Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 09 tháng 01 năm 2025,
CEO Wondertour Lê Công Năng: Phục hồi thị trường du lịch quốc tế, chúng ta thắng một nước cờ nhưng để thua cả ván cờ
Hồ Hạ (thực hiện ) - 27/02/2023 09:01
 
Việt Nam đã thắng "nước cờ" mở lại toàn bộ hoạt động du lịch, nhưng sự chuẩn bị sau đó đã khiến chúng ta thua cả "ván cờ” phục hồi thị trường du lịch quốc tế.
 CEO Wondertour Lê Công Năng.

Thưa ông, kể từ sau khi du lịch Việt Nam mở lại toàn bộ hoạt động từ ngày 15/3/2022, Wondertour đã và đang phục hồi như thế nào? Những thuận lợi và khó khăn của Wondertour giai đoạn này ra sao? 

Việt Nam mở lại toàn bộ hoạt động du lịch vào đúng thời điểm chuẩn bị cho mùa du lịch hè nên ngay lập tức Wondertour cũng như toàn bộ chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch “sôi động” trở lại. 

Giai đoạn tháng hè 2022, chúng tôi tăng trưởng trở lại, đạt kết quả 60% – 70% thời điểm trước dịch. 

Giai đoạn sau đó kéo dài đến Tết 2023, kết quả kinh doanh không đạt như kỳ vọng bởi nhiều nguyên nhân. Trong đó nguyên nhân chủ yếu đến từ sức mua giảm mạnh, sự cạnh tranh trong nội bộ ngành du lịch. 

Từ sau Tết Nguyên Đán, Wondertour tăng trưởng mạnh mẽ với các sản phẩm du lịch tâm linh, chăm sóc sức khỏe, du lịch kết hợp sự kiện (8/3), du lịch mùa hoa anh đào. 

Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng về sản phẩm tour du lịch, bên cạnh những tour phổ thông trong và ngoài nước, hiện Wondertour cũng đang đẩy mạnh các chương trình trại hè kỹ năng dành riêng cho học sinh.

Nhìn lại quá trình 1 năm thăng trầm từ khi Việt Nam mở cửa du lịch, các công ty du lịch như Wondertour đều gặp nhiều khó khăn, cản trở sự phát triển chung. 

Sau 3 năm ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhân sự ngành du lịch biến động liên tục, trong đó phần nhiều nhân sự có kinh nghiệm đã chuyển sang nghề khác hoặc tự mở công ty du lịch riêng; trong khi sinh viên mới ra trường lại thiếu kinh nghiệm và kỹ năng trầm trọng do phần lớn thời gian học online. Vấn đề nhân sự là vấn đề lớn không chỉ với công ty du lịch mà còn với toàn bộ chuỗi cung ứng như khách sạn, nhà hàng, điểm du lịch tại chỗ.

Khi mở cửa du lịch, chúng tôi đều nhìn thấy cơ hội khi mở lại tuyến du lịch hoặc làm sản phẩm tour mới, tuy nhiên để là người tiên phong, chúng tôi cần vốn để khảo sát lại dịch vụ, cọc vé máy bay và quảng cáo tiếp thị.

Từ sau Tết Nguyên Đán, Wondertour tăng trưởng mạnh mẽ với các sản phẩm du lịch kết hợp sự kiện...

Ông nhận thấy Covid-19 đã mang đến những hệ quả và cơ hội nào cho du lịch Việt Nam?

Hệ lụy lớn nhất mà Covid-19 gây ra là đã tạo đối thủ cạnh tranh không mong muốn là đội ngũ booking online hoạt động hoàn toàn dựa vào “uy tín cá nhân”. Không chỉ là những cựu nhân sự du lịch mà bất cứ ai có thể là sinh viên, bà mẹ trẻ đều trở thành chuyên gia săn vé máy bay, săn tour, booking dịch vụ du lịch. Điều này vô hình chung làm môi trường kinh doanh du lịch thiếu chuyên nghiệp. 

Không dễ như dòng tour tự chọn hay tour combo (chỉ bao gồm dịch vụ vé máy bay và phòng khách sạn…), tour du lịch trọn gói đòi hỏi nhà tổ chức phải thông thuộc tuyến điểm để xây dựng lộ trình di chuyển và tham quan khoa học nhất, phải có kinh nghiệm đánh giá chất lượng khách sạn, nhà hàng, nhà xe, hướng dẫn viên… và có đủ uy tín để bảo đảm chương trình tour diễn ra an toàn, đúng lộ trình.

Bên cạnh đó, Covid-19 vô tình ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo, đặc biệt là nghề cần giao tiếp thường xuyên như du lịch. Giãn cách xã hội, chính các công ty du lịch cũng không thể tạo điều kiện làm việc tốt nhất cho nhân viên, thì môi trường thực tập cho sinh viên vô cùng khan hiếm. 

Việt Nam là quốc gia có nền chính trị ổn định, tài nguyên du lịch phong phú, nhân công rẻ có nhiều cơ hội để đón đầu và phát triển các dòng tour du lịch đặc thù. Như tour thể thao, tour MICE, trại hè quốc tế, tour chữa lành và đặc biệt là tour chăm sóc sức khỏe.

Thưa ông, Việt Nam mở cửa sớm, chính sách được cho là thông thoáng, cởi mở nhưng lại về sau cùng trong khu vực Đông Nam Á. Nguyên nhân là do đâu?

Dù Việt Nam mở cửa từ sớm nhưng lại về sau cùng trong khu vực Đông Nam Á, nằm trong nhóm quốc gia phục hồi chậm nhất về khách quốc tế là điều vô cùng đáng tiếc. Xét từ vi mô tới vĩ mô, có lẽ do chúng ta chưa có sự chuẩn bị tốt nhất.

Không nói về chính sách visa, tôi cho rằng, ván cờ phục hồi du lịch chúng ta thắng một nước cờ nhưng thua cả ván cờ. Khi mở cửa du lịch chúng ta đã giải tỏa được nhu cầu du lịch của người dân đã bị nén trong hơn 2 năm nhưng lại không truyền thông đủ mạnh cũng như chiến lược sản phẩm dành riêng cho khách quốc tế. 

Khi nhu cầu cao, đáng lẽ chúng ta cần đưa các tour du lịch chất lượng, giá cao thì lại để hớt váng thị trường, gần như ngay lập tức, các công ty du lịch, khách sạn đồng loạt tung ra các chương trình du lịch giá thấp mang tính “giải tỏa”. 

Tour chụp ảnh của Wondertour hút khách.

Bên cạnh đó, thời điểm chúng ta mở cửa du lịch là ngay sau khi xung đột Nga – Ukraina nổ ra (24/2), đồng thời với đó là các thị trường có lượng khách lớn nhất vào Việt Nam như Trung Quốc (5,8 triệu lượt), Nhật Bản (0,95 triệu lượt), Đài Loan  (0,93 triệu lượt)… chưa mở cửa du lịch khiến lượng khách có kế hoạch đến du lịch Việt Nam bị giảm rất nhiều. Đến khi các thị trường lớn mở cửa du lịch hoàn toàn thì mất đi tâm lý “chờ ngóng”. 

Sau đó, dịch bùng phát mạnh tại Việt Nam cùng các lùm xùm liên quan đến những hoạt động chống dịch cũng có thể khiến tâm lý khách quốc tế nghi ngại về môi trường du lịch tại “đất nước hình chữ S”.

Lý do tiếp theo đến từ lượng lớn các công ty du lịch chuyên inbound sau thời gian dài tăng trưởng âm đã rút lui khỏi thị trường hoặc yếu vốn để đầu tư trở lại. Có lẽ kịch bản sẽ tốt hơn nếu được “giải cứu kịp thời”.

Một số lý do nội tại khác như số chuyến bay thương mại đến Việt Nam còn ít, với vé và giá land tour Việt Nam khá cao (hơn 30%) so với khu vực. Đặc biệt là chính sách visa là nút thắt lớn là nguyên nhân cho sự phục hồi du lịch chậm.

Thưa ông, chính sách visa có vai trò như thế nào trong việc thu hút khách quốc tế đến một quốc gia? Chính sách visa trên thế giới đang theo xu hướng như thế nào, đặc biệt giai đoạn hậu Covid-19?

Chính sách visa thông thoáng có thể gọi là “tấm thiệp mời” đối với du khách quốc tế, đặc biệt trong giai đoạn hậu Covid-19. Có thể nói, chúng ta mở cửa du lịch sớm nhưng “tấm thiệp mời” lại không cởi mở cho khách mời bằng các “ông bạn láng giềng”.

Hiện Thái Lan miễn visa nhập cảnh cho 65 nước, Malaysia 155 nước và Singapore là 158 nước trong khi Việt Nam là 25 nước. Trong đó chỉ Panama và Chile có số ngày lưu trú lên tới 90, các nước khối Đông Nam Á được 30 ngày, các nước khối châu Âu chỉ 15 ngày. Với khách đến từ vùng hộ chiếu quyền lực, khả năng chi tiêu cao như châu Âu nên kéo dài thời gian lưu trú để khách du lịch có thể tận hưởng vẻ đẹp bất tận của Việt Nam.

Hiện khách xin visa vào Việt Nam khá khó khăn, nhất là khách đi diện du lịch tự túc. Khách được yêu cầu du lịch vào Việt Nam thông qua các công ty du lịch, gặp trở ngại trong thủ tục nhập cảnh cùng thời gian chờ xét duyệt hồ sơ kéo dài. Chúng ta đang miễn visa nhập cảnh cho công dân 25 nước, lưu trú 15 ngày và ra vào chỉ 1 lần trong khi Thái Lan miễn visa cho công dân 65 nước, cho phép du khách lưu trú tới 90 ngày và được ra vào nhiều lần.

Chính sách đã khó thì việc để xảy ra tình trạng hạch sách để làm visa nhanh với phí gấp 10 – 20 lần phí quy định như một số báo đã phản ánh thực sự đã giết chết cảm xúc du lịch của khách quốc tế vào Việt Nam.

Theo ông Việt Nam cần triển khai những giải pháp Visa nào?

Về chính sách visa, có thể thay đổi linh hoạt trong thời gian ngắn hạn để “cạnh tranh” với khu vực, thu hút khách du lịch quốc tế tới Việt Nam. Một số nội dung có thể điều chỉnh trong chính sách visa như mở rộng danh sash miễn thị thực, nới thời gian lưu trú, đẩy mạnh và mở rộng đối tượng được cấp visa điện tử, đồng thời cải tổcông tác cấp thị thực cho khách du lịch.

Công tác quảng bá, xúc tiến, lâu nay cũng là điểm yếu của du lịch Việt Nam. Xin ông đánh giá hiện trạng và hiến kế cho công tác quảng bá du lịch?

Công tác quảng bá xúc tiến du lịch của Việt Nam chưa được hiệu quả do nhiều nguyên nhân. Ngoài chi phí quảng bá du lịch có phần khiêm tốn hơn Malaysia và Thái Lan thì vấn đề lớn nằm về chiến lược sản phẩm. Giống như chúng ta có quá nhiều gia vị để tạo ra những món ăn ngon nhưng tại từng thời điểm, chúng ta không biết dùng gia vị đó để nấu món nào đãi khách. 

Chúng ta phải quy hoạch các sản phẩm du lịch thành các món ngon và đặc trưng, tạo sự khan hiếm, sự khác biệt để tạo sự trỗi dậy, khao khát chinh phục của khách du lịch quốc tế. Tương tự như người Việt Nam mong muốn du lịch Hàn Quốc 4 mùa khi mùa xuân có Hoa Anh đào, mùa hè có Hoa Cải vàng, mùa Thu có lá đỏ và mùa đông có tuyết.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng nên đẩy chiến lược tiếp thị trực tiếp sang tiếp thị gián tiếp qua các công ty du lịch quốc tế tại các thị trường trọng điểm có lượng khách quốc tế lớn vào Việt Nam như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Mỹ…

Trại hè kỹ năng do Wondertour tổ chức.

Xin ông cho biết nhu cầu, xu hướng đi du lịch của du khách đã thay đổi như thế nào hậu Covid-19? Wondertour đang chuyển mình ra sao và có những sản phẩm, dịch vụ mới nào để phục vụ du khách trong nước và quốc tế?

Mỗi thị trường khách quốc tế, lại có sở thích du lịch khác nhau và mỗi đối tượng khách du lịch lại có nhu cầu du lịch khác nhau. Càng ngày khách đi du lịch không chỉ để du lịch nữa mà dùng du lịch để phục vụ nhu cầu phái sinh nào đó. Có thể là du lịch để chăm sóc sức khỏe, du lịch để xúc tiến thương mại, du lịch để tìm kiếm cơ hội đầu tư, du lịch để mua sắm …

Xu hướng du lịch sau hậu Covid-19 sẽ trải ra nhiều hướng nhưng có thể chia làm 3 xu hướng cơ bản: Du lịch tự trải nghiệm để thử thách bản thân; du lịch bán trải nghiệm để vừa được tự do khám khá vừa được công ty du lịch bảo đảm an toàn; và du lịch giá trị để phục vụ các nhu cầu chuyên biệt như làm đẹp, chăm sóc sức khỏe, mua sắm, học tập, giao thương, đầu tư…

Nhận thấy cơ hội, Wondertour đã phát triển và thử nghiệm nhiều sản phẩm mới có tính tiên phong trên thị trường như tour chăm sóc sức khỏe, tour tâm linh đích thực, tour thể thao, tour chụp ảnh, tour doanh nhân. Không phải dự án nào cũng thành công, cho trái ngọt nhưng không làm thì không thể có cơ hội bứt phá.

Theo ông, Việt Nam cần những giải pháp tổng thể nào để nhanh chóng phục hồi du lịch, nhất là thị trường du lịch quốc tế?

Chiến lược tổng thể để nhanh chóng phục hồi du lịch thì vô cùng vĩ mô, tuy nhiên với thị trường du lịch quốc tế có lẽ nên tư duy giống như người Bắc Ninh, là mời khách đến nhà. Ngoài têm trầu cánh phượng, pha trà mời khách thì không gian nhà cổ, tấm áo tứ thân, nón quai thao cùng câu quan họ cũng đủ làm lòng người xao xuyến.

Từ câu chuyện đó, ta có thể hình dung từ sản phẩm du lịch, con người làm du lịch, hình ảnh gợi nhớ truyền thông, câu chuyện dẫn dắt đều được nghiên cứu đồng bộ và tạo nét riêng, sự hấp dẫn không thể chối từ với khách du lịch quốc tế. 

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư