Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 25 tháng 11 năm 2024,
Cơ chế mới “hút” nhà đầu tư vào Dự án cầu đường Bình Tiên
Lê Quân - 21/02/2024 09:36
 
Dự án Đầu tư cầu đường Bình Tiên theo hình thức hợp tác công - tư tại TP.HCM thực hiện theo cơ chế của Nghị quyết 98/2023/QH15 đang thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia.

Sau khi TP.HCM đưa Dự án cầu đường Bình Tiên vào danh mục dự án triển khai theo cơ chế mới của Nghị quyết 98/2023/QH15, chỉ trong 6 tháng cuối năm 2023, nhiều liên danh nhà đầu tư đã gửi văn bản đến chính quyền Thành phố đề xuất được nghiên cứu dự án. Tecco 1 - Vĩnh Hưng - Hòa Bình Star là liên doanh mới nhất gửi văn bản đến UBND TP.HCM đề xuất đầu tư Dự án theo hình thức đối tác công - tư loại hợp đồng BOT.

Dự án cầu đường Bình Tiên cũng được Tổng công ty Xây dựng số 1 (CC1) theo đuổi và đề xuất làm dự án từ trước đó. Trong văn bản gửi UBND TP.HCM vào tháng 7/2023, CC1 nhận định, Nghị quyết 98/2023/QH15 đưa ra những chính sách tạo sự đột phá để giải quyết các khó khăn trong triển khai Dự án. “Hiện tại, CC1 vẫn đặc biệt quan tâm và mong muốn được thực hiện nghiên cứu tiền khả thi dự án”, CC1 nêu trong văn bản gửi UBND TP.HCM.

Trong văn bản gửi nhà đầu tư vào cuối năm 2023, Sở Giao thông -Vận tải TP.HCM cho biết, Sở được giao nhiệm vụ lập và trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi 5 dự án BOT thực hiện theo Nghị quyết 98/2023/QH15, trong đó có Dự án cầu đường Bình Tiên. Theo quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư, Dự án sẽ phải đấu thầu rộng rãi để lựa chọn nhà đầu tư, đảm bảo tính khả thi và phù hợp quy định pháp luật hiện hành.

Dự án cầu đường Bình Tiên được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho TP.HCM quyết định hình thức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án từ năm 2010. Đến năm 2011, UBND TP.HCM phê duyệt Dự án đầu tư theo hình thức BT, với tổng mức đầu tư 2.382 tỷ đồng. Ban đầu, TP.HCM lên kế hoạch khởi công Dự án vào năm 2011, hoàn thành năm 2014.

Dự án bị ách tắc từ đó đến nay do không bố trí được quỹ đất thanh toán và do quy định của pháp luật thay đổi. Năm 2023, nhiều đại biểu HĐND TP.HCM đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu đưa Dự án vào danh mục bố trí vốn đầu tư công để sớm khởi công.

Theo phương án mới, Dự án cầu đường Bình Tiên có chiều dài 3,2 km, điểm đầu tuyến tại nút giao đường Bình Tiên với đường Phạm Văn Chí hiện hữu, thuộc địa bàn quận 6 (TP.HCM); điểm cuối tại nút giao với đường Nguyễn Văn Linh thuộc huyện Bình Chánh. Dự án có tổng vốn đầu tư 6.218 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước tham gia 54% và doanh nghiệp tham gia 46%. 

Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM cho biết, Dự án cầu đường Bình Tiên thuộc danh mục dự án hạ tầng ưu tiên đầu tư giai đoạn 2021-2030 của Thành phố. Hiện nay, các cây cầu và tuyến đường kết nối từ quận 6 và trung tâm Thành phố với Khu đô thị Nam Sài Gòn (quận 8, huyện Bình Chánh) đã quá tải, thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông.

Việc sớm đầu tư Dự án cầu đường Bình Tiên là cần thiết khi các dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, đường Vành đai 3 và dự án mở rộng Quốc lộ 50 hoàn thành năm 2025, đáp ứng nhu cầu kết nối từ trung tâm TP.HCM với quận 8, huyện Bình Chánh và khu đô thị phía Nam, liên kết giữa TP.HCM với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long qua tuyến Quốc lộ 50 mới mở rộng (dự kiến hoàn thành năm 2025).

Theo kế hoạch năm 2024, Sở Giao thông - Vận tải lập báo cáo nghiên cứu khả thi và khảo sát sự quan tâm của nhà đầu tư vào quý IV. Việc lựa chọn nhà đầu tư sẽ được thực hiện vào quý III/2025, khởi công xây dựng vào quý IV/2025 hoặc quý I/2026. Dự kiến, cầu đường Bình Tiên sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác từ năm 2027 đến 2028.

TP.HCM không làm dự án cầu, đường Bình Tiên theo hình thức BT
UBND TP.HCM quyết định dừng thực hiện dự án cầu, đường Bình Tiên theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) để chuyển sang hình thức đầu tư...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư