Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Doanh nhân Gabor Fluit, Tổng giám đốc De Heus châu Á:
Chàng rể Việt đến từ Hà Lan và triết lý không cạnh tranh với người chăn nuôi "quê vợ"
Hồng Phúc - 09/07/2017 11:53
 
Từ vị trí giám đốc một số chi nhánh của Ngân hàng ABN AMRO (Hà Lan), Gabor Fluit trở thành Tổng giám đốc điều hành De Heus Việt Nam ở tuổi 29. Có nhiều cơ duyên, may mắn, sự cố gắng để tạo nên ngã rẽ này và Gabor tin rằng, đó là quyết định đúng đắn...

“Viên gạch” đầu tiên của De Heus Việt Nam

Nếu nói chuyện qua điện thoại, khó hình dung Gabor là người ngoại quốc, bởi phát âm, vốn từ vựng cũng như hiểu mọi cách nói hoán dụ, ẩn dụ không thua kém người Việt.

Sinh ra và lớn lên tại Hà Lan, Gabor gia nhập Tập đoàn De Heus từ năm 2008, sau 5 năm làm việc tại Ngân hàng ABN AMRO. Như duyên nợ, sau lần đi du lịch Việt Nam khi còn là sinh viên, Gabor quen một cô gái người Việt và nay là vợ ông.

.
Doanh nhân Gabor Fluit, Tổng giám đốc De Heus châu Á.

“Chúng tôi chuyển về Hà Lan sinh sống từ năm 2004. Mỗi ngày đi làm về, cô ấy học được từ gì tiếng Hà Lan thì dạy lại cho tôi từ đó bằng tiếng Việt. Ở quê vợ, không ai biết tiếng Anh, nên tôi phải ráng học”, Gabor Fluit chia sẻ một cách thân tình.

Khi được giới thiệu vào vị trí điều hành tại một thị trường mới, đầy tiềm năng như Việt Nam năm 2007, Gabor nghĩ rằng, ông có đầy đủ điều kiện trở thành ứng viên tiềm năng vì có vợ Việt, biết tiếng Việt, hiểu phần nào văn hóa Việt, chưa kể đến khả năng lãnh đạo vốn có.

Song, trên thực tế, đó mới là điều kiện cần. “Trước khi sang Việt Nam, tôi được huấn luyện về chuyên môn, kết hợp với đi thực tế đến trang trại nuôi heo, bò, gà... Hành trình khai phá thị trường mới này đầy thú vị, kích thích chính nhu cầu chinh phục trong tôi”, Gabor nói.

Ban đầu, ông Gabor Fluit được bổ nhiệm vị trí Tổng giám đốc De Heus Việt Nam, chịu trách nhiệm về việc phát triển kinh doanh tại Đông Nam Á. Năm 2015, ông chính thức trở thành Tổng giám đốc De Heus châu Á, với trụ sở chính tại Việt Nam.

De Heus cam kết không cạnh tranh với người chăn nuôi. Họ là đối tác, chứ không phải đối thủ của chúng tôi”.

De Heus Việt Nam được thành lập vào cuối năm 2008, thông qua việc mua lại 2 nhà máy thức ăn chăn nuôi tại Bình Dương và Hải Phòng.

Khi đó, ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi đã có hàng trăm công ty, có những công ty hàng chục năm tuổi. Do đó, nhiệm vụ hàng đầu mà Tổng giám đốc De Heus Việt Nam Gabor Fluit là phải tạo được niềm tin thương hiệu với khách hàng bằng cách chinh phục những khách hàng khó tính nhất. Từ đó, những khách hàng khác sẽ tự tìm đến.

Ông Gabor Fluit cho biết, khi Tập đoàn mua lại tài sản của 2 công ty trên, ông quyết định tiếp tục ký hợp đồng với các công nhân thêm 6 tháng và sau đó sắp xếp hoặc thay thế tùy vị trí, cũng như để họ có thời gian tìm công việc mới.

“Năm 2009 là một năm khó khăn với chúng tôi, khi cùng lúc vừa xây dựng, vừa phát triển thương hiệu mới.  Tôi và các chuyên gia của Tập đoàn phải di chuyển giữa hai tỉnh có nhà máy. Biết tiếng Việt, nên tôi kiêm luôn phiên dịch cho các chuyên gia Hà Lan. Chính thời gian này đã giúp tôi hiểu sâu hơn về thị trường, nhu cầu của khách hàng ở thị trường mới mẻ này. Điều này đã giúp tôi rất nhiều khi điều hành kinh doanh ở Việt Nam suốt thời gian sau”, Gabor nhớ lại.

Sau 8 năm xây dựng và phát triển, với tốc độ tăng trưởng trung bình 40%/năm từ năm 2014 đến nay, De Heus châu Á hiện có 7 nhà máy, 1 trung tâm nghiên cứu và và thực nghiệm thủy sản tại Vĩnh Long, một trung tâm cung cấp tinh heo giống.

De Heus Việt Nam đang tham vọng vươn rộng khắp khu vực Đông Nam Á. Sản phẩm của De Heus Việt Nam đang được xuất khẩu sang Campuchia, Philippines, Myanmar và Bangladesh. Nhà máy De Heus tại Myanmar đã đi vào hoạt động vào tháng 10/2016 và dự kiến sẽ có các nhà máy do De Heus đầu tư tại Campuchia, Indonesia và Ấn Độ trong thời gian tới.

Không cạnh tranh với người chăn nuôi

Theo lời của Tổng giám đốc Gabor Fluit, De Heus đặt ra mục tiêu sẽ là một mắt xích quan trọng trong chuỗi liên kết từ người chăn nuôi với công ty giống, công ty giết mổ đến nhà phân phối trong từng sản phẩm.

“Đây là cách giảm rủi ro cho nông dân và nhà cung ứng, từ đó, nâng cao sức cạnh tranh cho chính De Heus. Chúng tôi không muốn tự nuôi heo, nuôi gà bằng việc tự xây dựng hệ thống nuôi gia công như các đối thủ trên thị trường. De Heus cam kết không cạnh tranh với người chăn nuôi. Họ là đối tác, chứ không phải đối thủ của chúng tôi”, Tổng giám đốc Gabor nhấn mạnh.

Với kế hoạch liên kết chuỗi này, De Heus thực hiện khá hiệu quả đối với con gà. Cụ thể, hơn 3 năm qua, De Heus hợp tác với Công ty cổ phần Bel Gà và các trang trại gà để cung cấp thịt gà sạch cho Tập đoàn giết mổ và phân phối sản phẩm Koyu & Unitek, đơn vị duy nhất tại Việt Nam được xuất khẩu thịt gà sang Nhật.

Với con heo, De Heus mới liên kết với Công ty cổ phần Công nghệ thực phẩm Vinh Anh (Hà Nội) mua lại heo từ những trại đối tác sử dụng thức ăn, con giống của De Heus, cùng một số đối tác khác thực hiện giết mổ và tiêu thụ.

De Heus cũng vừa hợp tác với Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) để cung cấp thức ăn cho bò sữa tại các trang trại liên kết. Khi bán sữa, Vinamilk sẽ trừ chi phí này, vừa giảm giá thành khi mua thức ăn với giá gốc, vừa kiểm soát chất lượng đồng nhất.

Tuy nhiên, năm 2017 là một năm sẽ đi vào lịch sử của ngành chăn nuôi Việt Nam, khi giá thịt heo lao dốc sâu nhất, tính từ 1991 đến nay. Điều này ảnh hưởng tới kế hoạch doanh thu của De Heus năm 2017. De Heus phải giảm số lượng các đại lý đã hợp tác. Với các trang trại lớn -  mà De Heus chiếm thị phần khá lớn - vẫn phải duy trì hoạt động dù thị trường khó khăn.

“Tình hình này cũng được Tập đoàn dự đoán trước, chỉ có điều nó đã xảy ra sớm hơn dự tính. Chúng tôi – De Heus và các đại lý đang chia sẻ khó khăn với nhau”, ông Gabor nói.

Kết thúc 6 tháng đầu năm, doanh thu Công ty dù không đạt kế hoạch đã đề ra, nhưng vẫn tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, doanh thu từ thức ăn cho heo chiếm hơn 50%, phần còn lại cho gia cầm, bò sữa và thủy sản.

Việt Nam hiện có hơn hơn 200 công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi. Gabor chia thị trường này thành hai mảng. Một là, mảng chăn nuôi gia công, gồm các công ty vừa cung ứng thức ăn chăn nuôi ra thị trường, vừa tự xây trại nuôi. Mảng này De Heus sẽ không tham gia vì lời hứa với khách hàng “De Heus là đối tác độc lập, không cạnh tranh với người nông dân”.

Hai là, mảng chăn nuôi tự do. De Heus đang cung ứng 5 triệu tấn thức ăn từ khi thành lập và  năm 2016 đánh dấu cột mốc De Heus đạt sản lượng tiêu thụ 1 triệu tấn. Năm nay, kế hoạch doanh thu của De Heus Việt Nam là 1,2 triệu tấn, doanh thu khoảng 500 triệu USD.

“Chất lượng phải luôn tốt và ổn định. Đây là lý do mà các đối tác đã chọn hợp tác với De Heus và cũng là lý do chúng tôi sẽ có những bạn hàng mới”, Tổng giám đốc De Heus châu Á cho biết.

“Viên gạch” đầu tiên của De Heus Việt Nam đang xây nên những nền tảng vững vàng cho một thương hiệu.

Trao đổi với doanh nhân Gabor Fluit

Sau 9 năm làm việc tại Việt Nam, ông nhận xét thế nào về tinh thần kinh doanh của người Việt?

Tinh thần kinh doanh của người Việt rất tốt. Ai cũng có thể kinh doanh, bán hàng được. Bằng chứng, suốt quốc lộ 1A từ Cà Mau đến Lạng Sơn chỗ nào cũng có cửa hàng.

Còn về văn hóa của người Việt?

Tôi thích văn hóa gia đình của người Việt Nam. Gia đình theo cách hiểu của tôi gồm 2 nghĩa. Gia đình có thể là những người cùng huyết thống hoặc có thể hiểu là đồng sự trong một tập thể.

Một số nhân viên ở De Heus Việt Nam cho biết, ông làm việc rất nhiều?

Tôi thường làm đến 8-9 giờ tối. Nhưng khi về nhà, tôi dành thời gian để tập thể dục, năng lượng lại hồi phục ngay.

Ông thích làm việc với những người như thế nào?

Tôi muốn họ đi thẳng vào vấn đề, chứ không thích cách nói chuyện lòng vòng mất thời gian. Các trưởng bộ phận phải tự đưa ra cách giải quyết cho từng vấn đề thay vì chỉ nêu lên hiện trạng. Mọi nhân viên cần hiểu được, quan tâm và đặt lợi ích khách hàng lên hàng đầu, vì họ là người trả lương cho chúng tôi.

Ông có thể sử dụng bao nhiêu thứ tiếng?

Tôi thành thạo 6 ngôn ngữ: tiếng Hà Lan, Anh, Việt, Đức, Pháp, Tây Ban Nha.
Mối duyên của một doanh nhân nước ngoài với Báo Đầu tư 23 năm trước
LTS: Trở lại Việt Nam sau nhiều năm, Alex McKinnon, người đã gắn bó với Báo Đầu tư (tiền thân là Việt Nam - Đầu tư nước ngoài) và tuần báo...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư