Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam (VBS) 2017
Cơ hội kinh doanh hiện hữu
Khánh An - 09/11/2017 09:47
 
Các kế hoạch hiện thực cơ hội đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam của giới đầu tư trong nước và thế giới đang có điểm tựa vững vàng từ cam kết của Chính phủ kiến tạo, hành động vì người dân và doanh nghiệp.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trả lời câu hỏi của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư tại VBS 2017.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trả lời câu hỏi của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư tại VBS 2017

Niềm tin

Khán phòng chật kín hơn 2.000 người của Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam (VBS) trở nên lặng im khi câu hỏi:  “Thế nào là Chính phủ kiến tạo?” của ông Robert E. Moritz, Chủ tịch của PricewaterhouseCoopers (PwC) toàn cầu đặt ra với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Có thể đây chính là một trong những điều mà các CEO hàng đầu thế giới và khu vực đang có mặt tại Việt Nam trong Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 muốn lắng nghe trực tiếp từ người đứng đầu Chính phủ Việt Nam.

Trước ông Robert E. Moritz, cũng có nhiều câu hỏi liên quan tới tốc độ tăng trưởng của Việt Nam, kỳ vọng của Chính phủ Việt Nam trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội những năm tới, sau khi các chỉ tiêu kinh tế của năm 2017 gần như đã ghi được những dấu ấn lớn.

Đây là lý do mà câu trả lời của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đã nhận được tràng pháo tay lớn và dài sau đó.

“Chính phủ kiến tạo trước hết là tạo khung khổ pháp lý thuận lợi nhất, tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp thực hiện các quyền của mình. Chính phủ chủ động ứng phó với các biến đổi của tình hình thế giới, chủ động hành động để có quyết sách kịp thời hơn trong thế giới biến đổi, để người dân, doanh nghiệp an tâm làm ăn, kinh doanh”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Ông cũng nhấn mạnh, trong định hướng điều hành của Chính phủ thời gian tới, các ưu tiên là cải thiện chất lượng thể chế, chính sách pháp luật, thúc đẩy pháp quyền, khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân, nâng cao năng lực quản trị nhà nước, ổn định kinh tế vĩ mô theo hướng tăng trưởng bền vững, bảo đảm các thăng tiến xã hội không ngừng, kéo tầng lớp dân cư thu nhập thấp tiến lên hội tụ với nhóm thu nhập trung bình và khá.

Cũng phải nói thêm, Chính phủ kiến tạo cũng là mối quan tâm lớn của cộng đồng kinh doanh trong nước. Ngay trong bài phát biểu khai mạc VBS, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng đã nói mong muốn nhận được thông điệp của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về tầm nhìn và chương trình cải cách mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam để xây dựng một môi trường kinh doanh an toàn, thuận lợi và minh bạch, hướng theo những chuẩn mực hàng đầu của ASEAN và thế giới. 

“Môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng 14 bậc, đang ở thứ hạng 68/190 trong Báo cáo Doing Business 2018 của Ngân hàng Thế giới (WB). Năng lực cạnh tranh của Việt Nam tăng 5 bậc trên Bảng xếp hạng Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2017 - 2018 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) khiến tinh thần khởi nghiệp của người dân, doanh nghiệp Việt Nam đang diễn ra sôi động. Các doanh nghiệp muốn có được cam kết tiếp tục xu hướng này”, ông Lộc nói.

Cơ hội hiện hữu

Khi lý giải câu hỏi dành cho người đứng đầu Chính phủ Việt Nam, ông Robert E. Moritz cũng nói, Chính phủ đã kiến tạo để có được những kết quả trong năm qua, nên muốn biết tới đây Chính phủ sẽ tiếp tục làm những gì để Việt Nam tăng trưởng hơn nữa trong tương lai.

Là người điều hành phiên Việt Nam - điểm đến thân thiện với doanh nghiệp, TS. Võ Trí Thành, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về hợp tác kinh tế Thái Bình Dương cũng chia sẻ quan điểm này của các CEO tầm cỡ.

“Các doanh nghiệp có thể nhìn thấy rất nhiều cơ hội tại Việt Nam vào lúc này, khi tham quan triển lãm xúc tiến đầu tư của 63 tỉnh, thành phố được tổ chức ngay bên cạnh VBS. Các cơ hội là rất thật khi lãnh đạo nhiều chính quyền địa phương đã có mặt tại đây, để nêu rõ hơn các cơ hội này. Chắc chắn, các nhà đầu tư lớn không muốn bỏ lỡ các cơ hội này. Họ đến, muốn nghe cam kết chính thức từ người đứng đầu Chính phủ”, ông Thành nói.

Nếu nhìn vào các phiên làm việc của VBS, đặc biệt là sự kết nối giữa các nội dung này và những kiến nghị của Hội đồng Tư vấn kinh doanh APEC (ABAC) vừa đệ trình các nhà lãnh đạo APEC, tính khả thi thực sự rõ ràng.

Có thể kể tới các lĩnh vực nông nghiệp, du lịch, thị trường tài chính, y tế, giáo dục, hạ tầng, đặc khu kinh tế, các lĩnh vực khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo…

Đặc biệt, các dự báo đang nhắm đến năm 2020, Việt Nam sẽ là quốc gia trong nhóm đứng đầu khu vực về số người sử dụng điện thoại di động. Đây vừa là nền tảng quan trọng, vừa là cơ hội lớn để giúp các nhà đầu tư tiềm năng dễ dàng kết nối các sản phẩm, dịch vụ của mình đến lượng khách hàng tiềm năng lớn của Việt Nam.

Các cơ hội kinh doanh tại Việt Nam càng thật hơn, khi Thủ tướng Chính phủ còn đưa cam kết cụ thể Việt Nam sẽ thực hiện cải cách thuế theo hướng gia tăng cạnh tranh cho nền kinh tế, hướng đến các chuẩn mực minh bạch, công bằng và hiệu quả theo tiêu chuẩn cao của OECD. Hiện tại, thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam là 20%, dự kiến sẽ giảm còn 15 - 17% theo lộ trình cải cách thuế sắp tới để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp.

“Chúng tôi có lẽ phải cân nhắc lại các chiến lược kinh doanh của mình. Cơ hội đầu tư kinh doanh ngay tại Việt Nam, cùng với các nhà đầu tư lớn của thế giới tới đây sẽ phải có trong tầm nhìn của các doanh nghiệp Việt”, ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái chia sẻ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Chính phủ kiến tạo để doanh nghiệp an tâm kinh doanh
Trước hơn 2.000 doanh nghiệp trong và nước ngoài tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam (VBS), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư