Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Cơ hội mới đối với đầu tư - kinh doanh (Bài 2)
GS - TSKH Nguyễn Mại - 07/01/2016 09:36
 
Đổi mới nhanh hơn, toàn diện và đồng bộ hơn từ quản lý vĩ mô của Nhà nước đến kinh tế vi mô của từng đơn vị, doanh nghiệp để tận dụng cơ hội mới đối với đầu tư và kinh doanh là đòi hỏi của đất nước và nhân dân nhằm đưa nước ta nhanh chóng xích gần và đuổi kịp trình độ phát triển của các nước tiền tiến trong ASEAN và châu Á.

Bài 2: Nhà nước, doanh nghiệp, dân cư là chủ thể của cơ hội mới

-III-

Từ khi phát triển theo kinh tế thị trường, nước ta luôn gắn bó hữu cơ với hội nhập quốc tế. Năm 1986, Việt Nam tham gia Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA); năm 2000 ký Hiệp định Thương mại với Hoa Kỳ (BTA Việt Nam - Hoa Kỳ), năm 2007 tham gia Tổ chức Thương mại thế giới (WTO)…

Hội nhập quốc tế tạo động lực thúc đẩy cải cách thể chế theo hướng tiếp cận thông lệ quốc tế, nâng cao năng lực cạnh  tranh của doanh nghiệp và của quốc gia, phục vụ lợi ích của cộng đồng dân cư.

.
Việc tham gia các FTA thế hệ mới được kỳ vọng sẽ thu hút lượng vốn lớn đến từ các tập đoàn đa quốc gia.

Sự biến chuyển mạnh mẽ trong quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ từ khi BTA có hiệu lực là minh chứng rõ rệt nhất. Hoa Kỳ đã áp dụng Quy chế Quan hệ thương mại bình thường và Quy chế Tối huệ quốc (MFN), giảm mức thuế quan trung bình đánh vào hàng nhập khẩu của Việt Nam từ 40% xuống 4%, mở cửa thị trường cho các nhà xuất khẩu Việt Nam. Tháng 12/2006, Tổng thống G.W.Bush quyết định trao cho Việt Nam Quy chế Quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR). Trên cơ sở  BTA, Việt Nam và Hoa Kỳ đã ký nhiều hiệp định và thoả thuận về ngân hàng, bảo hiểm, hàng không, Hiệp định khung về thương mại và đầu tư song phương (TIFA).

Việc thực hiện BTA Việt Nam - Hoa Kỳ đã gia tăng nhanh chóng thương mại hàng hóa giữa hai nước.

Từ một nước thành viên ASEAN có kim ngạch xuất khẩu vào Hoa Kỳ thuộc loại thấp nhất, năm 2014, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu lớn nhất, chiếm 21,6% tổng kim ngạch xuất khẩu ASEAN vào Hoa Kỳ, vượt Malaysia (19,8%) Thái Lan (14,7%), Indonesia (12,5%), Singapore (9,5%).

Năm 2000, 78% hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ là hàng sơ chế, chủ yếu là tôm và sản phẩm dầu khí. Hiện nay, 74-75% là hàng chế tác. Trước năm 2005, hàng chế tác chủ yếu là hàng may mặc, thì sau đó  đã có thêm hàng điện tử, giày da, đồ gỗ...

Thặng dư thương mại của Việt Nam với Hoa Kỳ liên tục tăng: năm 2010 là 10,47 tỷ USD; năm 2014 là 23,8 tỷ USD đã bù đắp khoản nhập siêu từ Trung Quốc, góp phần xuất siêu từ năm 2012 đến năm 2014. Từ chỗ là thị trường nhỏ nhất, Hoa Kỳ đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, năm 2014 chiếm 19,6% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam.

Trở thành “quán quân” của ASEAN đối với xuất khẩu vào Hoa Kỳ thể hiện  năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam đã được cải thiện rõ rệt. Tuy vậy, doanh nghiệp nước ta cũng phải đương đầu với nhiều vụ kiện bán phá giá tại Hoa Kỳ như cá basa, tôm, hàng may mặc... do đó đòi hỏi phải tiếp cận với hệ thống pháp luật liên quan và cơ chế xử lý tranh chấp thương mại, cũng như đặc điểm thị trường và người tiêu dùng Mỹ.

BTA Việt Nam - Hoa Kỳ có một chương về quan hệ đầu tư với mục đích gia tăng mức độ tiếp cận thị trường, đơn giản hóa thủ tục cấp phép và đăng ký đầu tư, tăng cường bảo hộ nhà đầu tư trước việc tước quyền sở hữu và quốc hữu hóa, sử dụng trọng tài quốc tế để giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư với cơ quan Chính phủ.

Tuy vậy, so với thương mại thì đầu tư trực tiếp của các doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam còn khá khiêm tốn, mặc dù Hoa Kỳ là nước đứng đầu thế giới về đầu tư ra nước ngoài. Từ năm 1995 đến cuối năm 2015, Hoa Kỳ có 781 dự án FDI với 10,779 tỷ USD vốn đăng ký, đứng thứ 8 trong các quốc gia và vùng lãnh thổ hoạt động đầu tư tại Việt Nam.

Với TPP, cả hai phía đều dự báo, dòng vốn FDI từ Hoa Kỳ vào Việt Nam sẽ gia tăng nhanh chóng với những dự án quy mô lớn trong các ngành và lĩnh vực ưu tiên của nước ta. Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam nhận định rằng, trong tương lai không xa, Hoa Kỳ sẽ trở thành nhà đầu tư số một tại Việt Nam.

-IV-

Tạo ra cơ hội đã khó, tận dụng có hiệu quả cơ hội càng khó hơn, nhưng nếu đánh mất cơ hội thì thách thức sẽ trở nên nghiêm trọng. Do vậy, vấn đề đặt ra cho nước ta từ năm 2016 là làm gì để tận dụng cơ hội mới đối với đầu tư và kinh doanh. Nhà nước, doanh nghiệp và dân cư là các chủ thể trong việc tận dụng cơ hội mới.

Nhà nước: Chủ trương và hành động của Chính phủ, các cuộc tranh luận tại diễn đàn Quốc hội từ giữa năm 2014 đến nay đã cho thấy quyết tâm của các cơ quan đầu não của Nhà nước về việc đẩy nhanh việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường và mở rộng hội nhập quốc tế.

Vấn đề cần giải quyết chính là bộ máy và đội ngũ công chức nhà nước. Mặc dù đã có chủ trương và giải pháp, nhưng cho đến nay, sự chuyển động của bộ máy và công chức chưa đáp ứng được đòi hỏi của doanh nghiệp và cộng dồng dân cư.

Nhà nước kiến tạo, Chính phủ điện tử chỉ có thể thực hiện được với cơ cấu tổ chức nhà nước từ trung ương đến địa phương được phân công và hợp tác theo chiều dọc và chiều ngang bằng cơ chế hữu hiệu với đội ngũ công chức chuyên nghiệp có năng lực quản lý nhà nước hiệu năng, trong đó quyền hạn và trách nhiệm cá nhân người đứng đầu từng cơ quan được luật định minh bạch. Đây là vấn đề không thể không xử lý trong những năm sắp đến, nếu không sẽ dánh mất cơ hội mới.

Các doanh nghiệp cũng hy vọng trong năm 2016, Chính phủ sẽ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước điều hành đồng bộ và có hiệu quả chính sách lãi suất và tỷ giá, quan tâm đến lợi ích và khó khăn của doanh nghiệp theo hướng giảm lãi suất tiền vay trong điều kiện chỉ số giá tiêu dùng (CPI) thấp, đồng thời thực hiện chính sách hỗ trợ tài chính, thuế đối với từng loại doanh nghiệp một cách linh hoạt.

Để tham gia vào các FTA mới, trong quá trình đàm phán, nước ta đã phải “đánh đổi” một số lợi ích quốc gia để bảo đảm nguyên tắc “cùng có lợi”, do đó Chính phủ cần có sự chỉ dẫn cụ thể từng ngành, lĩnh vực để bảo đảm lợi ích cộng đồng dân cư và lợi ích của doanh nghiệp trong nước đối với đầu tư và kinh doanh.

Ví dụ, năm 2015 và các năm tiếp theo, dòng vốn FDI vào dệt và may từ Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan có thể sẽ gia tăng nhanh chóng để tận dụng “quy tắc xuất xứ” và việc giảm thuế nhập khẩu vào các thị trường mà Việt Nam đã và sẽ ký FTA. Chính phủ cần chỉ đạo các địa phương theo hướng: lựa chọn dự án FDI vào dệt nhuộm có đủ điều kiện về công nghệ hiện đại, tiết kiệm năng lượng, có tỷ lệ hợp lý vốn đầu tư xử lý nước thải, chất thải rắn, tốt nhất là khuyến khích đầu tư theo hình thức liên doanh với doanh nghiệp Việt Nam; dành những dự án may mặc cho doanh nghiệp trong nước vì chỉ cần một vài triệu USD đã có thể xây dựng nhà xưởng, mua thiết bị, thu hút hàng trăm lao động; hình thành các khu công nghiệp chuyên biệt về dệt may để kết nối chuỗi giá trị sản phẩm, chuyên môn hóa sâu và hợp tác giữa các doanh nghiệp trong từng khu công nghiệp, tạo ra năng lực cạnh tranh cao.

 Các bộ căn cứ chức năng và mối liên quan với từng FTA mới để biên soạn tài liệu hướng dẫn như “Cẩm nang thương mại với EU”, “Cẩm nang kinh doanh với Hoa Kỳ”…; tổ chức tập huấn cho chủ doanh nghiệp, tạo điều kiện để doanh nghiệp có thể tiếp cận thông tin hàng ngày, tham gia hoạt động xúc tiến đầu tư và thương mại trên từng thị trường và đối tác chủ yếu; đề ra giải pháp phòng vệ thương mại trong nước và kịp thời dự báo khả năng doanh nghiệp phải đối phó với các vụ kiện thương mại, chỉ đạo doanh nghiệp trong quá trình xử lý các vụ kiện đó.

Doanh nghiệp là chủ thể chính trong việc tận dụng cơ hội mới để đầu tư và kinh doanh có hiệu quả cao hơn. Tiếp cận nội dung, tiến trình thực hiện các FTA mới thông qua những kênh thông tin đa dạng cần trở thành công việc hàng ngày của doanh nghiệp và các hiệp hội ngành hàng. Trong điều kiện mạng Internet và truyền thông đại chúng như hiện nay, doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng có thể chủ động thu thập và xử lý thông tin, không nên bị động chờ cơ quan nhà nước.

Cùng với việc đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao trình độ quản trị doanh nghiệp và năng lực đội ngũ chuyên gia và người lao động, thì việc phân công và hợp tác trong từng ngành hàng, trên từng thị trường để tìm đối tác tin cậy, mua bán với giá cả hợp lý, cạnh tranh bình đẳng với đối thủ từ những quốc gia khác là nhân tố quyết định thành công của doanh nghiệp trong việc tận dụng cơ hội mới.

Kinh nghiệm thực tế đã chỉ ra rằng, con đường ngắn nhất để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu là kết nối doanh nghiệp trong nước với các tập đoàn xuyên quốc gia (TNC) đang kinh doanh tại Việt Nam. Một số doanh nghiệp đã được chọn làm công nghiệp hỗ trợ khẳng định rằng, để vượt qua trở ngại ban đầu và đạt được các tiêu chuẩn lựa chọn của từng TNC, thì quan trọng nhất là tự tin vào chính mình, trên cơ sở đó tìm cách hợp tác với TNC trong kế hoạch trung hạn, để từng bước có thể thực hiện được mục tiêu nhất định, Nhiều TNC như Samsung, Canon, Intel đã có những hoạt động tích cực theo hướng hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam sản xuất phụ tùng, linh liện... Do đó, các FTA mới sẽ tạo ra cơ hội phát triển nhanh chóng công nghiệp hỗ trợ của doanh nghiệp Việt Nam.

Trải qua 20 năm hội nhập quốc tế, đã đến lúc doanh nghiệp Việt Nam phải hình thành thương hiệu trước hết đối với những mặt hàng xuất khẩu có giá trị lớn, để giảm dần phương thức gia công, tăng giá trị gia tăng hàng hóa xuất khẩu.

Cộng đồng dân cư là những người được hưởng lợi từ việc nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do mới. Họ cần được tiếp cận thông tin từ các bộ và cơ quan truyền thông đại chúng để tự giác tham gia với tư cách là người lao động trong các doanh nghiệp và tổ chức xã hội, đồng thời là người tiêu dùng được quyền lựa chọn hàng hóa từ nhều quốc gia trong việc tham gia vào cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Các tổ chức xã hội cần được huy động vào quá trình thực hiện thành công các hiệp định thương mại tự do mới như việc tham gia tư vấn và hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, của Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. Để hoạt động đó có thực chất, cần huy động được đội ngũ chuyên gia có năng lực chuyên môn và kinh nghiệm nghề nghiệp, có cơ chế tham vấn để các cơ quan nhà nước từ Quốc hội, Chính phủ, bộ, chính quyền các cấp coi là kênh thông tin quan trọng, nhằm hoàn thiện thể chế và cải cách nền hành chính quốc gia.

Nhiều tổ chức trong nước và quốc tế dự báo, nếu không có tác động bất thường của tình hình chính trị và kinh tế thế giới, năm 2016 và những năm tiếp theo kinh tế Việt Nam sẽ chuyển biến tích cực hơn năm 2015 và mục tiêu năm 2020 tạo tiền đề vững chắc để hoàn thành về cơ bản công nghiệp hóa theo hướng hiện đại sẽ trở thành hiện thực.

Báo Singapore giải mã "phép lạ" của kinh tế Việt Nam năm 2015
Theo tờ Channel News Asia của Singapore, kinh tế toàn cầu suy thoái và mức tăng trưởng chậm của Trung Quốc đã ảnh hưởng đến hầu hết các quốc gia...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư