Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Chống dịch Covid-19: Cần chiến lược dài hơi
Dương Ngân - 11/11/2021 10:15
 
Cuộc chiến với Covid-19 chưa biết bao giờ kết thúc, do vậy, chiến lược tổng thể ứng phó hiệu quả với đại dịch trong tình hình mới cần sớm được ban hành.
Tình trạng chủ quan, mất cảnh giác ở một số nơi chưa có dịch hoặc dịch đã đi qua ảnh hưởng đến hiệu quả phòng, chống dịch
Tình trạng chủ quan, mất cảnh giác ở một số nơi chưa có dịch hoặc dịch đã đi qua ảnh hưởng đến hiệu quả phòng, chống dịch

Tìm kiếm các trụ cột

Trong các đợt dịch Covid-19 trước đây, công tác phòng, chống dịch dựa vào các nguyên tắc như 5K, vắc-xin, thuốc điều trị, công nghệ, ý thức của nhân dân cùng với các trụ cột như xét nghiệm, cách ly, điều trị. Tuy nhiên, trong đợt dịch lần thứ tư với biến chủng Delta, tốc độ lây lan nhanh, dịch tấn công vào các khu đô thị, khu công nghiệp, nơi có mật độ dân cư cao, nên công tác phòng, chống dịch thời gian đầu còn bị động, lúng túng ở các cấp, các ngành.

GS. Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM cho rằng, những nguyên tắc “vàng” đã triển khai trong các đợt dịch trước chưa theo kịp sức lan truyền của dịch bệnh.

Thực tế cho thấy, dịch bùng phát mạnh ở các tỉnh phía Nam thời gian qua đã gây áp lực lớn cho hệ thống y tế trong bối cảnh năng lực của hệ thống, nhất là y tế cơ sở còn nhiều hạn chế; nhân lực, trang thiết bị… chưa chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống nhiều người mắc Covid-19, nên đã xảy ra tình trạng quá tải cục bộ, số ca tử vong tăng trong thời gian ngắn.

Do việc chống dịch là chưa có tiền lệ, nên phải vừa làm, vừa rút kinh nghiệm với tinh thần cầu thị, lắng nghe; khi các biện pháp, giải pháp đã được thực tiễn chứng minh là đúng, thì phải kiên định, kiên trì, nhất quán trong lãnh đạo, chỉ đạo và quyết liệt, hiệu quả trong tổ chức thực hiện.

- Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long

Bên cạnh đó, nhìn vào thực tế công tác chống dịch thời gian qua, có thể thấy, hầu hết trang thiết bị y tế, thuốc, sinh phẩm, vắc-xin đều phải nhập khẩu, do chưa sản xuất được trong nước, dẫn đến bị động và tốn kém. Việc mua vắc-xin chịu nhiều rủi ro, do phải chấp nhận các điều kiện của nhà cung cấp.

Ngoài ra, còn tình trạng chủ quan, lơ là, mất cảnh giác ở một số nơi khi chưa có dịch hoặc dịch đã đi qua; ngược lại, khi có dịch lại hoang mang, lo sợ, lúng túng, mất bình tĩnh, dẫn đến áp dụng các biện pháp cực đoan, chưa phù hợp, thiếu thống nhất; một số biện pháp chưa được tính toán kỹ, thay đổi đột ngột, nhất là quy định về đi lại của người dân và lưu thông hàng hóa, gây ách tắc cục bộ.

Xuất phát từ bức tranh tổng thể chống dịch vừa qua, theo các chuyên gia, Việt Nam cần sớm ban hành chiến lược tổng thể ứng phó hiệu quả với đại dịch Covid-19 trong tình hình mới. Chiến lược này cần phải nêu bật quan điểm bảo vệ sức khỏe người dân là trên hết; thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả Covid-19, tạo điều kiện khôi phục sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội, đưa đời sống, sinh hoạt của nhân dân dần trở lại tình trạng bình thường mới.

Dự báo dịch Covid-19 còn kéo dài, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, Việt Nam cần phải chủ động nguồn vắc-xin, sinh phẩm xét nghiệm, thuốc điều trị, đồng thời đẩy mạnh nghiên cứu, tiếp cận các công nghệ mới trong phòng, chống dịch.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu, chiến lược tổng thể ứng phó hiệu quả với đại dịch Covid-19 cần chú trọng, nhấn mạnh hơn nữa tinh thần chủ động, khoa học, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ, làm cơ sở để hướng tới cá nhân hóa trong phòng, chống dịch. Toàn bộ hệ thống y tế phải được tăng cường, củng cố để sẵn sàng ứng phó với các đại dịch lây nhiễm trong tương lai.

Linh hoạt, không cứng nhắc

Ngoài các nội dung mang chiến lược dài hơi, đi vào cụ thể, các nội dung phục vụ công tác chống dịch như vắc-xin, xét nghiệm, thuốc điều trị và công nghệ cần được tiến hành linh hoạt, tránh cứng nhắc.

Với công tác tiêm chủng vắc-xin, ngoài việc mở rộng nguồn cung vắc-xin, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho hay, Bộ Y tế đã thành lập 4 đoàn kiểm tra công tác tiêm vắc-xin phòng Covid-19 (tại miền Bắc, miền Trung, miền Nam và Tây Nguyên) nhằm bảo đảm an toàn tiêm chủng cho trẻ. Đồng thời, trong kế hoạch, Bộ sẽ kiểm tra 20 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về công tác tiêm chủng.

Một trọng tâm khác trong chiến lược tổng thể ứng phó với Covid-19 trong tình hình mới là công tác xét nghiệm. Theo ông Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, đây là công cụ quan trọng nhất không gì thay thế được trong giám sát dịch. Xét nghiệm trong cuộc chiến với Covid-19 được ví như “đánh trận”, và muốn đánh thắng, chúng ta phải nhận diện được “địch”. Xét nghiệm chính là công cụ để nhận diện dịch ở đâu, quy mô thế nào và lây truyền ra sao nhằm “vây đánh”.

Bên cạnh đó, ông Nhung cũng khẳng định, trong xét nghiệm, việc chỉ định đối tượng để xét nghiệm là tối quan trọng. Các đối tượng xét nghiệm có thể là nhỏ lẻ, song cũng có thể là cả một phường, xã hay quận, huyện. Tốc độ xét nghiệm cần thần tốc. “Nếu chu kỳ lây lan của virus là 48 giờ, xét nghiệm cần lặp lại dưới 48 giờ, thì mới dập được dịch”, ông Nhung nói.

Từ thực tiễn công tác chống dịch trong thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, để chống dịch thành công, cần có tinh thần đoàn kết, thống nhất, phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương, tổ chức, cơ quan trong hệ thống chính trị, nhất là trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống dịch; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và huy động nguồn lực trong, ngoài nước, nguồn lực của nhân dân và doanh nghiệp.

Cùng với đó, phải bám sát thực tiễn, nắm chắc tình hình, làm tốt công tác dự báo, căn cứ dữ liệu khoa học để đưa ra các biện pháp phù hợp, kịp thời, hiệu quả và tổ chức thực hiện linh hoạt theo diễn biến tình hình dịch bệnh; tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, hỗ trợ trong tổ chức thực hiện; phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm.

Đặc biệt, theo các chuyên gia, khi thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội, phải thực hiện nghiêm, dứt khoát, xác định rõ mục tiêu, các biện pháp, thời hạn và gắn với thực hiện đồng bộ các biện pháp an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội.

Hải Dương điều chỉnh một số biện pháp phòng chống dịch từ 0h ngày 9/11
Ông Triệu Thế Hùng, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương vừa ký văn bản 4094/UBND-VP điều chỉnh, bổ sung một số biện pháp phòng, chống dịch bệnh...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư