Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2021 (PCI 2021): Phía sau thứ hạng là những câu hỏi rất khó
Khánh An - 29/04/2022 09:09
 
Top 10 địa phương dẫn đầu Bảng Xếp hạng PCI 2021 đã được vinh danh, nhưng những câu hỏi, tâm tư doanh nghiệp gửi gắm trong kết quả khảo sát sẽ theo chân các vị lãnh đạo về địa phương.
Vinh danh 10 địa phương dẫn đầu Bảng Xếp hạng PCI 2021

Khi thứ hạng chỉ là phần thưởng

Bước ra ngoài phòng họp, nơi Lễ công bố PCI 2021 đầy màu sắc và âm nhạc vừa kết thúc, ông Lê Duy Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư: “Chúng tôi vừa trở lại ngoạn mục và thứ hạng này là một phần thưởng rất quý từ doanh nghiệp. Nhưng điều chúng tôi sẽ phải tập trung nghiên cứu là làm gì nữa để cải thiện chất lượng điều hành, chất lượng môi trường kinh doanh, để phục vụ doanh nghiệp tốt hơn”.

Ông Thành vừa cùng lãnh đạo các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Đồng Tháp, Đà Nẵng, Bình Dương, Bắc Ninh, Thừa Thiên Huế, Bà Rịa - Vũng Tàu và Hà Nội lên sân khấu PCI 2021 nhận kỷ niệm chương dành cho 10 địa phương dẫn đầu. Sau 7 năm, Vĩnh Phúc mới trở lại vị trí được vinh danh trên sân khấu, đứng thứ 5, với thành tích được ghi nhận nhờ thực hiện mục tiêu “3 tốt” từ năm 2020, gồm môi trường pháp lý tốt và toàn diện, hạ tầng kỹ thuật tốt và phục vụ doanh nghiệp tốt.

Trong phần phân tích về Vĩnh Phúc, Báo cáo PCI 2021 đã nhắc đến tỷ lệ 93,9% doanh nghiệp tại tỉnh đánh giá cán bộ giải quyết thủ tục hành chính làm việc hiệu quả (cao thứ 6 toàn quốc); 93,2% doanh nghiệp đánh giá các cán bộ này có thái độ thân thiện (cao thứ 2 cả nước); 89,5% doanh nghiệp đồng ý rằng, nhìn chung thời gian thực hiện các thủ tục hành chính tại tỉnh ngắn hơn so với quy định (thành tích tốt thứ 3 cả nước).

Đặc biệt, mô hình tổ giúp việc của Chủ tịch UBND tỉnh được nhắc đến như một bài học kinh nghiệm của sự năng động, sáng tạo trong điều hành ở bối cảnh “chưa từng có tiền lệ”, khi dịch bệnh xuất hiện. Rất có thể, chính quan điểm “phải biết doanh nghiệp đang khó khăn, vướng mắc gì, hàng hóa đang tắc ở đâu, vướng chốt kiểm tra nào, vì sao để chỉ đạo trực tiếp, thay vì đợi báo cáo theo quy trình thông thường” của Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã khiến các doanh nghiệp của tỉnh có được những cảm nhận tích cực trên.

Đáng nói là, cảm nhận này của doanh nghiệp không chỉ dành cho Vĩnh Phúc, hay một vài địa phương dẫn đầu.

Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, PCI ghi nhận mức điểm cao nhất về các chỉ tiêu tính linh hoạt trong khung khổ pháp luật, tính năng động, sáng tạo trong giải quyết các vấn đề mới phát sinh và tính tích cực của chính quyền địa phương với khu vực tư nhân trong vòng 17 năm thực hiện khảo sát.

Có tới 85,6% doanh nghiệp nhận thấy, UBND tỉnh vận dụng pháp luật linh hoạt nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi; 74% doanh nghiệp đồng ý với nhận định quy định của Trung ương chưa rõ ràng, UBND tỉnh năng động và sáng tạo trong việc giải quyết các vấn đề phát sinh và 62% doanh nghiệp cho biết chính quyền tỉnh có thái độ tích cực với các hoạt động sản xuất, kinh doanh của khu vực tư nhân.

Có nghĩa là, nhiều chính quyền địa phương dù không có trên bục vinh danh của Lễ công bố PCI 2021, nhưng cũng đã góp phần quan trọng vào sự năng động này.

Các câu hỏi không dễ trả lời vẫn còn nhiều

Khi ông Lê Duy Thành chia sẻ về các kế hoạch sẽ làm trong năm 2022 để tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, như tập trung công khai, minh bạch thể chế, hướng dẫn doanh nghiệp chấp hành; chính quyền hiểu doanh nghiệp, vào cuộc cùng doanh nghiệp…, bà Phạm Thị Hồng Thủy, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc đứng ở phía xa, lắng nghe kỹ.

Khác với mọi năm, nhiều hiệp hội doanh nghiệp và các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng như các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp FDI đã xuất hiện tại Lễ công bố PCI. Cũng như bà Thủy chia sẻ, họ muốn trực tiếp nghe những cam kết công khai của lãnh đạo tỉnh, để ghi nhận, cùng thực hiện và cả giám sát thực hiện.

Cũng phải nói thêm, không dễ để có được những nhận định, đánh giá từ doanh nghiệp trong lần khảo sát PCI 2021, khi thời điểm thực hiện khảo sát cũng là lúc doanh nghiệp đang đối mặt với lựa chọn đau đớn: tiếp tục hoạt động hay đóng cửa, bởi dịch bệnh liên tiếp và các chính sách phòng chống dịch khắc nghiệt.

Sự năng động, sáng tạo khi giải quyết các vấn đề phát sinh là yếu tố quan trọng giúp địa phương nâng cao năng lực cạnh tranh. Trong ảnh: Hình ảnh đẹp về Quảng Ninh - địa phương đứng đầu Bảng Xếp hạng PCI 2021

Tổn thương do Covid-19 gây ra với doanh nghiệp là nghiêm trọng. Thậm chí, các chuyên gia thực hiện PCI cũng phải thừa nhận rằng, họ chỉ có thể khảo sát những doanh nghiệp còn đang tồn tại, thuộc nhóm vượt dịch thành công, chứ không có cơ hội đặt câu hỏi tại sao với hơn 100.000 doanh nghiệp đã đóng cửa, ngừng hoạt động vào năm ngoái.

Kết quả là, chỉ có 34% doanh nghiệp dự kiến mở rộng quy mô kinh doanh trong 2 năm tới. Và có tới 16,59% doanh nghiệp dự định giảm quy mô kinh doanh hoặc đóng cửa trong vòng 2 năm tới.

“Trong lịch sử 17 năm khảo sát PCI, đây là lần đầu tiên ghi nhận tỷ lệ doanh nghiệp khó khăn đến mức đóng cửa cao như vậy. Nhưng điều đáng nói hơn là khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước, định hướng nội địa đang gặp khó khăn hơn, thiếu tin tưởng hơn về triển vọng kinh doanh so với các doanh nghiệp định hướng xuất khẩu và khu vực doanh nghiệp FDI ”, ông Đậu Anh Tuấn, Giám đốc Dự án PCI chia sẻ thông tin.

Đây là lý do mà ông Tuấn đã tranh thủ diễn đàn gửi tới những người đứng đầu các địa phương một đề nghị trực tiếp: “Tôi nhìn thấy nhiều doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong lịch làm việc của lãnh đạo các tỉnh. Mong sao có cả những doanh nghiệp nhỏ và vừa trong đó. Chúng tôi đã hỏi và biết là, tỷ lệ doanh nghiệp nhận được hỗ trợ từ các chương trình theo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đều dưới 8%. Quy định đã có, nhưng thực thi thế nào là ở cấp chính quyền địa phương”.

Điều này có nghĩa là sức sống, cơ hội hồi sinh của rất nhiều doanh nghiệp đang phụ thuộc rất lớn vào sự thông thoáng, minh bạch về thủ tục hành chính, cơ hội tiếp cận các nguồn lực tài chính, đất đai thuận lợi… và đặc biệt là môi trường kinh doanh không quá nhiều rủi ro, rào cản.

Kết quả điều tra PCI vẫn cho thấy, một số thủ tục hành chính còn gây phiền hà, khó khăn cho việc tuân thủ của doanh nghiệp. Thủ tục trong các lĩnh vực thuế, phí, đất đai, bảo hiểm xã hội và xây dựng tiếp tục gây nhiều khó khăn nhất.

Trong đó, cảm nhận của doanh nghiệp về mức độ trở ngại khi tuân thủ thủ tục hành chính về thuế, phí và xây dựng, tiếp cận đất đai trong năm 2021 cao hơn đáng kể so với năm 2020. Đặc biệt, gánh nặng tuân thủ với các thủ tục kinh doanh có điều kiện đang nổi lên.

Cải cách điều kiện kinh doanh đã trở thành trọng tâm chính sách của Chính phủ liên tục từ năm 2018 trở lại đây và đã tiếp tục được nhấn mạnh trong Chương trình Tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030. Dù có những bước tiến, nhưng vẫn có một tỷ lệ đáng kể doanh nghiệp chưa hài lòng khi thực hiện các thủ tục hành chính này. Chỉ 38,9% doanh nghiệp không gặp khó khăn gì khi thực hiện thủ tục hành chính cấp phép kinh doanh ngành nghề kinh doanh có điều kiện và 43,4% doanh nghiệp cho biết, thời gian giải quyết thủ tục không kéo dài hơn so với quy định.

Đặc biệt, những phiền hà về cấp giấy phép kinh doanh có điều kiện là nguyên nhân khiến 21,7% doanh nghiệp phải trì hoãn hoặc hủy bỏ kế hoạch kinh doanh.

Nếu tỷ lệ khó khăn còn cao như vậy, thì dù mỗi năm PCI vẫn vinh danh các địa phương dẫn đầu, song môi trường kinh doanh chung sẽ khó thay đổi một cách bền vững.

Cần phải nhắc đến phát biểu của ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh khi thay mặt 10 địa phương dẫn đầu PCI 201 chia sẻ cảm xúc của địa phương lần thứ 5 liên tiếp ở vị trí số 1. Ông nói: “Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh chỉ có điểm bắt đầu, không có điểm kết thúc. Giành được niềm tin của doanh nghiệp đã khó, mà giữ vững, nuôi dưỡng và tiếp tục nâng lên tầm cao mới lại càng khó hơn. Cùng với đó là những cam kết cụ thể, trong đó có đồng hành thực chất, tạo điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp, nhà đầu tư tìm được cơ hội khác biệt, phát huy tối đa tài năng, trí tuệ, năng lực, cạnh tranh làm giàu chính đáng, xây dựng và phát triển doanh nghiệp ngày càng lớn mạnh, bền vững”.

Các doanh nghiệp, giới đầu tư kinh doanh sẽ là người giám sát việc thực hiện những cam kết này, thể hiện trong lần xếp hạng PCI năm tới.

Quảng Ninh hay tỉnh nào lên ngôi tại PCI 2021; Bạc Liêu, Kiên Giang còn cuối bảng?
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) sẽ công Công bố Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2021 vào ngày 27/4 tại Hà Nội.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư