Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 07 năm 2024,
Cơ hội nào cho y tế tư nhân sau đại dịch?
Ngân Dương - 27/02/2023 07:22
 
Sự trỗi dậy của y tế tư nhân sau đại dịch Covid-19 được kỳ vọng sẽ giúp ngành y tế phát triển vững chắc nhờ sự song hành của y tế công và tư.
Bệnh viện tư đang có đóng góp rất lớn trong công tác khám chữa bệnh



Còn khập khễnh

Với nhu cầu ngày càng cao về chăm sóc sức khỏe, thì tiêu chí đặt ra cho lĩnh vực này cũng ngày càng khắt khe. Trong đó, các dịch vụ y tế tại Việt Nam được dự báo tiếp tục tăng cao. Vì vậy, việc mở rộng cơ sở y tế tư nhân chất lượng cao sẽ góp phần đáp ứng đa dạng các yêu cầu, thúc đẩy tính cạnh tranh trong các dịch vụ và bệnh nhân sẽ có nhiều lựa chọn hơn.

Thực trạng người Việt Nam ra nước ngoài chữa bệnh là câu chuyện kéo dài nhiều năm của ngành y tế. Tại Hội nghị Triển khai công tác năm 2019, Bộ trưởng Bộ Y tế lúc đó là PGS-TS Nguyễn Thị Kim Tiến công bố, người Việt chi khoảng 2 tỷ USD/năm để ra nước ngoài khám chữa bệnh.

Vì sao người Việt lại phải tìm đường ra nước ngoài chữa bệnh, trong khi ngành y tế thường tự hào rằng, trình độ của y, bác sĩ Việt Nam không hề thua kém thế giới. Câu hỏi nằm ở thái độ phục vụ của nhân viên y tế, cơ sở vật chất và dịch vụ chăm sóc bệnh nhân.

Nhìn sang thế giới, chúng ta thấy, y tế tư nhân phát triển rất mạnh. Chẳng hạn, tại Ấn Độ, có 65-80% bệnh nhân lao được phát hiện bởi y tế tư; ở Australia, 80% ca tiêu chảy được phát hiện bởi y tế tư.

Tại Việt Nam, hiện chỉ có 300 bệnh viện tư, đáp ứng trên 5,16% giường bệnh. Một con số khá èo uột trước hệ thống hơn 1.200 bệnh viện công từ tuyến trung ương tới tuyến xã.

Ông Trần Văn Học, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương cho biết, dù nhấn mạnh đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực phát triển hệ thống y tế, song Nghị quyết 20-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII chỉ đặt mục tiêu đến năm 2025, khu vực tư chiếm 10%, năm 2030 là 15% về số giường bệnh.

“Có thể nói, về mặt chủ trương, Việt Nam rất dè dặt, chưa cởi mở cho y tế phát triển theo xu hướng thế giới. Đến năm 2030, bệnh viện công vẫn chiếm 85% là quá lớn, ngân sách khó có thể phục vụ được”, ông Học nhìn nhận.

Còn theo ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam, sự bất bình đẳng trong xây dựng và triển khai chính sách y tế đối với hệ thống y tế tư nhân bắt nguồn từ nhận thức, quan điểm cho rằng, cơ sở y tế của Nhà nước thực hiện nhiệm vụ chính trị, xã hội, còn cơ sở y tế tư nhân là doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực khám, chữa bệnh. Từ đó dẫn đến, bệnh viện công được bao cấp từ đất, nhà, thiết bị y tế, đến lương cán bộ, hỗ trợ đào tạo, trong khi bệnh viện tư hoàn toàn tự thân vận động.

Thậm chí, có thể kể thêm một loạt cơ chế thiếu công bằng về đầu tư, đào tạo, hợp đồng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa cơ sở y tế công và tư. Chưa kể, nhiều chương trình đào tạo có kinh phí của Nhà nước, nhiều tổ chức phi chính phủ muốn hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế cho các bệnh viện tư nhân, song hầu như chưa có cơ chế để thực hiện.

Nỗ lực tự thân

Công và tư là hai bộ phận hợp thành của nền y tế vì dân. Chính vì vậy, việc ứng xử với y tế tư phải được xét một cách bình đẳng trên mọi khía cạnh quản lý như y tế công. Nhiều chuyên gia nêu quan điểm, muốn phát triển y tế tư, thì ngoài các chủ trương, còn cần có những chính sách cụ thể để khuyến khích đặc biệt với các loại hình dịch vụ không vì lợi nhuận.

Có thể nói, về mặt chủ trương, Việt Nam rất dè dặt, chưa cởi mở cho y tế phát triển theo xu hướng thế giới. Đến năm 2030, bệnh viện công vẫn chiếm 85% là quá lớn, ngân sách khó có thể phục vụ được.

Ông Trần Văn Học, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương

Đại diện Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam kiến nghị Nhà nước, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các địa phương thực hiện tốt chính sách khuyến khích mạnh mẽ với các mô hình y tế tư nhân hoạt động không vì lợi nhuận, như chính sách thuế, hỗ trợ vốn, đất đai. Qua đó, tạo điều kiện để các cơ sở y tế tư nhân được tiếp cận đầy đủ những chương trình vay vốn kích cầu, đặc biệt với những cơ sở có chuyên khoa sâu, trang bị các thiết bị kỹ thuật tiên tiến, hiện đại.

Đồng thời, cơ sở y tế tư nhân cần một cơ chế để có thể tham gia các khóa đào tạo nâng cao, cập nhật kiến thức và trao đổi, chuyển giao kỹ thuật tiên tiến giữa cán bộ y tế công với các cơ sở y tế tư nhân.

Từ góc nhìn đầu tư, ông Học cho rằng, cần nhiều ưu đãi hơn mới khuyến khích nhà đầu tư có thêm động lực. Lý do là, đầu tư xây dựng bệnh viện, mua máy móc và thiết bị rất đắt tiền, tốn hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng, nhưng phải rất lâu mới thu hồi vốn, trong khi các chính sách ưu đãi vay vốn rất khó tiếp cận.

Không chỉ khó tiếp cận, theo ông Học, những chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư dù quy định của Chính phủ khá rõ, nhưng mỗi địa phương lại áp dụng một kiểu. Đây là nguyên nhân chính khiến hệ thống bệnh viện tư mới đạt được con số rất khiêm tốn như hiện nay.

Còn từ góc độ thị trường, chuyên gia Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện nghiên cứu và Phát triển chính sách (IPS) đề xuất, cần tạo cơ chế cạnh tranh công - tư trong tiếp cận nguồn chi trả từ bảo hiểm xã hội như một công cụ thị trường để nâng cao hiệu quả bệnh viện công, đồng thời khuyến khích tư nhân phát triển.

Ông Đồng cho rằng, rất nhiều phòng khám tư nhân đang phải “chạy chọt” để vào được hệ thống chi trả bảo hiểm xã hội. Trong khi đó, đáng lẽ, khi các phòng khám đã đủ điều kiện hoạt động thì đương nhiên phải được khám bảo hiểm y tế, tức là bảo hiểm xã hội chi trả. “Lúc đó, bệnh viện công phải cạnh tranh với nhau về chất lượng dịch vụ và cạnh tranh cả với bệnh viện tư. Có như thế, y tế tư mới phát triển được”, ông Đồng nhấn mạnh.

Y tế tư nhân đồng hành trong cuộc chiến chống Covid-19
Không chỉ các cơ sở y tế công lập đang vất vả nơi tuyến đầu chống Covid-19, mà cả hệ thống y tế tư nhân cũng đang vào cuộc rất tích cực với...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư