Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 05 tháng 05 năm 2024,
Chuyển đổi số giúp nông sản Việt vươn xa
Phương Linh - 05/09/2023 16:09
 
Hiện nay, nhiều hộ nông dân đã bắt đầu tiếp cận chuyển đổi số trong nông nghiệp, nhiều sản phẩm nông sản đã được đưa lên sàn thương mại điện tử, thậm chí nhiều địa phương còn mời người nổi tiếng để livestream bán hàng qua mạng.

Tạo “bệ phóng” đưa nông sản Việt vươn xa

Chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp mang lại nhiều lợi ích to lớn cho người dân. Trước đó, họ phải bỏ ra nhiều thời gian và công sức để tiếp cận thị trường và tìm kiếm khách hàng. Nhưng giờ đây, nhờ vào các sàn thương mại điện tử, người dân đã có thể dễ dàng giới thiệu và quảng cáo sản phẩm của mình trực tiếp tới người tiêu dùng thông qua các video trực tiếp trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Instagram hay TikTok.

Song song với đó, các hộ nông dân có thể trò chuyện trực tiếp với khách hàng trong quá trình livestream, để trả lời các câu hỏi, cung cấp thông tin chi tiết về sản phẩm và dịch vụ, và giải đáp mọi thắc mắc của khách hàng.

Đồng thời, việc bán hàng trực tuyến qua các sàn thương mại điện tử giúp các hộ nông dân có thể giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng trên khắp mọi miền đất nước, mở ra cơ hội mới để tiếp cận thị trường quốc tế và tăng doanh thu. Đây là cách mà nhiều tỉnh, thành đã và đang thực hiện nhằm đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2021 - 2025.

Theo kết quả tổng hợp báo cáo từ các địa phương cho thấy, hiện tại đã có tổng cộng 7.637 sản phẩm OCOP được lên sàn, số giao dịch qua các sàn thương mại điện tử đạt gần 1 triệu giao dịch, với tổng giá trị đạt 217,1 tỷ đồng. Giá trị 1 giao dịch/sản phẩm khoảng 220.000 đồng/giao dịch/sản phẩm. Điển hình phải kể đến Bắc Giang, thủ phủ của vải thiều. Vải thiều Bắc Giang năm nay ước đạt sản lượng 180.000 tấn.

Nông dân livestream bán vải tại tỉnh Bắc Giang.

Tại thời điểm cuối tháng 6, tỉnh Bắc Giang đã tiêu thụ được hơn 150.000 tấn, trong đó xuất khẩu 84.000 tấn, thị trường trong nước tiêu thụ 66.000 tấn. Giá vải thiều trung bình từ 10.000 - 30.000 đồng/kg. Có được thành quả này, bà con nông dân đã tích cực livestream trên các nền tảng mạng xã hội như Tiktok, Facebook,... tại vườn và chốt đơn hàng.

Không chỉ vải thiều, nhiều mặt hàng nông sản khác tại Bắc Giang như dưa lê, khoai sọ, lạc cũng được bà con nông dân đưa lên sàn. Anh Nguyễn Hoàng Long (huyện Lục Ngạn, Bắc Giang) cho biết: “Chúng tôi bán đủ thứ trên Facebook, mùa nào thức ấy từ dưa lê, lạc, khoai sọ, vải thiều... Mới đây tôi bán được gần 1 tạ vải thiều và gần 50kg khoai sọ qua Facebook.”

Chia sẻ về kinh nghiệm đưa các hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn, ông Nguyễn Gia Phong, Phó giám đốc Sở Thông tin và truyền thông tỉnh Bắc Giang cho hay, thời gian qua địa phương đã đưa thành công 132 sản phẩm OCOP lên các sàn thương mại điện tử.

Cũng áp dụng bán hàng bằng hình thức livestream, ngày 19/8 huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn đã mời nghệ sĩ Quang Tèo cùng các streamer tổ chức livestream trực tuyến để bán na và đấu giá na, buổi livestream đã thu hút hàng triệu lượt xem. 

Sau 3 phiên đấu giá trên sàn thương mại điện tử, 8 quả na đã được đặt mua với tổng số tiền 770 triệu đồng. Trong đó, quả na được chốt giá thấp nhất là 20 triệu đồng và giá cao nhất lên tới 220 triệu đồng. 

Hỗ trợ người dân đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử

Trong quá trình đưa sản phẩm nông sản lên các sàn thương mại điện tử, nhiều địa phương vẫn gặp khó khăn, nhất là trong việc triển khai đào tạo, nâng cao kỹ năng số cho người dân. 

Bởi đa số các đối tượng đào tạo là nông dân, trình độ công nghệ thông tin hạn chế, do vậy bà con còn gặp nhiều khó khăn trong thao tác, triển khai ứng dụng công nghệ thông tin vào thực tế.

Do đó, cần có những giải pháp nhằm hỗ trợ người dân trong việc đưa sản phẩm nông sản lên sàn thương mại điện tử. Một trong những giải pháp quan trọng là xây dựng một hệ thống quản lý chất lượng nông sản. Điều này đảm bảo rằng sản phẩm được đưa ra thị trường thương mại điện tử đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng và an toàn thực phẩm. 

Tiếp đó, cần xây dựng một hệ thống vận hành hiệu quả để đảm bảo sản phẩm nông sản được chuyển giao nhanh chóng và an toàn từ nơi sản xuất đến điểm bán hàng trực tuyến. Điều này đòi hỏi sự đầu tư vào các hệ thống quản lý vận hành thông minh nhằm giảm thiểu thời gian và chi phí vận hành.

Ngoài ra, cần cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và tư vấn cho người dân về việc sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông để quảng bá và tiếp thị sản phẩm nông sản trên sàn thương mại điện tử. Bao gồm việc cung cấp các khóa đào tạo, hướng dẫn sử dụng các công cụ tiếp thị trực tuyến trên mạng xã hội, cũng như việc xây dựng một hệ thống hỗ trợ trực tuyến để giải quyết các câu hỏi và vấn đề kỹ thuật.

Cuối cùng, cần xây dựng một hệ thống thanh toán an toàn và tiện lợi để người dân có thể thực hiện giao dịch mua bán trên sàn thương mại điện tử. Việc này cần có sự hỗ trợ từ các công ty thanh toán và ngân hàng để cung cấp các dịch vụ thanh toán trực tuyến và bảo mật thông tin cá nhân của người dùng.

Đưa 1.000 câu chuyện sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử để chinh phục khách hàng
TP.HCM đang tiến tới xây dựng chương trình 1.000 câu chuyện sản phẩm OCOP để giúp mọi người hiểu sản phẩm hơn cũng như nắm bắt nhu cầu tiêu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư