Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Cổ đông chiến lược của Vinalines là ai?
Anh Minh - 30/03/2015 06:58
 
Việc Bộ Giao thông - Vận tải không giữ chi phối sẽ giúp phương án cổ phần hóa (CPH) của Vinalines trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Hàng loạt đại gia muốn làm cổ đông chiến lược Cảng Sài Gòn
Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước: Sức hút từ đất vàng
Trước IPO, Vietnam Airlines lãi trăm tỷ tạo đà
Sasco nhắm cổ đông là "họ hàng" nhà Jonathan Hạnh Nguyễn
Phạm Đình Nguyên bắt tay Trần Lệ Nguyên: Liệu có còn nguyên?

Rộng cửa cho nhà đầu tư nước ngoài

Theo nguồn tin mà phóng viên Báo Đầu tư có được, cuối tuần trước, Hội đồng Thành viên Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) đã trình Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) phê duyệt phương án cổ phần hóa và chuyển Công ty mẹ thành công ty cổ phần. Đây là phương án đã được chỉnh sửa theo góp ý của lãnh đạo Bộ GTVT và đại diện các bộ, ngành liên quan tại cuộc họp được tổ chức vào giữa tháng 3/2015.

Cổ đông chiến lược của Vinalines là ai?
Nhà nước có khả năng chỉ nắm 36% vốn điều lệ tại Vinalines và bán hơn 270 triệu cổ phần (tương đương 30% vốn điều lệ) cho nhà đầu tư chiến lược. Ảnh: Lê Toàn

Điểm nhấn lớn nhất của phương án CPH này chính là việc Nhà nước sẽ chỉ nắm tối đa 36% vốn điều lệ tại Vinalines và mở rộng cánh cửa sở hữu doanh nghiệp vận tải biển lớn nhất Việt Nam cho các nhà đầu tư nước ngoài. Mức thoái vốn này được đánh giá là “sâu” nhất trong số các tổng công ty 91 đã và đang lên phương án CPH hiện nay.

Cụ thể, trong cơ cấu vốn điều lệ của Công ty mẹ - Công ty cổ phần Vinalines dự kiến lên tới 9.300 tỷ đồng, Nhà nước chỉ nắm 334,8 triệu cổ phần (mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần), tương đương 36% vốn điều lệ; cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược là 279 triệu cổ phần, tương đương 30% vốn điều lệ. Riêng cổ phần bán ưu đãi cho cán bộ, công nhân viên là hơn 1,8 triệu cổ phần, tương đương 0,19% vốn điều lệ; cổ phần bán ưu đãi cho tổ chức công đoàn là 0,5 triệu cổ phần, tương đương 0,05% vốn điều lệ; cổ phần bán ra bên ngoài là 313.898.200 cổ phần, tương đương 33,75%.

Hiện chưa rõ lý do tại sao Vinalines chọn quy mô vốn điều lệ như vậy, bởi tính đến cuối tháng 12/2014, tổng công ty này đã có vốn điều lệ 10.693 tỷ đồng, bao gồm 1.100 tỷ đồng mới được chủ sở hữu cấp bổ sung năm 2013.

Đáng lưu ý là, trong số lượng cổ phần bán ra bên ngoài, chỉ có khoảng 280,2 triệu cổ phần sẽ được thực hiện qua bán đấu giá công khai. Phần còn lại (khoảng 33,621 triệu cổ phần, tương đương 336,2 tỷ đồng theo mệnh giá) sẽ được bán cho các nhà đầu tư là chủ nợ chấp nhận chuyển nợ thành vốn góp.

Như vậy, có thể thấy hình thức cổ phần hóa mà Vinalines lựa chọn là kết hợp vừa bán một phần vốn nhà nước, vừa phát hành thêm cổ phiếu để tăng quy mô vốn điều lệ.

Trước đó, cuối năm 2014, Bộ trưởng Bộ GTVT đã ký quyết định phê duyệt giá trị để cổ phần hóa Công ty mẹ - Vinalines. Theo đó, giá trị thực tế của Vinalines tại thời điểm 31/12/2013 là 21.287,2 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp là 8.963 tỷ đồng.

Trong 2 nhóm tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, Vinalines kiến nghị mở rộng cửa cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước hoạt động trong lĩnh vực vận tải biển, cảng biển, dịch vụ hàng hải. Những nhà đầu tư thuộc nhóm này, ngoài việc phải chứng minh có đủ nguồn vốn góp, lợi nhuận sau thuế dương trong 3 năm liên tiếp, còn phải cam kết bằng văn bản về việc gắn bó lợi ích lâu dài và hỗ trợ công ty cổ phần trong một số lĩnh vực mà Tổng công ty hoạt động. Đối với các nhà đầu tư tài chính, yêu cầu quan trọng đầu tiên được Vinalines đặt ra là phải có quy mô vốn điều lệ lớn hơn 1.000 tỷ đồng.

“Giá bán cho các nhà đầu tư chiến lược là giá thỏa thuận giữa các bên, nhưng không thấp hơn giá đấu giá thành công thấp nhất của cuộc đấu giá công khai”, ông Lê Anh Sơn, Tổng giám đốc Vinalines đề xuất.

Đâu là sức hấp dẫn của cổ phiếu Vinalines?

Theo phương án CPH, từ năm 2015 đến 2019, Vinalines đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế lần lượt là 153,6 tỷ, 59,2 tỷ, 43,5 tỷ và 262 tỷ đồng; tỷ lệ trả cổ tức tương ứng là 1,52%, 0,59%, 0,43%, 1,47%, 2,6%. Các chỉ tiêu này được đánh giá là rất thấp, nhưng nếu so với con số lỗ khủng lên tới 1.625 tỷ đồng của năm 2014, thì đây vẫn có thể coi là mức tăng đột biến, đủ để con tàu Vinalines “nổi” trước khi tăng tốc vào thời điểm thị trường vận tải biển phục hồi.

Được biết, ngoài lợi thế đội tàu gồm 109 tàu với 2,28 triệu tấn trọng tải, Vinalines còn đang sở hữu một lượng đất đai rất lớn lên tới hơn 1 triệu m2 thuộc hệ thống nhà điều hành, cảng biển, kho bãi nằm ở những đầu mối giao thông lớn. Song lợi thế đất đai và kết quả kinh doanh khá tốt từ một số cảng biển của Vinalines sẽ biến mất, nếu như Tổng công ty bán đi những “con gà đẻ trứng vàng” thông qua việc thoái triệt để vốn góp tại các cảng Sài Gòn, Hải Phòng và Quảng Ninh.

Hiện có một số ý kiến quan ngại về tính khả thi của phương án CPH, nhưng với những lợi thế đang có, cộng với việc Nhà nước chấp nhận thoái vốn sâu, Vinalines sẽ không quá “bí” để có được các cổ đông chiến lược.

Sự kiên nhẫn có lẽ là điều kiện cần mà các cổ đông phải có khi định đầu tư vào Vinalines. Đây cũng là lý do mà Vinalines yêu cầu các nhà đầu tư chiến lược phải có cam kết bằng văn bản về việc gắn bó lợi ích lâu dài với công ty cổ phần.

Để giảm cú sốc gánh nặng nợ khi CPH, Vinalines đề nghị Bộ GTVT cho phép từ chối các nghĩa vụ bảo lãnh cho các đơn vị chuyển giao sang từ Vinashin (nay là SBIC) tương ứng số tiền là 4.561 tỷ đồng, 151,8 triệu USD và 69,2 triệu EUR; được chuyển trả lại nghĩa vụ góp đủ vốn điều lệ SBIC còn thiếu tại 4 công ty chuyển giao.

“Bên cạnh đó, sau khi được chuyển thành công ty cổ phần, Công ty mẹ - Vinalines được tiếp tục xử lý tài chính, xử lý nợ các cơ chế đã được các cấp có thẩm quyền chấp thuận và kéo dài cho đến khi công ty cổ phần hoàn thành công tác tái cơ cấu tài chính”, lãnh đạo Vinalines đề xuất.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư