Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Chuyển đổi số, ngân hàng có thể đổi ngôi
T.L - 21/11/2019 21:26
 
Nếu số hóa thành công, một ngân hàng đang ở top 10 có thể vươn lên top 1 trong thời gian ngắn. Chuyển đổi số vì thế là cơ hội, song cũng là áp lực rất lớn với các ngân hàng.

Ngân hàng số - vì sao vẫn khó

Chia sẻ tại Hội thảo “Khởi động thông minh trong hành trình số hoá ngân hàng” trong khuôn khổ FPT Techday 2019 diễn ra hôm nay (21/11), ông Dương Dũng Triều, Chủ tịch HĐTV FPT IS cho hay, hiện nay, các ngân hàng Việt Nam đa số vẫn là các ngân hàng truyền thống, hoạt động chủ yếu dựa vào hệ thống chi nhánh vật lý, chủ yếu mới số hóa các quy trình nội bộ.

a
Ông Dương Dũng Triều, Chủ tịch HĐTV FPT IS

Đặt câu hỏi “Liệu ngân hàng có thể cấp tín dụng cho cá nhân trong vòng 1 ngày làm việc?” gửi tới lãnh đạo một loạt ngân hàng lớn trong nước, Chủ tịch FPT IS nhận được câu trả lời là: không.

Dù có nhiều chuyển động, song chuyển đổi số của hệ thống ngân hàng Việt vẫn còn khá chậm. Tại nhiều nhà băng, quy trình cấp tín dụng cho phải trải qua hàng chục bước. Trong khi đó, với một số mô hình ngân hàng số trên thế giới, việc cấp tín dụng chỉ còn tính theo số phút.

Ông Alex Kling, Giám đốc phụ trách Digital cho Dịch vụ tài chính Khu vực ASEAN của EY cho biết, ngày càng nhiều ngân hàng trên thế giới chuyển sang mô hình ngân hàng số.

Tại Việt Nam, theo phân tích của ông Triều, triển khai ngân hàng số chậm phát triển do gặp một số khó khăn. Thứ nhất là rào cản pháp lý: Mặc dù Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ ủng hộ, song việc kiểm soát rủi ro vẫn đang là vấn đề khiến cơ quan này lo lắng. Thứ hai, nhận thức của lãnh đạo các ngân hàng về vấn đề đầu tư cho ngân hàng số vẫn chưa thông suốt, nhiều lãnh đạo vẫn băn khoăn vì đầu tư vào ngân hàng số nhưng lợi nhuận chưa tương xứng. Thứ ba, công nghệ của các ngân hàng vẫn chưa hoàn thiện, chắp vá.  

Là công ty công nghệ đã triển khai thành công chuyển đổi số cho 1 số ngân hàng trên thế giới như Nhật Bản, Mỹ, FPT đang rất muốn hỗ trợ cho các ngân hàng Việt Nam chuyển đổi số. 

Theo ông Triều, chuyển đổi số sẽ giúp ngân hàng gia tăng trải nghiệm khách hàng dựa trên phân tích dữ liệu, hành vi của khách hàng để đưa ra các dịch vụ, chiến lược marketing phù hợp hoặc chương trình chăm sóc khách hàng thân thiết. Đồng thời, chuyển đổi số cũng giúp ngân hàng điều hành kinh doanh hiệu quả hơn, tiết giảm chi phí, tăng lợi nhuận.

Về phía ngân hàng Việt, ông Phùng Duy Khương, Phó tổng giám VPBank cũng khẳng định, lợi ích của ngân hàng số là rất lớn.

“Đầu năm, khi làm kế hoạch, Ban lãnh đạo ngân hàng đặt ra yêu cầu tăng năng suất lao động 30-40%, quy trình cắt giảm từ 18 bước còn 5 bước. Nếu theo mô hình ngân hàng truyền thống, việc cải thiện năng suất lao động 30-40% hàng năm là rất khó, vì không thể cắt giảm mãi được. Tuy nhiên, nếu áp dụng số hóa, thay đổi luật chơi, năng suất lao động có thể cải thiện tới 100% chứ không chỉ 30-40%, quy trình cũng chỉ có thể rút ngắn còn 1 bước chứ không chỉ là 5 bước, qua đó tăng doanh thu, giảm chi phí mà vẫn có thể kiểm soát rủi ro”.

Cơ hội đổi ngôi và áp lực với các ngân hàng

Đánh giá cao hiệu quả của chuyển đổi số ngân hàng, ông Khương cũng cho rằng, một trong những rủi ro nhất của các nhà băng thời số hóa là ngôi vị có thể dễ dàng bị hoán đổi. “Có những ngân hàng hiện nay trong top 10, nhưng với công nghệ, chỉ trong thời gian ngắn, họ có thể nhanh chóng leo lên top 1”, ông Khương nói.

Tuy vậy, trước mắt, bài toán lấy ngắn nuôi dài như thế nào để đảm bảo duy trì lợi nhuận hàng năm nhưng vẫn có ngân sách đầu tư cho ngân hàng số, thuyết phục toàn thể lãnh đạo nhà băng đầu tư cho ngân hàng số đang là vấn đề mà nhiều lãnh đạo ngân hàng phải đối mặt. 

a
Đại diện EY, FPT và lãnh đạo các ngân hàng thảo luận về chuyển đổi số ngân hàng

 Ông Nguyễn Minh Tâm, Phó Tổng giám đốc TMCP Sài Gòn Thương Tín cho hay, chuyển đổi số vô cùng áp lực nhưng cũng rất lý thú. “Số hóa hoạt động kinh doanh không chỉ phía ngoài mà cả phải từ bên trong.  Như tại Sacombank, chỉ riêng thay hóa đơn giấy thành hóa đơn điện tử, mỗi năm chúng tôi có thể tiết kiệm 10 tỷ đồng. Tuy nhiên, chuyển đổi số đòi hỏi có sự đồng lòng thì mới đạt được hiệu quả cao nhất”.

Nói về sự đồng lòng, lãnh đạo nhiều ngân hàng chia sẻ, hiện nay, bản thân bộ phận công nghệ và bộ phận kinh doanh nhiều ngân hàng vẫn chưa “khớp” với nhau, đổ lỗi cho nhau về sản phẩm không bán được. Phía công nghệ trách bộ phận kinh doanh chưa am hiểu để tư vấn cho khách hàng, còn bộ phận kinh doanh lại đổ lỗi cho công nghệ chưa “mượt”. Vì vậy, lãnh đạo các nhà băng phải phối hợp được nhuần nhuyễn giữa hai bộ phận để đạt kết quả cao nhất.

Chia sẻ kinh nghiệm điều phối, ông Huỳnh Bửu Quang, Tổng giám đốc MSB cho biết, tại MSB, kinh doanh và công nghệ không tách rời. Sản phẩm đưa ra hai bên đều phải thống nhất và đều phải chịu trách nhiệm chung về bán sản phẩm.

Lãnh đạo nhiều nhà băng cũng thừa nhận, áp lực chuyển đổi số là rất lớn, nhất là trong việc gia tăng trải nghiệm, gia tăng hài lòng của khách hàng. Đơn cử, với mô hình truyền thống, nếu chậm phục vụ, nhân viên ngân hàng có thể xin lỗi khách hàng, mời bánh, mời trà, song với ngân hàng số, chỉ chậm 10 giây là khách hàng đã thoát khỏi ứng dụng. Do đó, chuyển đổi số đòi hỏi các ngân hàng phải động não thường xuyên, liên tục sáng tạo, đổi mới để giữ chân khách hàng.

Ngân hàng: Chuyển đổi số hay là chết
Câu chuyện chuyển đổi số được lãnh đạo nhiều ngân hàng thương mại chia sẻ chiều nay (2/10) tại một hội thảo về ngân hàng số. Hiện nay,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư