Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Chứng khoán tăng nhờ yếu tố ngoại
Việc công bố Dự thảo sửa đổi Nghị định 58/2012/NĐ-CP với quy định nới room cho nhà đầu tư nước ngoài khiến thị trường tăng mạnh, chủ yếu là do các nhà đầu tư nước ngoài.

Tại thời điểm tháng 4/2015, Công ty Chứng khoán VPBank dự đoán, chỉ số VN-Index sẽ kết thúc quý II/2015 ở mức giữa 620 và 640 điểm.  Điều này xảy ra trễ một tuần so với mục tiêu của Công ty. Các chỉ số kết thúc quý II chỉ ở mức 593, nhưng tăng lên tới 625 vào ngày 6/7.

Trong 6 tuần đầu tiên của quý II, cả 2 chỉ số VN-Index và HNX-Index đều kém sôi nổi. Mặc dù VN-Index đã tăng từ 539 ngày 1/4 lên 568 vào ngày 16/4, nhưng sau đó đã giảm dần đến mức thấp 529 vào ngày 18/5. Chỉ số HNX-Index ghi nhận hoạt động tương tự.

.
Trong một năm qua, cổ phiếu tiêu dùng và công nghệ luôn tăng trưởng mạnh nhất trên thị trường chứng khoán

 

Mặc dù các thông tin vĩ mô nhìn chung là tích cực trong thời gian này, song tâm lý thị trường vẫn khá uể oải. Thị trường giao dịch thấp hơn rất nhiều so với những gì được coi là giá trị hợp lý của nó, nhưng dường như không có bất kỳ tác nhân nào để đẩy giá cổ phiếu lên. Mức 600 là một ngưỡng cản khó khăn đối với VN-Index để vượt qua.

Sau đó, ngày 19/5, những tin đồn bắt đầu rộ lên rằng, Chính phủ sẽ nới lỏng giới hạn sở hữu nước ngoài tại các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Những tin đồn như vậy đã xuất hiện từ trước, nhưng lần này dường như là đáng tin cậy hơn cả. Và sự thật đã diễn ra đúng như vậy với việc công bố Dự thảo sửa đổi Nghị định 58/2012/NĐ-CP. Điều này khiến cho thị trường tăng mạnh, chủ yếu là do các nhà đầu tư nước ngoài.

Trên sàn HOSE, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 3 tháng liên tục trong quý II. Trên thực tế, các nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 5 trong số 6 tháng đầu năm và bán ròng chỉ trong tháng 3, với tổng giá trị mua ròng hơn 4,318 tỷ đồng. Nhưng khối lượng mua của họ tăng đáng kể trong quý II, tăng từ 252 tỷ đồng trong quý đầu tiên lên tới 4.066 tỷ đồng.

Trên sàn HNX, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng trong quý đầu tiên, nhưng đã trở lại mua ròng trong quý II. Tổng giá trị mua ròng của nửa đầu năm đạt 694 tỷ đồng. Đáng chú ý là, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng tại tất cả các phiên giao dịch trong tháng 6.

Những tin tức về Nghị định 58 làm cho tâm lý thị trường trở nên tích cực hơn trong tháng 6. Các quỹ hoán đổi danh mục (ETFs) của Việt Nam (FTSE và VNM) thực hiện những giao dịch, nhằm tái cơ cấu danh mục đầu tư của họ, thu hút dòng vốn chảy vào thị trường Việt Nam. Ngoài ra, tin tức cập nhật về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã dẫn đến sự lạc quan cho rằng, các thỏa thuận thương mại sẽ được ký kết sớm.

Thị trường Việt Nam cũng có thể được hưởng lợi phần nào từ những khó khăn của các quốc gia khác. Kinh tế ảm đạm và biến động ở các quốc gia khác giúp Việt Nam có vẻ ổn định và hấp dẫn hơn khi đem ra so sánh.

Thị trường chứng khoán Trung Quốc chứng kiến mức tăng trưởng “bong bóng” trong năm qua. Tính đến giữa tháng 6 năm 2015, chỉ số Shanghai Composite và Shenzhen Composite Index đều đạt đỉnh, tăng tương ứng 2,5 và 2,9 lần, nhưng tiềm ẩn nguy cơ sụp đổ do tỷ trọng lớn các nhà đầu tư nhỏ lẻ tham gia thị trường, mức độ đòn bẩy tài chính cao và tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng với sự phát tăng trưởng của thị trường.

Tại châu Âu, cuộc khủng hoảng nợ Hy Lạp và nguy cơ Hy Lạp rời khỏi Eurozone khiến các thị trường này có vẻ kém ổn định hơn so với thị trường châu Á mới nổi. Nhiều nhà đầu tư quốc tế giảm lượng vốn phân bổ của họ tại các thị trường châu Âu và chuyển hướng các khoản đầu tư này vào Việt Nam.

Việc thị trường chứng khoán Việt Nam tăng mạnh trong tháng 6 trái ngược với diễn biến tương đối yếu của các thị trường láng giềng như Thái Lan, Indonesia và Philippines trong cùng thời kỳ. Điều đó cho thấy, yếu tố trong nước lớn hơn yếu tố tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Do giá cả hàng hóa tiếp tục ở mức thấp, nên không có gì bất ngờ khi cổ phiếu năng lượng và vật liệu cơ bản nằm trong danh sách cổ phiếu tăng giá chậm nhất trong vòng 12 tháng qua. Tuy nhiên, cổ phiếu năng lượng tăng trưởng khá tốt từ ngày 18/5.

Ngành tài chính, theo cách phân loại của HSX, gồm ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán và cả các công ty bất động sản. Mặc dù từ tháng 7 năm ngoái đến ngày 18/5 năm nay, mức tăng của ngành này không mấy khả quan, nhưng đã được cải thiện đáng kể sau đó. Nghị định 58 sửa đổi đã tác động không nhỏ đến các công ty chứng khoán.

Ngoài ra, tâm lý thị trường lạc quan đã thúc đẩy mạnh mẽ ngành ngân hàng. Các công ty bảo hiểm cũng được hưởng lợi lớn từ sự gia tăng của đầu tư nước ngoài. Trong 5 cổ phiếu tăng giá nhiều nhất trên HOSE và 5 cổ phiếu trên HNX trong quý qua, thì có một nửa thuộc ngành này: BVH và BIC thuộc lĩnh vực bảo hiểm; VCB và ACB thuộc ngân hàng và VND thuộc chứng khoán.

Trong 12 tháng qua, cổ phiếu tiêu dùng và công nghệ luôn tăng trưởng mạnh nhất. Hai cổ phiếu công nghệ lớn nhất thuộc về các công ty hoạt động trong lĩnh vực tiêu dùng (FPT có khoảng 60% doanh thu đến từ hoạt động bán lẻ và MWG là một nhà bán lẻ thiết bị điện tử). Tăng trưởng doanh số bán lẻ mạnh mẽ và tình hình kinh tế vĩ mô ổn định tạo điều kiện thuận lợi cho các ngành này phát triển.

Công nghiệp cũng tăng trưởng tốt kể từ ngày 18/5. Cổ phiếu này được hưởng lợi từ số liệu tăng trưởng GDP và thông tin về các hiệp định thương mại tự do sẽ tạo thêm cơ hội cho tăng trưởng.

Vốn ngoại hướng vào chứng khoán, bất động sản
Giám đốc điều hành Tập đoàn VinaCapital, ông Andy Ho cho rằng, xu hướng lãi suất tiết kiệm giảm, việc mở room với nhà đầu tư nước ngoài và...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư