Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 24 tháng 11 năm 2024,
Chọn chiến lược - bài toán khó với SME
Thanh Huyền - 20/08/2016 08:24
 
Lựa chọn ngành nghề cốt lõi hay theo đuổi đa ngành đang là bài toán khó với các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME).

Từ chỗ là một trong những những tổng công ty chủ lực của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tổng công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) đã... đột ngột trở thành một trong những đơn vị kinh doanh bết bát nhất PVN, khi phát sinh lỗ hơn 3.200 tỷ đồng trong 2 năm 2012 - 2013. Vì sao nên cơ sự này?

Những năm trước, PVC là đơn vị đảm nhiệm toàn bộ công việc thi công xây lắp các công trình dầu khí trên bờ, trong đó có hàng chục dự án có quy mô hàng ngàn đến hàng chục ngàn tỷ đồng được PVN giao PVC thi công, như Nhiệt điện Thái Bình 2, Nhiệt điện Vũng Áng, Ethanol Phú Thọ, Lọc dầu Nghi Sơn…

Bà Đỗ Thị Hồng Hạnh, Phó chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bán đấu giá Lạc Việt (ngồi giữa) trong vai trò CEO của tình huống này
Bà Đỗ Thị Hồng Hạnh, Phó chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bán đấu giá Lạc Việt (ngồi giữa) trong vai trò CEO của tình huống này

Nếu chỉ tập trung vào hoạt động xây lắp thì có lẽ PVC làm không hết việc. Tuy nhiên, giống như rất nhiều doanh nghiệp (doanh nghiệp) khác, PVC đã sa đà vào lĩnh vực bất động sản, đầu tư tài chính.

Cụ thể, PVC đã rót hàng  ngàn tỷ đồng để góp vốn vào gần 40 công ty thành viên lớn nhỏ, trong đó PVC cùng các công ty thành viên đổ rất nhiều tiền vào lĩnh vực xây lắp, bất động sản đúng lúc ngành này bước vào giai đoạn thoái trào.

Bài học từ PVC cho thấy, câu chuyện xây dựng và lựa chọn chiến lược phát triển cho doanh nghiệp luôn là vấn đề hết sức quan trọng, quyết định sự thành bại của doanh nghiệp.

Một doanh nghiệp khác kinh doanh dịch vụ đa ngành (đấu giá, môi giới đầu tư, môi giới bất động sản…) cũng đang gặp phải vấn đề tương tự.

Bán đấu giá các tài sản cầm cố là một dịch vụ mà doanh nghiệp kể trên mở ra từ khi hoạt động bán đấu giá chưa thực sự phát triển ở Việt Nam. Sau 5 năm hoạt động, Công ty đã tạo dựng được vị thế và gặt hái nhiều thành công trong lĩnh vực này.

Tuy nhiên, trước xu hướng phát triển và sự gia tăng của nhu cầu tham gia các hoạt động mua bán theo hình thức bán đấu giá của các cá nhân, tổ chức hiện nay, cùng với những “luật chơi” mới từ hội nhập, doanh nghiệp đối mặt với nhiều sức ép từ các đối thủ, đòi hỏi phải có sự điều chỉnh chiến lược phát triển. CEO cùng các cổ đông đã ngồi lại bàn bạc nhằm tạo bước đột phá trong kinh doanh.

CEO cho rằng, doanh nghiệp nên rời bỏ kinh doanh các dịch vụ trong lĩnh vực môi giới bất động sản và đầu tư để tập trung toàn lực vào phát triển, mở rộng mảng dịch vụ đấu giá, đa dạng hóa sản phẩm thông qua hình thức bán đấu giá trực tuyến. CEO lập luận, hình thức này đã có từ lâu ở các nước phát triển, nhưng ở Việt Nam còn mới mẻ, do đó, doanh nghiệp cần thay đổi chiến lược để đón đầu xu thế.

Tuy nhiên, các cổ đông lại cho rằng, chuyển sang kinh doanh dịch vụ đấu giá trực tuyến sẽ khiến doanh nghiệp phải bỏ một khoản tiền rất lớn để đầu tư vào công nghệ, cơ sở vật chất, nhân lực… Cảm thấy việc này quá sức và tiềm ẩn nhiều rủi ro với doanh nghiệp, nhiều cổ đông muốn bỏ mảng kinh doanh đấu giá để tập trung phát triển các ngành kinh doanh khác.

Chuyên gia kinh tế Lê Thẩm Dương cho rằng, thay vì phát triển theo chiều ngang bằng cách đa dạng hóa ngành nghề, doanh nghiệp này cần phát triển theo chiều dọc với nhiều biện pháp để phát triển ngành nghề cốt lõi.

Những “chiêu thức” giúp CEO phát triển ngành nghề cốt lõi là bán đấu giá trong thời công nghệ số và thuyết phục cổ đông sẽ được hai chuyên gia là GS. Hà Tôn Vinh, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Tổ hợp Giáo dục và Tư vấn quốc tế Stellar Management và TS. Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Tài chính (Trường đại học Ngân hàng TP.HCM) bật mí trong Chương trình CEO - Chìa khóa thành công vào cuối tuần này.

Chuyên mục được thực hiện với sự hợp tác của chương trình CEO - Chìa khóa thành công do Đài Truyền hình Việt Nam và Tổ hợp truyền thông Hoàng Gia phối hợp sản xuất với sự đồng hành của nhãn hàng OTIV.

Không cần Ban Kiểm soát nếu theo mô hình quản trị tiên tiến
Số lượng công ty đại chúng ngày càng tăng nhanh, nhưng nhiều doanh nghiệp chưa sẵn sàng tiếp cận các mô hình quản trị tiên tiến. Đặc biệt,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư