Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Chắp cánh giấc mơ cho những gia đình vô sinh, hiếm muộn
D.Ngân - 28/06/2022 17:21
 
Rất nhiều gia đình vô sinh, hiếm muộn đã có được niềm hạnh phúc chào đón con thơ nhờ vào các chương trình hỗ trợ của Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội.

Hiếm muộn hàng chục năm nhưng kinh tế eo hẹp là rào cản cho nhiều cặp vợ chồng chưa có cơ hội được làm cha mẹ. 

Thấu hiểu điều đó nên trong suốt 4 năm qua, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội đã hỗ trợ cho 40 cặp vợ chồng có hoàn cảnh đặc biệt trong hành trình tìm kiếm con thơ.

Sau 4 năm thực hiện Chương trình Tuần lễ Vàng Ươm mầm hạnh phúc, đã có hơn 40 gia đình được Nam học và Hiếm muộn Hà Nội hỗ trợ thụ tinh trong ống nghiệm miễn phí.

Sau gần 1 tháng triển khai trong Chương trình Tuần lễ Vàng Ươm mầm hạnh phúc 2022: Trao yêu thương – nhận hạnh phúc, có 10 cặp vợ chống hiếm muộn, khó khăn được thụ tinh trong ống nghiệm miễn phí 100%.

Bên cạnh đó, 60 ca khác cũng được miễn phí thực hiện các kỹ thuật như sàng lọc phôi mang gene bệnh, vi phẫu tìm tinh trùng, nội soi thăm dò buồng tử cung và nuôi cấy, theo dõi phôi bằng hệ thống tự động.

May mắn được lựa chọn thực hiện thụ tinh ống nghiệm miễn phí, với 10 cặp vợ chồng hiếm muộn, khó khăn đó là động lực, là hy vọng trên hành trình khát khao tìm kiếm con.

Gia đình chị Hoàng Thị Lai, anh Trần Đình Lý (Nam Đàn, Nghệ An), kết hôn từ năm 2013, đến nay đã 9 năm vẫn chưa sinh con. Anh chị sống cùng đại gia đình 9 người gồm bố mẹ, anh trai, các cháu, thu nhập chủ yếu nhờ làm nông.

Mong con và nỗ lực để có con, hai vợ chồng đã thực hiện nhiều biện pháp nhưng đều thất bại. Vì không có đủ kinh phí để theo đuổi hành trình chữa trị tốn kém, anh chị đành gác giấc mơ có được con thơ. Tuy nhiên, niềm hạnh phúc vỡ òa khi vợ chồng chị Lai nhận được tin sẽ được miễn phí thụ tinh ống nghiệm.

Hay như vợ chồng người dân tộc Êđê-Mường, chị H Dla Buôn Ya, anh Phùng Văn Ba (huyện Tân Sơn, Phú Thọ), kết hôn từ năm 2016, nhưng do bệnh tật mà anh chị chưa thể có con. Và cũng bởi khó khăn kinh tế, nhà lại có mẹ già cần chăm sóc nên anh chị cũng không thể điều trị.

Hành trình tìm con đành gác lại, thậm chí có lúc hai vợ chồng nghĩ sẽ buông xuôi… Nhưng trong sâu thẳm, họ vẫn mong ngóng có một ngày được làm cha, làm mẹ và các bác sĩ của Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội đã giúp họ trên hành trình tìm kiếm con thơ.

Tương tự, hoàn cảnh của chị Trần Thị Thắm, anh Vũ Văn Trường (Thị trấn Yến Lạc, Na Rì, Bắc Kạn) cũng éo le không kém. 

Anh chị kết hôn từ năm 2012, chị bán vé số, anh cắt tóc, gom góp dành dụm mỗi ngày để lo cho gia đình và chăm sóc bố bị bệnh thận. Suốt 10 năm qua, nỗi mong có con luôn canh cánh trong lòng anh chị. Thế nhưng, mọi khát khao, mọi nỗ lực muốn có con dường như bị ghì lại vì gánh nặng kinh tế.

Gia đình chị Nguyễn Thị Miền, anh Vũ Đức Quỳnh (Phúc Thọ, Hà Nội) cũng nhiều nỗi niềm. Kết hôn từ năm 2014, hai vợ chồng chịu thương chịu khó làm thuê nhưng thu nhập khá bấp bênh. Vì thế, biết rõ mình hiếm muộn nhưng vẫn dám chạy chữa vì đủ tiền để theo đuổi hành trình nhiều gian nan này.

“Nếu không được miễn phí việc thụ tinh trong ống nghiệm, chúng tôi chắc không bao giờ dám nghĩ đến việc có con”, anh chị tâm sự.

Nụ cười luôn rạng rỡ trên gương mặt người mẹ trẻ Doãn Thị Thu Hoài (sinh năm 1987, ở xã Tân Thành, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình), khi chị cùng chồng là anh Trần Văn Đức (sinh năm 1987) mang 2 cậu con trai sinh đôi đến Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội để tri ân các y, bác sĩ nơi đây.

Năm 2014, sau 10 tháng kết hôn, ước mơ về một gia đình trọn vẹn tưởng chừng như đã đóng lại khi anh Đức không may bị tai nạn lao động dẫn đến sức khỏe bị ảnh hưởng.

Kinh tế khó khăn, mọi thứ đều dồn hết cho việc điều trị của anh Đức, nên ước mơ được làm mẹ của chị tưởng chừng không bao giờ thực hiện nổi.

Chị kể, bị bệnh hành hạ, anh tuyệt vọng, chẳng dám nghĩ đến việc có con, nhưng chính chị, bằng tình yêu và nghị lực mạnh mẽ, đã động viên anh. 

Đúng giữa giai đoạn khó khăn nhất ấy, anh chị đã nhận được món quà bất ngờ là gói hỗ trợ hoàn toàn chi phí thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm trong Tuần Lễ Vàng năm 2020. Điều kỳ diệu là cuối cùng, anh chị đã chạm tay tới giấc mơ làm cha, làm mẹ.

Nói về hoạt động thiện nguyện chắp cánh ước mơ cho các gia đình hiếm muộn có hoàn cảnh khó khăn, bác sĩ CKII. Nguyễn Khắc Lợi, Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội cho biết, tính đến thời điểm này, sau 4 năm Bệnh viện thực hiện chương trình Tuần lễ Vàng Ươm mầm hạnh phúc, đã có hơn 40 gia đình được bệnh viện hỗ trợ thụ tinh trong ống nghiệm miễn phí.

Các gia đình, hoặc là đã từng khám hiếm muộn và nỗ lực chạy chữa nhưng không có kết quả, lại không thể xoay xở thêm kinh phí để tiếp tục, hoặc phải gác hẳn việc điều trị ngay từ đầu vì áp lực kinh tế đè nặng; dù trong hoàn cảnh nào, khát khao “tìm con” trong họ chưa bao giờ tắt. 

“Thấu hiểu nỗi đau đó, Bệnh viện luôn muốn đồng hành để san sẻ, giúp các gia đình sớm chạm vào ước mơ thiêng liêng là làm cha, làm mẹ”, bác sĩ Lợi nói.

Chương trình thiện nguyện dành cho các cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn
Từ ngày 16/5/2022, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộm Hà Nội sẽ tổ chức chương trình “Tuần Lễ Vàng - Ươm mầm hạnh phúc” năm 2022, chủ đề...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư