Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 16 tháng 04 năm 2024,
Chưa có trong quy hoạch sử dụng đất, công trình điện mặt trời vẫn “mọc” lên
Nhiệt Băng - 30/09/2022 10:16
 
Dù chưa có trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, nhưng UBND huyện Đạ Tẻh, Lâm Đồng vẫn đồng ý cho thực hiện đăng ký biến động đất đai đối với công trinh điện mặt trời áp mái.

Thanh tra tỉnh Lâm Đồng vừa phát hiện một số sai phạm liên quan đến các công trình điện mặt trời xảy ra tại huyện Đạ Tẻh. Cụ thể, kế hoạch sử dụng đất năm 2020 của UBND huyện Đạ Tẻh không thể hiện chỉ tiêu chuyển mục đích sử dụng đất từ đất trồng cây hàng năm sang đất nông nghiệp khác đối với các công trình trang trại lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái.

Thế nhưng, không hiểu vì lý do gì, UBND huyện Đạ Tẻh đã có chủ trương đồng ý cho thực hiện đăng ký biến động đất đai từ đất nông nghiệp sang đất nông nghiệp khác tại các vị trí chưa có trong quy hoạch, kế hoạch mà chưa xin ý kiến hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn. Việc làm này, theo Thanh tra tỉnh Lâm Đồng là chưa phù hợp.

Đáng chú ý, tại huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng có đến 38 trạm biến áp, diện tích xây dựng từ 19 m2 đến 30 m2, được xây dựng trên đất nông nghiệp khác trong khi đất chưa được chuyển mục đích sang đất phi nông nghiệp. Vậy nhưng, việc này chưa được UBND huyện Đạ Tẻh và UBND các xã (nơi có các công trình điện mặt trời áp mái) kịp thời xử lý.

Theo Thanh tra tỉnh Lâm Đồng, trách nhiệm để xảy ra các tồn tại, hạn chế qua thanh tra công tác quản lý đầu tư xây dựng; quản lý, sử dụng đất có liên quan đến các công trình điện mặt trời trên địa bàn huyện thuộc về Chủ tịch UBND huyện Đạ Tẻh, Phó chủ tịch UBND huyện Đạ Tẻh (phụ trách lĩnh vực được phân công, nguyên Giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Đạ Tẻh trong việc thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất (nay là Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện); Trưởng Phòng kinh tế - Hạ tầng, Chủ tịch UBND các xã: An Nhơn, Triệu Hải, Đạ Lây, Mỹ Đức, Đạ Pal, Quốc Oai (những địa phương có công trình điện mặt trời áp mái trang trại); Trưởng Phòng tài chính và Kế hoạch huyện Đạ Tẻh; các chủ đầu tư được giao thực hiện các công trình, dự án và các nhà thầu tư vấn, xây dựng.

Qua thanh tra, Thanh tra tỉnh Lâm Đồng còn nhận thấy, UBND huyện Đạ Tẻh đã đề nghị các chủ đầu tư, UBND các xã, thị trấn, phòng, ban có liên quan khắc phục những tồn tại, thiếu sót và đề nghị các sở, ngành hướng dẫn trong việc quản lý hệ thống điện năng lượng mặt trời. Theo thống kê của Thanh tra tỉnh Lâm Đồng, diện tích đất của 41 công trình điện mặt trời áp mái trang trại đã được cập nhật vào hồ sơ địa chính để theo dõi, quản lý theo quy định, đồng thời lập thủ tục để bổ sung vào quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 - 2030.

Còn theo báo cáo số 67/BC-ĐLN của Đoàn kiểm tra liên ngành UBND huyện Đạ Tẻh vào ngày 17/6/2021 (do Trưởng Phòng Kinh tế và Hạ tầng, UBND huyện Đạ Tẻh là Trưởng đoàn), 20/43 đơn vị chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế xây dựng công trình theo quy định.

Trong đó, thuế do các chủ đầu tư thống nhất thực hiện việc kê khai, nộp thuế nhà nước là 12 đơn vị, 2 đơn vị phải xác định thuế xây dựng công trình tại Cục thuế tỉnh Lâm Đồng (chủ đầu tư hợp đồng với đơn vị thi công trong tỉnh để thi công xây dựng công trình), 06 đơn vị phải xác định thuế xây dựng công trình vãng lai (chủ đầu tư hợp đồng với đơn vị ngoài tỉnh để thi công xây dựng công trình); 14 công trình trang trại nông nghiệp chưa triển khai tổ chức sản xuất kinh doanh theo quy định; 12 công trình trang trại nông nghiệp đã triển khai nhưng chưa hoàn thành việc tổ chức sản xuất kinh doanh theo quy định.

Tại báo cáo trên, Đoàn kiểm tra liên ngành UBND huyện Đạ Tẻh cho rằng, một số đơn vị chưa triển khai tổ chức sản xuất kinh tế trang trại theo quy định, nhưng ngành điện đã thực hiện ký hợp đồng mua bán điện; một số đơn vị đã triển khai tổ chức sản xuất kinh tế trang trại nhưng còn hình thức, chưa đảm bảo đúng mục đích của kinh tế trang trại; các tấm quang điện có chứa thành phần có khả năng bắt cháy, nhưng chưa được các chủ đầu tư quan tâm đến việc trang bị hệ thống phòng cháy chữa cháy phù hợp (do mỗi hệ thống điện năng lượng mặt trời có công suất lắp đặt dưới 01MWp); trạm biến áp có diện tích nhỏ, được xây dựng trên đất nông nghiệp khác.

Mặt khác, Đoàn kiểm tra liên ngành UBND huyện Đa Tẻh thực nhận, việc đầu tư phát triển kinh tế trang trại kết hợp với đầu tư lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái công trình kinh tế trang trại là lĩnh vực mới, chưa có nhiều văn bản hướng dẫn, liên quan đến nhiều ngành nên khó khăn trong công tác quản lý.

Theo thống kê, đến ngày 17/6/2022, trên địa bàn huyện Đạ Tẻh hiện có 118 dự án điện mặt trời lắp trên mái nhà có quy mô công suất lắp đặt từ 1kWp đến 999kWp, tổng công suất lắp đặt 40.350kWp. Trong đó, điện mặt trời mái nhà công trình trang trại nông nghiệp có 43 dự án (quy mô công suất lắp đặt từ 150kWp đến 999kWp, tổng công suất lắp đặt là 38.826kWp); điện mặt trời mái nhà công trình chăn nuôi, nhà xưởng, nhà ở riêng lẻ có 75 dự án (quy mô công suất lắp đặt từ 01kWp đến 100kWp, tổng công suất lắp đặt 1.524kWp).

41 dự án điện mặt trời mái nhà trên các công trình trang trại nông nghiệp được các cá nhân đã nhận chuyển nhượng đất trồng cây lâu năm, đất trồng cây hàng năm khác, lập thủ tục chuyển mục đích sang đất nông nghiệp khác để xây dựng công trình kinh tế trang trại nông nghiệp có mái nhà.

Một số cá nhân mua đất xây dựng công trình kinh tế trang trại có mái, kết hợp đầu tư điện năng lượng mặt trời mái nhà, lập thủ tục chứng nhận tài sản gắn liền trên đất, sau đó chuyển nhượng cho các tổ chức khác (các đơn vị tại xã Quốc Oai, Đạ Pal).

Một số cá nhân mua đất xây dựng công trình kinh tế trang trại, sau đó cho tổ chức khác thuê mái công trình để đầu tư điện năng lượng mặt trời mái nhà, hoặc hợp tác đầu tư xây dựng công trình kinh tế trang trại, kết hợp đầu tư điện năng lượng mặt trời mái nhà.

Đáng chú ý, mái nhà của 43 công trình trang trại nông nghiệp được tận dụng lắp tấm pin quang điện để phát triển điện năng lượng mặt trời.

Theo quy định tại điểm k, khoản 2, Điều 89 Luật Xây dựng năm 2014, các công trình cấp IV xây dựng tại khu vực chưa có quy hoạch phát triển đô thị và quy hoạch chi tiết được miễn giấy phép xây dựng. Tuy nhiên, 14 công trình trang trại nông nghiệp được các tổ chức, cá nhân (chủ đầu tư) lập hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng theo điểm d, khoản 1 điều 3 thông tư 15/2016/TT-BXD của Bộ Xây dựng và 17 công trình trang trại nông nghiệp được chủ đầu tư lập thủ tục xin miễn cấp giấy phép xây dựng.

Theo kết quả kiểm tra của Đoàn kiểm tra liên ngành UBND huyện Đạ Tẻh tại báo cáo nêu trên, tất cả 41 công trình trang trại nông nghiệp được các tổ chức, cá nhân (chủ đầu tư) có thông báo khởi công kèm hồ sơ thiết kế gửi cho địa phương.

Cũng theo báo cáo số 67/BC-ĐLN của Đoàn kiểm tra liên ngành UBND huyện Đạ Tẻh vào ngày 17/6/2021, các chủ đầu tư đã lập tờ tự khai kinh tế trang trại có xác nhận của UBND xã, kèm phương án sản xuất kinh tế trang trại; 29/43 công trình trang trại nông nghiệp đã được các tổ chức, cá nhân triển khai tổ chức sản xuất kinh doanh kinh tế trang trại (12/29 công trình trang trại nông nghiệp đã triển khai nhưng chưa hoàn thành) theo Thông tư số 02/2020/TT-BNN&PTNT ngày 28/02/2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chủ yếu là trồng cây đinh lăng, nuôi gà và heo; 14 công trình trang trại nông nghiệp các tổ chức, cá nhân chưa triển khai tổ chức sản xuất kinh doanh theo quy định

Điện gió, điện mặt trời "chạy đua" ảnh hưởng thế nào đến an ninh năng lượng?
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về về dự thảo Kế hoạch giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư