Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Chỉ cần 30 - 40 ngân hàng quy mô đủ lớn
Mạnh Bôn - 10/03/2014 08:55
 
Nếu Southern Bank và Sacombank sáp nhập thành công, cả nước vẫn còn tổng cộng 62 ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Theo PGS - TS Trần Hoàng Ngân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, cả nước có thể chỉ cần 30-40 ngân hàng, nhưng với quy mô đủ lớn, thì vẫn bảo đảm cung ứng đầy đủ và kịp thời vốn cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân. M&A ngân hàng không chỉ là phép cộng M&A ngân hàng vẫn đón chờ thương vụ khủng

PGS - TS. Trần Hoàng Ngân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội
PGS - TS. Trần Hoàng Ngân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

Số lượng ngân hàng nội địa đang giảm dần trong quá trình sáp nhập, vậy theo ông, liệu việc giảm số lượng ngân hàng có ảnh hưởng đến cung ứng vốn cho nền kinh tế?

Hiện cả nước có 62 ngân hàng. Ngoài Ngân hàng Phát triển, Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Hợp tác xã còn có 39 ngân hàng thương mại cổ phần, 14 ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 6 ngân hàng liên doanh.

Rất khó xác định cần bao nhiêu ngân hàng để đáp ứng kịp thời và đầy đủ vốn cho nền kinh tế, bởi còn phụ thuộc vào quy mô của từng ngân hàng, cũng như của cả hệ thống ngân hàng.

Nếu quá trình sáp nhập tiếp tục diễn ra, cả nước chỉ còn khoảng 30-40 ngân hàng, nhưng với quy mô đủ lớn, đặc biệt là có chi nhánh rộng khắp cả nước, thì vẫn bảo đảm cung ứng đầy đủ và kịp thời vốn cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.

Ngược lại, nếu chúng ta có cả trăm ngân hàng, nhưng quy mô ngân hàng nhỏ và chỉ tập trung khai thác ở những khu vực có điều kiện kinh tế phát triển, thì cũng không đáp ứng được nhu cầu vốn cho nền kinh tế và người dân.

GDP của Việt Nam mỗi năm một tăng nhanh, từ 104 tỷ USD năm 2010 lên mức 176 tỷ USD vào năm 2013 và dự kiến, tăng lên 186 tỷ USD vào năm 2014. Ông có cho rằng, thay vì sáp nhập, thì cần có giải pháp phát triển các ngân hàng hiện có để bảo đảm vốn, khi GDP đạt mức 250 - 300 tỷ USD?

Năm 2010, lần đầu tiên GDP của Việt Nam vượt mức 100 tỷ USD, thế mà trước đó cả nước có gần 100 ngân hàng với đủ mọi loại hình, nhà nước, cổ phần, liên doanh, 100% vốn nước ngoài, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và hàng trăm quỹ tín dụng nhân dân.

Do số lượng ngân hàng quá lớn so với nhu cầu, nên đã dẫn tới tình trạng nhiều ngân hàng hoạt động rất yếu kém, buộc Chính phủ phải thực hiện tái cơ cấu.

Tái cơ cấu ngân hàng đang diễn ra quyết liệt chính là quá trình sàng lọc các ngân hàng yếu kém qua việc sáp nhập, hợp nhất một cách tự nguyện, gắn kết với nhau để nâng quy mô, nâng hiệu quả hoạt động, giảm chi phí. Quá trình tái cơ cấu ngân hàng đang diễn ra là phù hợp với thực tế, đặc biệt là Chính phủ không sử dụng mệnh lệnh hành chính ép buộc sáp nhập, hợp nhất, mà chỉ tạo ra môi trường cạnh tranh công bằng, minh bạch để cho các ngân hàng tự nguyện sáp nhập, hợp nhất, khi thấy có nhu cầu.

Sáp nhập chỉ là một trong những biện pháp tái cơ cấu hệ thống ngân hàng. Vì vậy, tùy thuộc vào tình hình thực tế, bên cạnh việc sáp nhập tự nguyện, nếu cần thiết, Chính phủ có thể sử dụng ngân hàng thương mại có vốn nhà nước (Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank và MHB) tham gia mua cổ phần của ngân hàng cổ phần yếu kém, thậm chí có thể mua lại ngân hàng yếu kém để đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu, giảm số lượng ngân hàng xuống mức phù hợp.

Bởi trong tương lai gần, khi mà GDP gấp 2-3 lần hiện nay, nền kinh tế có lẽ cũng chỉ cần khoảng 30-40 ngân hàng, quan trọng là quy mô ngân hàng phải đủ lớn và có hệ thống chi nhánh bao phủ khắp cả nước.

Nhưng có một thực tế là, tại các đô thị lớn có quá nhiều chi nhánh, phòng giao dịch ngân hàng, trong khi ở những địa bàn khó khăn thì lại vắng bóng, thưa ông?

Nhiều người cho rằng, ở các đô thị lớn, đặc biệt là tại Hà Nội và TP.HCM có quá nhiều chi nhánh ngân hàng, cứ “ra phố là gặp ngân hàng”, có con phố có tới 4-5 chi nhánh.

Hiện tại, số lượng ngân hàng ở các đô thị có thể là nhiều, nhưng trong tương lai không xa, với tốc độ tăng trưởng GDP 5-7%/năm, thì số lượng ngân hàng chưa hẳn đã nhiều. Nhiều hay ít không nên tính toán trên phương diện số học, mà phải căn cứ trên cơ sở hệ thống ngân hàng có đáp ứng nhu cầu vay vốn, gửi tiền, sử dụng dịch vụ ngân hàng của người dân trên địa bàn hay không.

Trong tương lai gần, hầu hết các dịch vụ thanh toán của xã hội đều phải qua hệ thống ngân hàng, thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng tăng, thì ngân hàng đóng vai trò như là thủ quỹ của nền kinh tế, của mỗi cá nhân trong xã hội. Khi đó, hệ thống chi nhánh ngân hàng, máy ATM... như hiện nay có thể chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu.

Có ý kiến cho rằng, việc sáp nhập chưa chắc đã làm cho ngân hàng mạnh lên, bởi sáp nhập chỉ là hình thức “hai người yếu nương tựa vào nhau”. Ông bình luận gì về ý kiến này?

Tôi không nghĩ như vậy. Về quy mô, ngân hàng sau sáp nhập chắc chắn sẽ lớn hơn cả về vốn lẫn mạng lưới (sau sáp nhập, Sacombank có vốn điều lệ 16.425 tỷ đồng và 564 chi nhánh, phòng giao dịch). Vốn và mạng lưới chi nhánh là 2 trong những vấn đề quan trọng nhất trong hoạt động ngân hàng, khi quy mô tăng sẽ tăng sức cạnh tranh sau khi sáp nhập.

Trước khi sáp nhập, trên cùng một địa bàn có 2 chi nhánh hoặc phòng giao dịch của 2 ngân hàng cạnh tranh lẫn nhau; còn tại hội sở chính, mỗi ngân hàng đều phải có đầy đủ ban bệ… Nhưng sau khi sáp nhập, sẽ giảm được một nửa, nên hiệu quả hoạt động của ngân hàng sẽ cao hơn do tiết giảm được tối đa chi phí.

Tân binh nào sẽ gia nhập thị trường ngân hàng?
Sự xuất hiện của những tân binh và những cuộc thay tên, đổi chủ sẽ góp phần đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc ngành ngân hàng trong năm nay.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư