Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Chứng khoán mùa “Sell in May”
Câu ngạn ngữ nổi tiếng “Sell in May and go away” (bán tháng 5 rồi đi chơi) mà hầu như nhà đầu tư chứng khoán nào cũng biết có vẻ đúng với thị trường chứng khoán thế giới hơn là với Việt Nam.
.
Trong 4 tháng đầu năm, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng hơn chục ngàn tỷ đồng, nhiều nhất trong lịch sử 20 năm của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Chứng khoán thời hậu dịch: Áp lực chốt lời?

Trong lịch sử thị trường chứng khoán nước ta, tỷ lệ tăng/giảm trong tháng 5 khá cân bằng. Tháng 5 năm nay diễn ra trong bối cảnh tạm gọi là “hậu dịch”, bởi cơ bản dịnh bệnh đã được kiểm soát, kinh tế mở cửa trở lại. Nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, cùng các thành phần kinh tế khác gần như ngay lập tức bắt tay vào kinh doanh để bù lại “kỳ nghỉ Tết” chắc là dài nhất thiên niên kỷ.

Dù tình hình còn dự báo nhiều khó khăn, nhưng rõ ràng, triển vọng đang dần tốt hơn khi hoạt động sản xuất - kinh doanh đang tấp nập trở lại, phố xá trở nên đông đúc, tiêu dùng hứa hẹn gia tăng mạnh mẽ và thị trường chứng khoán được hỗ trợ. Nhưng liệu tháng 5 này có hứa hẹn một tháng bùng nổ khi thị trường chứng khoán Việt Nam trong tháng 4 đã được Bloomberg xếp vào nhóm tăng mạnh nhất thế giới?

Nhìn lại, có thể thấy, trong tháng 4/2020, những tin tức xấu cả trong và ngoài nước vẫn tồn tại và kéo dài, các biện pháp cách ly xã hội được thực hiện, nhưng thị trường vẫn tăng như vũ bão (VN-Index tăng gần 150 điểm). Việc thị trường tăng điểm gần như không liên quan gì đến nền kinh tế.

Một điểm đáng lưu ý là, số lượng tài khoản chứng khoán mở mới từ các nhà đầu tư cá nhân trong nước trong tháng 3 đã lên tới mức lớn nhất 2 năm qua, trùng hợp với việc giá trị mua ròng lớn đến từ nhóm nhà đầu tư này. Ngoài ra, việc cách ly xã hội cũng giúp các hoạt động kiếm tiền online, trong đó hợp pháp nhất là chứng khoán, nhất là khi chứng khoán giảm sâu trong 3 tháng đầu năm, lực cầu bắt đáy tăng vọt.

Vậy câu hỏi đặt ra là, dù kinh tế có nhiều dấu hiệu tốt lên, song thị trường chứng khoán tháng 5 có gặp phải áp lực chốt lời khi đã tăng mạnh cả tháng qua?

Dòng tiền đang yếu dần

Dù triển vọng thị trường có vẻ đang tốt dần lên do kinh tế có dấu hiệu tích cực hơn, song dòng tiền trên thị trường đang yếu dần, thanh khoản giảm đi. Đặc biệt, trong các nhà đầu tư trên thị trường (nhà đầu tư cá nhân trong nước, nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư tổ chức trong nước, tự doanh công ty chứng khoán), ngoại trừ nhà đầu tư cá nhân là nhóm mua ròng duy nhất, tất cả các nhà đầu tư còn lại đều bán ròng.

Số liệu chỉ ra nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 14 tuần liên tiếp (nghĩa là ngay sau Tết), nhà đầu tư tổ chức cũng bán ròng 5 tuần liên tục. Bởi thế, lực đỡ duy nhất của thị trường trong giai đoạn tăng vừa qua chủ yếu là từ nhóm nhà đầu tư cá nhân.

Tuy vậy, nhà đầu tư cá nhân thường ít vốn, tâm lý cũng yếu hơn nhà đầu tư khác (vì tiền ít hơn) và thường thích đầu tư ngắn hạn, lướt sóng, đầu cơ nhiều hơn. Do đó, với mức tăng quá khủng trong tháng 4 của thị trường chứng khoán, khả năng sẽ gặp đợt chốt lãi, nếu các nhóm nhà đầu tư khác không thay đổi quan điểm của mình, vẫn duy trì bán ròng mạnh.

Nếu xu hướng trên không sớm dừng lại hoặc giảm đi, thì đây là điều đáng lo ngại, vì cho thấy, nhu cầu phòng thủ tăng cao, các tổ chức muốn chọn các tài sản an toàn như vàng, trái phiếu, thậm chí đơn giản chỉ là giữ tiền. Bởi đầu tư luôn phải mang lại tiền, nên dòng tiền co cụm phòng thủ đồng nghĩa họ muốn chờ đợi các cơ hội khác tốt hơn trong tương lai, hay còn dự báo thị trường chung tiêu cực và có thể mua cổ phiếu ở những vùng giá còn tốt hơn, đặc biệt nếu nhóm này toàn nhà đầu tư lớn.

Trong 4 tháng đầu năm, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng hơn chục ngàn tỷ đồng, nhiều nhất trong lịch sử 20 năm của thị trường chứng khoán nước ta. Dù lý do là gì đi nữa, như tái cơ cấu danh mục đầu tư, chuyển đổi sang kênh khác là trái phiếu hay vàng, rút vốn về, hay bị áp lực từ các nhà đầu tư của mình (nếu là quỹ đầu tư)…, thì rõ ràng, xu hướng tăng của thị trường chứng khoán thiếu sự bền vững, do những nhóm nhà đầu tư trên thường là những nhà đầu tư lâu dài.

Đây cũng là tình hình chung của thị trường thế giới, không chỉ riêng Việt Nam. Bloomberg đã dẫn số liệu dòng vốn hàng tuần từ Bank of America cho thấy, nhà đầu tư lớn, người giàu thế giới đang rất thích các tài sản an toàn và các quỹ tiền tệ. Theo đó, lượng tài sản đang được quản lý tại các quỹ này đã tăng lên hơn 4.500 tỷ USD từ mức dưới 3.000 tỷ USD chỉ mới 2 năm trước. Chỉ riêng 1 tuần giữa tháng 4, giới đầu tư đã chuyển 52,7 tỷ USD thành tiền mặt so với mức 14,1 tỷ USD đổ vào các quỹ trái phiếu và các quỹ cổ phiếu còn tệ hơn, chỉ nhận được 10,7 tỷ USD.

Số liệu trên cũng cho biết, nhà đầu tư tổ chức đang nắm giữ tiền mặt nhiều nhất kể từ cuộc tấn công khủng bố 11/9. Chỉ số USD Index đã tăng vượt hơn 100 điểm (tăng tới hơn 30% trong 9 năm qua) bất chấp việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tuyên bố nới lỏng tiền tệ không giới hạn cũng cho thấy, các tổ chức vẫn tích cực nắm giữ tiền để tạo thanh khoản.

Do đó, thị trường chứng khoán tháng 5 “lành ít dữ nhiều”, việc tăng điểm nữa có thể sẽ kích hoạt các nhà đầu tư lớn mạnh tay bán ra nhiều hơn, vì khó có lý nào họ đã bán ở giá thấp mà nay đi mua lại giá cao, nhất là số lượng chứng khoán mà họ nắm giữ trong nước vẫn còn rất lớn.

Song dù thế nào đi nữa thì cơ hội cho nhà đầu tư vẫn luôn luôn có, như nhà đầu tư nước ngoài bán ròng mạnh trên thị trường cơ sở, nhưng lại mua ròng trên thị trường chứng khoán phái sinh và thị trường này có những tháng giao dịch sôi động nhất kể từ khi thành lập tới giờ, do có thể kinh doanh cả 2 chiều nên giá lên xuống. Nhà đầu tư vẫn kiếm được lợi nhuận nếu có khả năng dự báo tốt.

Bên cạnh đó, ngay trên thị trường chứng khoán cơ sở, dòng tiền vẫn luôn nhịp nhàng ở các ngành và nhà đầu tư vẫn có thể nắm bắt cơ hội của mình. Ví như 3 tháng đầu năm, nhóm PNs (cổ phiếu có thị giá và mức vốn hóa thấp, thanh khoản kém) nổi sóng khi thị trường chung giảm và sụt giảm trở lại vào tháng 4 khi các cổ phiếu bluechip tăng điểm dữ dội.

Nhà đầu tư mạnh tay giải ngân, thị trường chứng khoán thu hẹp đà giảm
Phiên giao dịch hôm nay, lực bán tăng mạnh ngay khi mở cửa thị trường và có thời điểm chỉ số VN-Index giảm hơn 6 điểm nhưng đến cuối phiên...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư