Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung: Sẽ trả lời từng kiến nghị của doanh nghiệp
Khánh An - 28/11/2016 16:12
 
Khoảng 400 doanh nghiệp đã đến Hội nghị Gặp mặt, đối thoại doanh nghiệp năm 2016 của Hà Nội sáng nay, 28/11, với tấm giấy mời được Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung ký trực tiếp. Ông Chung cũng là người trả lời gần như toàn bộ 52 vấn đề được doanh nghiệp kiến nghị tại Hội nghị.
.
Ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cam kết sẽ trả lời các kiến nghị của doanh nghiệp qua email, điện thoại...

"Chúng tôi sẽ lắng nghe, ghi nhận các ý kiến đóng góp. Các sở, ban ngành sẽ tiếp tục đối thoại bằng nhiều hình thức để xử lý kiến nghị của doanh nghiệp, sẽ phải tập hơn và trình các vấn đề vượt thẩm quyền để các kiến nghị của doanh nghiệp phải được xử lý và phản hồi”, ông Chung nói.

Trách nhiệm của các sở, ban, ngành cũng được người đứng đầu UBND TP.Hà Nội xác định công khai, đó là phải có kênh tiếp nhận ý kiến và xử lý các ý kiến của doanh nghiệp.

“Hà Nội sẽ công khai xếp hạng sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp với các sở, ban ngành, các quận, huyện, thị xã”, ông Chung nhấn mạnh trong lời bế mạc Hội nghị, trước các doanh nghiệp và các cơ quan của Hà Nội.

Có lẽ ông Chung đã cảm nhận được sự chờ đợi của các doanh nghiệp qua những ý kiến tại Hội nghị. 52 nhóm vấn đề, nhưng tập trung rất nhiều vào những khó khăn, phức tạp trong giải phóng mặt bằng, xử lý các vướng mắc phát sinh khi có thay đổi về quy hoạch sử dụng đất…, nếu không có sự phối hợp của các đơn vị có liên quan, việc xử lý dứt điểm không dễ.

Như trường hợp của Công ty cổ phần Dầu khí Đông Đô, tham gia đấu giá đất ở Huyện Từ Liêm, thắng thầu cùng với một số đối tác, đã nộp 400/660 tỷ đồng từ năm 2009 nhưng đến nay chưa ra được sản phẩm vì quy hoạch sử dụng đất thay đổi, không được xây dựng nhà cao tầng nữa.

“Chúng tôi đã vay tiền, đã nộp tiền nhưng đến giờ vẫn chưa có sản phẩm để bán”, đại diện  Dầu khí Đông Đô nói.

Công ty cổ phần Vĩnh Thiện cũng rơi vào tình trạng tương tự khi quy hoạch sử dụng đất của Hà Nội thay đổi khiến một phần diện tích của Dự án nằm trong vành đai xanh của Hà Nội, buộc phải điều chỉnh mặt bằng dự án, đã làm các thủ tục với Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội nhưng vẫn chưa xong.

“Chúng tôi còn bị ảnh hưởng vì Dự án đường 70 chậm nên dự án cũng chúng tôi không có đường vào, đề nghị xem xét gia hạn Dự án cho chúng tôi”, đại diện Vĩnh Thiện kiến nghị.

Thậm chí, Công ty cổ phần Khu công nghiệp Phú Mỹ còn bị vướng giải phóng mặt bằng, không có đường nước sạch phục vụ khu công nghiệp…

“Các vấn đề của doanh nghiệp sẽ phải giải quyết theo từng trường hợp. Có những ý kiến chưa được trả lời, chúng tôi đã chỉ đạo các đơn vị liên quan có ý kiến trong thời gian ngắn nhất. Mục tiêu của Hà Nội là năng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trên địa bàn, nhất là từ năm 2017, nên giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp sẽ được tập trung”, ông Chung nói.

Đặc biệt, ông cho biết, từ năm 2017, Tổ công tác đặc biệt về giải quyết các vấn đề của doanh nghiệp sẽ chính thức bắt đầu. Theo đó, chuyên viên của các sở, ban, ngành sẽ cùng ngồi tại bộ phần một cửa, tiếp nhận và giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp tại 1 vòng, thay vì phải đi lại nhiều lần.

Liên quan tới vướng mắc của doanh nghiẹp trong việc thực hiện các thủ tục liên thông, Hà Nội đang làm việc với các bộ, mới nhất là Bộ Y tế, để giảm bớt thời gian thẩm định, phê chuẩn tại các sở, các bộ.

"Hy vọng năm 2017, các thủ tục liên thông được rút ngắn. Tôi cũng sẵn sàng trả lời các kiến nghị, đề nghị làm việc của doanh nghiệp, kể cả qua thư điện tử, điện thoại, trong giờ và ngoài giờ làm việc", ông Chung cam kết.

Lãnh đạo TP.HCM, Hà Nội cam kết tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp
Tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp ngày 29/4, với sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, 4 Phó Thủ tướng cùng hàng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư