Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 15 tháng 10 năm 2024,
Chiều cao trung bình của người Việt đứng thứ 4 khu vực ASEAN
D.Ngân - 29/07/2022 13:59
 
Theo Bộ Y tế, chiều cao trung bình của người Việt đang đứng thứ 4 khu vực ASEAN.

Theo TS. Trần Đăng Khoa, Phó vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, chiều cao trung bình của nữ giới tăng từ 152,3 cm (năm 2000) lên 155,6 cm (năm 2020); nam giới từ 162,3 cm (năm 2000) lên 168,1 cm (năm 2020).

Chiều cao trung bình của người Việt đang đứng thứ 4 khu vực  ASEAN, xếp sau Singapore, Thái Lan và Malaysia.

Lãnh đạo Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em cũng cho hay, dù chiều cao của người Việt được cải thiện trong những năm qua, nhưng so với các quốc gia khác ở châu Á như Nhật Bản, chiều cao trung bình của người Việt còn thấp.

TS. Trần Đăng Khoa, Phó vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ- Trẻ em

Để cải thiện chiều cao người Việt, theo TS. Khoa, cần quá trình lâu dài như đảm bảo dinh dưỡng, bổ sung vi chất, chăm sóc hệ gene...

"Trong can thiệp dinh dưỡng, chúng tôi chú trọng đến các can thiệp chuyên môn, đảm bảo cân bằng dinh dưỡng, đặc biệt là cung cấp các sản phẩm dinh dưỡng và các sản phẩm bổ sung các vi chất để tăng cường cải thiện chiều cao kết hợp lồng ghép vận động thể lực, sinh hoạt một cách khoa học. Như vậy, chúng ta mới có thể cải thiện được chiều cao nhiều hơn trong những năm tới”, TS. Trần Đăng Khoa nói.

Cũng theo TS. Khoa một lo ngại liên quan tới chất lượng dân số người Việt là tỷ lệ tử vong sơ sinh ở Việt Nam còn cao, chiếm đến 70 - 80% số ca tử vong trẻ em đối với dưới 1 tuổi; 50 - 60% tử vong trẻ dưới 5 tuổi.

Tỷ lệ tử vong mẹ ở vùng 3 cao gấp 3,5 lần so với vùng 1, trong khi đó, tỷ lệ tử vong mẹ ở dân tộc H'Mong cao gấp 7 - 8 lần so với dân tộc Kinh, Tày.

Tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi ở nông thôn cao gấp đôi thành thị và khoảng cách về tử vong trẻ em dưới 1 tuổi ở dân tộc thiểu số với dân tộc kinh ngày càng gia tăng (năm 2006 là 1,35 lần; năm 2014 là 4,3 lần).

Vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng khó khăn vẫn có tỷ lệ suy dinh dưỡng cao so với trung bình cả nước (Trung du và miền núi phía Bắc và Tây Nguyên).

Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em dân tộc thiểu số cao gấp 2 lần và tỷ lệ suy dinh dưỡng nhẹ cân cũng cao gấp 2,5 lần so với trẻ em là người Kinh (tương ứng 31,4% so với 15,0% và 21% so với 8,5%).

Lý giải về thực trạng này, TS.Trần Đăng Khoa đưa ra một số nguyên nhân như thiếu nhân lực (thiếu cán bộ chuyên môn sản, nhi, gây mê hồi sức; 30% bác sĩ đa khoa làm công tác chăm sóc sản khoa, nhi khoa tại tuyến huyện); thiếu cơ sở vật chất, trang thiết.

Năng lực về cấp cứu sản khoa, sơ sinh (sàng lọc, phát hiện dấu hiệu nguy hiểm, chuyển tuyến, chẩn đoán, tiên lượng và xử trí) còn hạn chế ở những vùng khó khăn.

Đặc biệt, công tác duy trì đội ngũ cô đỡ thôn bản gặp khó khăn do y tế thôn bản/cô đỡ thôn bản không còn được hưởng phụ cấp, gây khó khăn trong chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh ở vùng dân tộc thiểu số.

Ngoài ra, theo thống kê chưa đầy đủ, tại nước ta hiện nay, mỗi ngày có 39 em bé dưới 28 ngày tuổi tử vong. Tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh đang chiếm tới 80% số ca tử vong đối với trẻ dưới 1 tuổi.

TS. Trần Đăng Khoa cũng cho biết, hiện ngành Y tế đang cố gắng giảm tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh. Vì giảm tử vong trẻ sơ sinh sẽ giảm được tỷ lệ tử vong đối với trẻ dưới 1 tuổi.

Lãnh đạo Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em cũng lý giải có nhiều nguyên nhân liên quan đến trẻ sơ sinh tử vong.

Đơn cử như quá trình khám thai đầy đủ, phải đảm bảo 4 lần khám trong suốt thời gian thai kỳ. Các trường hợp đẻ khó, khó can thiệp và cứu chữa. Bên cạnh đó, sau khi trẻ ra đời, sự chăm sóc nuôi dưỡng cũng ảnh hưởng đến của trẻ sơ sinh….

Đáng chú ý, khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa có tỷ lệ trẻ sơ sinh tử vong cao nhất. Nguyên nhân được cho là do ở xa cơ sở y tế, nhiều người mẹ vùng khó khăn phải sinh con tại nhà, không được chăm sóc y tế kịp thời, đúng cách, dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.

Theo TS. Trần Đăng Khoa, chính sách đối với đội ngũ cô đỡ thôn bản hiện nay chưa được quan tâm đúng mức cũng góp phần làm cho tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh vẫn ở mức cao.

Đội ngũ cô đỡ thôn bản có thể giúp ngành Y tế giảm tử vong bà mẹ và trẻ sơ sinh. Thời gian qua, phụ cấp của cô đỡ thôn bản bị cắt giảm và gần như không còn. Vậy nên để khắc phục điều này thời gian qua ngành Y tế đã khuyến cáo các tỉnh, đặc biệt là vùng sâu vùng xa cần quan tâm hỗ trợ cô đỡ thôn bản.

Giải pháp dinh dưỡng giúp trẻ tăng chiều cao, cân nặng theo tuổi
Viện Dinh dưỡng Quốc gia tổ chức buổi hội thảo khoa học Giải pháp dinh dưỡng giúp trẻ đạt cân nặng, chiều cao theo tuổi với sự tài trợ của...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư