàn toàn cầu. Biến động địa chính trị năm vừa rồi và cả các dự báo trong năm 2021 sau cuộc bầu cử Mỹ đã buộc mọi doanh nghiệp phải để tâm khi hoạch định các kế hoạch đầu tư, kinh doanh mới.

“Ngay thời điểm này, chúng tôi đang nhận được nhiều câu hỏi về Việt Nam. Họ cũng chia sẻ đang chờ việc đi lại nới rộng hơn để đến Việt Nam”, bà Hà kể trong cuộc tọa đàm với Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội.

Phải nói rõ, trong khảo sát này, Việt Nam trở thành tâm điểm trong Chiến lược Trung Quốc + 1 của các công ty, tập đoàn đa quốc gia, với lợi thế có được từ hàng loạt các hiệp định thương mại tự do vừa được ký kết, có hiệu lực. Điều này đã khiến Việt Nam đang có mức điểm tốt nhất trong các tiêu chí cơ bản trong đầu tư – kinh doanh, cùng với Trung Quốc, Mehico, Malaysia, cao hơn nhiều Ấn Độ, Đài Loan, Brazil… Trong đó, chi phí lao động bình quân, chi phí điện nước trong sản xuất kinh doanh được chấm điểm tốt nhất, tiếp sau là thuế thu nhập doanh nghiệp…

Tuy nhiên, bà Hà cho rằng, sự hấp dẫn của Việt Nam tăng điểm bởi lợi thế nhất định trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trong khảo sát của KPMG hồi đầu năm 2020, rủi ro chuỗi cung ứng được các CEO xếp thứ chính trong nhóm 12 rủi ro lớn nhất. Khi đó, rủi ro hàng đầu họ tính đến là biến đổi khí hậu, sự trở lại của chủ nghĩa lãnh thổ, rủi ro an ninh mạng. Nhưng cuối năm 2020, rủi ro nhân lực, rủi ro chuỗi cung ứng đứng đầu các lo ngại của CEO.

“Trong bối cảnh các quốc gia đang cạnh tranh lớn để thu hút cả vốn, dich chuyển thương mại, nhân lực chất lượng cao thì các FTA là công cụ tốt cho Việt Nam”, bà Hà phân tích.

Đặc biệt, mối quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài, theo khảo sát của KPMG, vẫn tập trung vào các ngành chế biến, chế tạo, sản xuất điện, nước, khí…

“Chúng tôi chia sẻ mối quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài, để các doanh nghiệp Việt Nam nhìn thấy đâu là cơ hội, thách thức của chính mình trong năm nay”, bà Hà nhấn mạnh.

Đặc biệt, theo bà Hà, hoạt động M&A tại Việt Nam sẽ khởi sắc trở lại trong năm 2021, với tổng giá trị khoảng 4,5 tỷ USD và rõ nét hơn trong năm 2022 với giá trị khoảng 7 tỷ USD, gần bằng mức 7,2 tỷ USD của năm 2019. Tuy nhiên, trong giai đoạn này, có thể các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ chưa phải là mối quan tâm trong hoạt động này do các nhà đầu tư muốn cẩn trọng hơn, chọn sự an toàn từ các thương hiệu lớn.

Vốn FDI cấp tập vào Đồng Nai
Ba dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vừa được cấp phép có tổng vốn đầu tư đăng ký 190 triệu USD, chiếm hơn nửa chỉ tiêu thu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư