Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Chứng khoán Australia mất 2% khi Fed "đóng băng" lãi suất đến năm 2022
Lê Quân - 11/06/2020 13:44
 
Sắc đỏ lấn át thị trường chứng khoán châu Á trong phiên giao dịch sáng 11/6 sau khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) khẳng định sẽ vẫn giữ lãi suất gần bằng 0 đến năm 2022.
chứng khoán Australia rớt điểm mạnh nhất khu vực trong phiên giao dịch sáng 11/6. Ảnh: AFP
Chứng khoán Australia rớt điểm mạnh nhất khu vực trong phiên giao dịch sáng 11/6. Ảnh: AFP

Chứng khoán Australia giảm sâu nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương với chỉ số S&P/ASX 200 mất 2,29%. Theo sau là chứng khoán Nhật Bản với chỉ số Nikkei 225 giảm 1,05% còn chỉ số Topix trượt 0,86%. Tại Hàn Quốc, chỉ số Kospi sụt giảm 0,45%.

Chỉ số Hang Seng của Hong Kong sáng nay vẫn giảm 0,61% dù thị trường đón tin tốt từ thương vụ niêm yết của Tập đoàn công nghệ internet NetEase (Trung Quốc). Cổ phiếu NetEase bật tăng 8% so với giá niêm yết khi chào sàn Hong Kong sáng nay.

Ngược sóng với khu vực, thị trường chứng khoán Trung Quốc đại lục khởi sắc với chỉ số Shanghai Composite nhích nhẹ 0,2% còn Shenzhen Component tăng 0,479%. Tính chung lại, chỉ số MSCI khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ngoại trừ Nhật bản) trượt 0,56%.

Nhà đầu tư hôm nay thận trọng ra quyết định sau tín hiệu lãi suất của Fed. Fed hôm 10/6 tuyên bố giữ nguyên lãi suất hiện hành, đồng thời khẳng định sẽ không tăng lãi suất đến năm 2022. Fed dự báo kinh tế Mỹ sẽ suy giảm 6,5% trong năm 2020, sau đó hồi phục và tăng trưởng 5% vào năm 2021.

“Chúng tôi cho rằng Fed sẽ giữ ổn định chính sách cho đến khi thị trường lao động Mỹ hồi phục trở lại”, Gareth Nicholson, Trưởng bộ phận doanh thu tại Ngân hàng Singapore nhận định. “Fed đang quan sát kỹ lưỡng nền kinh tế Mỹ, nhất là tỷ lệ thất nghiệp và tình hình sản xuất kinh doanh”, ông Nicholson nói thêm.

Các chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Commonwealth (Australia) bình luận quyết định mới đây của Ủy ban thị trường mở liên bang thuộc Fed cho thấy cơ quan này không thay đổi quan điểm đối với đồng đô la Mỹ. “Khi các bên tham gia thị trường nhận ra quan điểm của Ủy ban thị trường mở liên bang, đồng đô la Mỹ sẽ tiếp đà trượt giá trong sự tương quan với sức phục hồi của nền kinh tế thế giới”, các chuyên gia Ngân hàng Commonwealth dự báo.

Sau động thái của Fed, chỉ số đô la Mỹ so với các đồng tiền mạnh khác nhích nhẹ từ mức 96 thiết lập trước đó lên 96,054. Đồng yên Nhật Bản lên giá so với đô la Mỹ và giao dịch 106,97 JPY “ăn” 1 USD so với mức 109 JPY/USD trước đó, trong khi đô la Australia suy yếu và trao tay 1 AUD/0,6966 USD.

Chứng khoán Phố Wall đêm qua tiếp tục hứng chịu phiên giao dịch nhuốm đỏ. Chỉ số S&P 500 tiếp tục phiên mất điểm khi đóng cửa giảm 0,5% về 3.190,17 điểm, còn chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones mất 282,31 điểm, tương đương 1% và chốt phiên ở mức 26.989,99 điểm. Trái lại, Nasdaq Composite tăng 0,7% và lần đầu tiên đóng cửa trên mốc 10.000 điểm khi đạt 10.020,35 điểm.

Giá dầu trên thị trường châu Á sáng nay rớt mạnh. Giá dầu thô Brent giao kỳ hạn giảm 2,08% xuống 40,86 USD/thùng, còn dầu thô giao kỳ hạn của Mỹ trượt giá 2,5% còn 38,61 USD/thùng.

Vận mệnh thị trường chứng khoán EU trông vào đàm phán với Anh
Liên minh châu Âu (EU) chỉ quyết định cải cách các quy định giao dịch cổ phiếu khi xác định rõ liệu các sàn chứng khoán Anh sẽ có quyền truy cập...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư