Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Chủ tịch Quốc hội tán thành đầu tư công cao tốc Bắc Nam, giai đoạn 2021 - 2025
Anh Minh - 29/11/2021 18:17
 
Nhiều đề xuất của Chính phủ về việc triển khai Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2021 – 2025 nhận được sự đồng thuận cao của Chủ tịch Quốc hội.

Văn phòng Chính phủ vừa có công văn số 8688/VPCP – CN gửi Bộ GTVT về việc thực hiện ý kiến của Chủ tịch Quốc hội về Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2021 – 2025.

Thi công cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.
Thi công cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết (Ảnh: Đào Trang).

Văn phòng Chính phủ vừa có công văn số 8688/VPCP – CN gửi Bộ GTVT về việc thực hiện ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ về Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2021 – 2025.

Tại công văn số 8688, Văn phòng Chính phủ cho biết là Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã giao Bộ GTVT khẩn trương thực hiện tiếp thu, giải trình ý kiến của Chủ tịch Quốc hội và các ủy ban của Quốc hội góp ý về Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 và hoàn thiện các văn bản để trình Quốc hội trước ngày 2/12/2021.

Trước đó, Tổng Thư ký Quốc hội đã Thông báo số 530/TB-TTKQH ngày 27/11/ 2021 về Kết luận của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại cuộc làm việc với Thường trực ủy ban Kinh tế của Quốc hội về Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025.

Thông báo số 530 cho biết là Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tán thành sự cần thiết đầu tư Dự án với những lý do đã nêu tại Tờ trình số 519/TTr-CP ngày 15/11/2021 của Chinh phủ nhằm cụ thể hóa Kết luận số 11 - KL/TW ngày 13/7/2021 của Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 - 2025 và Nghị quyết số 16/2021/QH15 ngày 27/7/2021 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, trong đó xác định “đến năm 2025, cơ bản hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông”.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT và cơ quan liên quan rà soát để hoàn thiện phương án thiết kế sơ bộ của Dự án, quy mô mặt cắt ngang, tiêu chuẩn kỹ thuật để lựa chọn phương án phù họp, hiệu quả, bảo đảm khả năng cân đối nguồn vốn giai đoạn 2021 - 2025. 

Chủ tịch đề nghị so sánh, làm rõ các phương án hướng tuyến để có cơ sở lựa chọn phương án hướng tuyến tối ưu. Đồng thời, bồ sung, làm rõ phương án lựa chọn công nghệ chính cho các dự án thành phần thuộc Dự án. Ngoài ra, trong giai đoạn triển khai cần rà soát, bổ sung các quy định về đánh giá tác động môi trường theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

Theo Chủ tịch Quốc hội, Dự án đóng vai trò rất quan trọng đối với việc phát triển đất nước trong giai đoạn sắp tới, tuy nhiên, việc giao cho các địa phương sẽ không phù họp vói quy định của Luật Giao thông đường bộ, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý tài sản công; không bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật và dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.

Đồng thời, đường cao tốc là công trình cấp đặc biệt với tiêu chuẩn cao đòi hỏi năng lực quản lý và triển khai dự án ở trình độ chuyên nghiệp, nhiều kinh nghiệm và đáp ứng yêu cầu dự án quan trọng quốc gia với hệ thống tiêu chuẩn thống nhất, tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông có yêu cầu cao trong việc khai thác đồng bộ cả tuyến, trong khi kinh nghiệm của các địa phương hiện nay rất hạn chế, lại đang phải tập trung cho công tác phòng, chống dịch, phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và quản lý, giải ngân vốn đầu tư công của địa phương, vì vậy, tất cả các cơ quan đều không đồng tình. Vì vậy, Chủ tịch Quốc hội đề nghị giao Bộ GTVT là đầu mối duy nhất tổ chức thực hiện đầu tư Dự án.

Ngoài ra, đối với công tác giải phóng mặt bằng của Dự án, đề nghị phân cấp triệt để cho các địa phương và phải có các giải pháp chỉ đạo, điều hành quyêt liệt để nâng cao công tác phối họp giữa các cơ quan thực hiện để bảo đảm được tiến độ giải phóng mặt bằng cho Dự án.

Trước đó, vào giữa tháng 11/2021, Chính phủ đã có tờ trình số 519/TTr –CP đề nghị Quốc hội thông qua Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2021 – 2025.

Một trong những điểm nhấn quan trọng nhất của Tờ trình số 519 là việc Chính phủ kiến nghị chia Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 dài 729 km, quy mô 4 làn xe bao gồm các đoạn Hà Tĩnh (Bãi Vọt) đến Quảng Trị (Cam Lộ); Quảng Ngãi đến Nha Trang (Khánh Hòa); từ Cần Thơ đến Cà Mau thành 12 dự án thành phần vận hành độc lập và triển khai theo hình thức đầu tư công.

Trên cơ sở tiến độ triển khai, sơ bộ nhu cầu vốn và giải ngân trong giai đoạn 2021 – 2025, Chính phủ kiến nghị bố trí cho Dự án khoảng 139.640 tỷ đồng (khoảng 95% tổng mức đầu tư), phần còn lại khoảng 7.350 tỷ đồng (khoảng 5% tổng mức đầu tư) chuyển tiếp bố trí giai đoạn 2026 - 2030.

Tại Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 29/2021/QH15 ngày 28/7/2021, Dự án được dự kiến bố trí khoảng 47.169 tỷ đồng. Như vậy trong giai đoạn 2021 – 2025, Dự án sẽ cần bổ sung khoảng 92.471 tỷ đồng.

Đối với phần vốn này, Chính phủ kiến nghị cân đối từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế và xã hội cũng được Chính phủ trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp chuyên đề Quốc hội khóa XV tháng 12/2021

Triển khai 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía đông theo hình thức đầu tư công
Chính phủ dặt mục tiêu cần phải tập trung nguồn lực đầu tư để sớm hoàn thành, bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả, công khai, minh...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư