Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 12 tháng 01 năm 2025,
Chủ tịch Fulbright Việt Nam: Thiếu phẩm chất cá nhân chưa phải một người hoàn chỉnh
Hồng Phúc - 20/10/2019 08:20
 
“Chúng tôi tin rằng, một người có đầy đủ kiến thức, kỹ năng nhưng thiếu điều quan trọng nhất là phẩm chất cá nhân vẫn chưa phải là một con người hoàn chỉnh. Thiếu yếu tố này, chúng ta sẽ không thể thực hiện mục tiêu giáo dục trọn vẹn nhất”, bà Đàm Bích Thuỷ, Chủ tịch Fulbright Việt Nam nói.

Đây là một trong hai triết lý giáo dục mà đại học Fulbright Việt Nam đang theo đuổi.
 
Bà Đàm Bích Thuỷ cho biết triết lý thứ hai nhà trường đang cố gắng thực hiện và kỳ vọng tạo tác động nhất định trong quan điểm về giáo dục tại Việt Nam là bình đẳng trong tiếp cận giáo dục. 
 
Trong khi không ít quan niệm cho rằng, giáo dục trình độ cao thường đi liền với đắt đỏ và chỉ dành cho học sinh mà gia đình có khả năng chi trả thì Fulbright Việt Nam muốn tạo ra sự công bằng, đặc biệt với sinh viên không thể chọn lựa gia đình mình được sinh ra.
 
“Không thể chỉ vì khả năng chi trả mà tài năng và ước vọng của các em không có cơ hội thực hiện. Đó là nguyên tắc của chúng tôi, thể hiện trong cấu trúc giáo dục không vì lợi nhuận”, Chủ tịch Fulbright Việt Nam nói.
 

“Bố mẹ đóng vai trò hơi lớn trong việc thúc ép con mình đi theo ngành mà bố mẹ nghĩ là tốt. Bố mẹ cần học để cho con cơ hội hơn là chỉ có một con đường duy nhất để xây dựng tương lai của mình”, bà Đàm Bích Thuỷ chia sẻ

Phương cách khơi dậy phẩm chất cá nhân trong mỗi học viên tại Fulbright Việt Nam không chỉ nằm trong khuôn viên lớp học. Bà Đàm Bích Thuỷ cho rằng, kỹ năng và xây dựng phẩm chất cá nhân thường có được từ các hoạt động ngoại khoá.
 
Như thế nào là hành xử có đạo đức cũng như đúng, sai trong từng thời điểm cụ thể đều khác nhau, trong đó, việc xây dựng lòng trắc ẩn không kém phần quan trọng khi nhắc đến phẩm chất cá nhân với học viên Fulbright Việt Nam.
 
Chủ tịch Fulbright còn cho rằng, ở tuổi 18, các học sinh khó có thể đưa ra quyết định chính xác về ngành mà bản thân đam mê cũng như phù hợp trong cuộc đời. Theo đó, mỗi học sinh tại trường đều có 18 tháng học tất cả các môn quan tâm liên quan trước khi bắt đầu chọn theo học một ngành. 

.
Bà Đàm Bích Thuỷ, Chủ tịch Fulbright chia sẻ tại Hội nghị Giáo dục do Forbes Việt Nam vừa tổ chức (Ảnh: HP).


 
"Chúng tôi đưa bài tập cho các em học lớp đầu tiên của khoá kỹ sư là đi ra ngoài tìm giải pháp, sản phẩm nào cho khách hàng ngoài thị trường như đối tượng là người già. Sau đó, bảo vệ quan điểm về giải pháp đó trước khi trường cho triển khai xây dựng sản phẩm”, bà Đàm Bích Thuỷ cho biết và đưa ra lời giải cho câu hỏi: Các học sinh học được gì trong quá trình đi ra ngoài và nói chuyện với khách hàng?
 
Ngoài việc tìm ra được hạ tầng thiết kế sản phẩm, điều Fulbright Việt Nam muốn xây dựng, là một học sinh ở tuổi 18, phải học, biết cách nói chuyện với người già dù cách biệt 50 tuổi hay học sinh lớp 5.
 
“Quá trình này cũng là cách xây dựng sự đồng cảm, lòng cảm thông biết nói chuyện với người có tuổi tác, hoàn cảnh khác mình”, bà Đàm Bích Thuỷ nói.
 
Là tổ chức không vì lợi nhuận như Fulbright Việt Nam có lợi thế không chịu sức ép của nhà đầu tư trong thanh khoản. Nhưng ngược lại, nhà trường phải luôn nỗ lực tìm kiếm các nguồn thiện nguyện, đóng góp xây dựng bảo vệ chất lượng đào tạo tại trường.
 
“Chúng tôi bảo vệ chất lượng quan trọng hơn so với tìm kiếm giải pháp nhanh đạt hoà vốn trong một thời gian ngắn. Ít nhất trong 4-5 năm đầu tiên, điều quan trọng nhất giữ sự sống còn lâu dài của nhà trường là duy trì chất lượng ở mức cao nhất”, Chủ tịch Fulbright Việt Nam chia sẻ. 

Tư nhân chạy đua đầu tư vào giáo dục và bài toán lợi nhuận
Khu vực tư nhân đang lấn sân vào khu vực giáo dục - đào tạo, chiếm lĩnh những địa hạt mà khu vực công không quan tâm hoặc không có lợi thế.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư