Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 24 tháng 01 năm 2025,
Chậm, huỷ chuyến của Việt Nam đang ở đâu so với thế giới?
Thanh Bình (vnexpress) - 07/08/2017 11:58
 
7 tháng đầu năm 2017, tỷ lệ chuyến bay đúng giờ (OTP) của các hãng hàng không Việt Nam đạt tới 87,4%, tăng 4,3 điểm so với cùng kỳ năm 2016.
9
Theo phân tích, nhóm nguyên nhân khiến chuyến bay cất cánh không đúng giờ có tỷ lệ cao nhất là tàu bay về muộn (68,9%) - Ảnh: Tạ Tôn

Khai thác nhiều hơn, chậm chuyến ít hơn

Số liệu của Cục Hàng không VN cho thấy, 7 tháng đầu năm, các hãng hàng không VN thực hiện hơn 162 nghìn chuyến bay, tăng 8,5% so với cùng kỳ 2016. Cùng với việc số lượng chuyến bay khai thác của hãng hàng không Việt Nam tăng, tỷ lệ chuyến bay đúng giờ (OTP) của các hãng hàng không cũng tăng so với cùng kỳ 2016, đạt tới 87,4%, tăng 4,3 điểm so với cùng kỳ 2016.

“Nhìn chung các hãng đều nỗ lực tăng tỷ lệ chuyến bay đúng giờ so với cùng kỳ 2016”, Phó cục trưởng Cục Hàng không VN Võ Huy Cường nói và cho biết thêm: Vietnam Airlines có tỷ lệ OTP tăng mạnh nhất, ở mức 6,6 điểm. Jetstar Pacific tăng 5,6 điểm và Vietjet Air tăng 2 điểm.

Theo phân tích của nhà chức trách hàng không, nhóm nguyên nhân khiến chuyến bay cất cánh không đúng giờ có tỷ lệ cao nhất là tàu bay về muộn (68,9%), nguyên nhân do hãng hàng không chiếm 19,7%, do trang thiết bị và dịch vụ tại cảng chiếm 5,9%. Với các chuyến bay hủy (817 chuyến, chiếm 0,5%), nguyên nhân chính là do kỹ thuật (chiếm 28%). Các nguyên nhân về thời tiết, khai thác, lý do khác lần lượt chiếm 17,6%, 25% và 26,6%. Đáng lưu ý, hủy chuyến vì lý do thương mại chỉ chiếm 2,8%.

Theo một thống kê khác liên quan đến tỷ lệ chuyến bay đúng giờ của Công ty Flightstat - một công ty chuyên về thống kê chuyến bay), tỷ lệ chuyến bay đúng giờ của các hãng hàng không trong quý II/2017 dao động trong khoảng từ 62 - 82%. Điều này cũng đồng nghĩa với việc tỷ lệ chậm chuyến vào khoảng 18 - 38%.

Theo quy định của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) và Hiệp hội hàng không quốc tế (IATA), giờ khởi hành của một chuyến bay đi hoặc giờ cập bến đỗ của một chuyến bay đến nếu không vượt quá 15 phút thì được coi là đúng giờ. Nếu vượt quá 15 phút bị coi là chậm chuyến (delay). Khi xảy ra chậm chuyến, hủy chuyến, các hãng hàng không phải thực hiện các nghĩa vụ và trách nhiệm đối với hành khách theo quy định của pháp luật, như là bồi thường ứng trước không hoàn lại chi phí đi lại, ăn nghỉ của hành khách. Trong năm 2015, 2016, chi phí này của các hãng hàng không Việt Nam khoảng trên dưới 100 tỷ đồng.

Cụ thể, tỷ lệ chuyến bay đúng giờ của Vietnam Airlines trong các tháng 4, 5, 6 lần lượt là 80,06%; 81,86% và 74,45%, cao hơn rất nhiều so với các hãng khác như: Thai Airways (71,45%; 77,3% và 76,43%), Cathay Pacific (68,18%, 72,9% và 62,67%), Air Asia (66,96%; 72,35% và 74,02%), Air Canada (68,77%, 72,37% và 69,06%), China Airlines (64,91%, 73,25% và 62,9%), Korean Air (65,67%, 74,94% và 74,68%), Malaysia Airlines (65,5%; 68,6% và 72,3%).

Tiêu chí thống kê về tỷ lệ chuyến bay đúng giờ của Cục Hàng không VN và Công ty Flightstat có thể khác nhau, song nếu chỉ xét về tỷ lệ đúng giờ do Flightstat công bố, Vietnam Airlines có số chuyến bay đúng giờ ở mức khá so với các hãng hàng không trên thế giới. Thực chất, nếu so với các hãng hàng không trong khu vực, tỷ lệ chuyến bay đúng giờ của Vietnam Airlines cao hơn so với các hãng hàng không khác và chỉ thấp hơn so với Singapore Airlines (82,7%, 87,9% và 84,3%).

Hãng hàng không nói gì?

Liên quan đến vấn đề chậm, hủy chuyến bay, đại diện các hãng hàng không đều khẳng định quan điểm “đây là việc không ai muốn”. Bà Nguyễn Thị Thúy Bình, Phó tổng giám đốc Vietjet cho biết, tỷ lệ chuyến bay đúng giờ luôn là vấn đề được các hãng hàng không quan tâm thường xuyên vì điều này không chỉ duy trì được kết quả kinh doanh tốt mà còn đảm bảo được các cam kết dịch vụ của mình với khách hàng.

“Mỗi phút chậm, các hãng hàng không sẽ bị mất khoảng 100 USD chi phí cho nên nếu chậm chuyến, thiệt hại đầu tiên chính là các hãng hàng không”, bà Bình nói và cho biết, Vietjet thường xuyên tổ chức các buổi họp định kỳ hàng tuần để đánh giá từng khâu khai thác và các yếu tố ảnh hưởng tới tỷ lệ đúng giờ của mỗi chuyến bay, từ đó có các sáng kiến đổi mới trong quy trình nội bộ và các kiến nghị giải pháp kịp thời với các đơn vị cung cấp dịch vụ liên quan như: Công ty dịch vụ mặt đất, an ninh, cảng hàng không, tổng công ty quản lý bay...

Trao đổi với Báo Giao thông, GĐ điều hành Vietjet Lưu Đức Khánh cho hay, hãng này đã thành lập một Ủy ban Điều hành chỉ số OTP đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban giám đốc, chịu trách nhiệm xây dựng các giải pháp tăng OTP cũng như giám sát, điều hành quá trình thực hiện.

Phía Vietnam Airlines, lãnh đạo hãng này cho biết có được tỷ lệ chuyến bay đúng giờ tương đối khả quan như hiện nay, hãng đã phải rất nỗ lực trong việc rà soát, điều chỉnh các thông số trong toàn bộ lịch bay, đảm bảo theo sát các trị số thực tế, chi tiết đến từng loại máy bay, từng sân bay và từng khung giờ khai thác trong ngày. Cùng đó, hãng cũng tiến hành điều chỉnh kế hoạch bay cho phù hợp thực tế khai thác tại các sân bay, đặc biệt là các sân bay chính để hạn chế tối đa việc kéo dắt máy bay, qua đó rút ngắn thời gian máy bay đỗ tại sân bay; Triển khai khởi hành sớm 5 phút cho các chuyến bay hội đủ một số điều kiện; Cụ thể hóa mục tiêu cho từng giai đoạn ngắn...

 

Vietnam Airlines hủy chuyến hàng loạt vì đình công ở Pháp
Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) cho biết, tình trạng phi công của hãng hàng không Pháp - Air France (AF) đình công nhiều ngày qua khiến...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư