Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 15 tháng 01 năm 2025,
Có nên thay đổi chiến lược thích ứng với Covid-19?
Dương Ngân - 16/01/2022 09:31
 
Khi tỷ lệ bao phủ vắc-xin đạt kỳ vọng và số ca mắc Covid-19 vẫn tăng nhanh, nhiều chuyên gia cho rằng, cần thay đổi chiến lược thích ứng linh hoạt với dịch Covid-19.
Với Covid-19, tốt nhất mỗi người không nên trở thành nguồn lây cho người khác
Với Covid-19, tốt nhất mỗi người không nên trở thành nguồn lây cho người khác

Tâm lý đổi thay

Thời gian qua, Hà Nội có gần 3.000 ca mắc Covid-19 mỗi ngày, dự đoán còn tiếp tục tăng những ngày tới khiến nhiều người dân Thủ đô nghĩ rằng, F0 giờ đã là “chuyện thường”, không còn lo sợ như trước. Suy nghĩ này vấp phải sự phản đối của giới chuyên gia. Họ bày tỏ lo ngại cho rằng, nếu ai cũng có tâm lý trước sau rồi cùng trở thành F0, bỏ qua các biện pháp phòng dịch, thì hậu quả rất nguy hiểm.

PGS-TS. Nguyễn Việt Hùng, Phó chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội cho hay, 2 lý do khiến chúng ta có thể tránh trở thành F0 là vắc-xin và tuân thủ tốt 5K. Việt Nam đã thực hiện tốt chiến dịch tiêm vắc-xin, việc còn lại là 5K. Nếu thực hiện tốt 5K, người dân sẽ tránh được nguy cơ trở thành F0.

Một số chuyên cho cho hay, khi đã đạt tỷ lệ tiêm chủng cao, các địa phương cần phải điều chỉnh giải pháp kiểm soát dịch từ phòng toàn diện sang chữa tập trung, huy động nguồn lực để chữa cho người có biểu hiện nặng. Việc duy trì các phương án phòng dịch triệt để như cách ly tập trung, truy vết F1, F2 sẽ không còn phù hợp trong giai đoạn dịch đã lây lan trong cộng đồng và tỷ lệ tiêm phủ vắc-xin đã cao. Điều này có thể gây ra những phiền toái và bất an với người dân, khiến họ khó trở lại cuộc sống bình thường.

“Mỗi người không nên có tâm lý phó mặc, buông xuôi, quên các biện pháp bảo vệ bản thân với tâm lý trước sau gì cũng thành F0”, chuyên gia khuyến cáo.

ThS. Đỗ Cao Vân Anh, Phó trưởng Bộ môn Nhiễm (Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM) cũng không ủng hộ tư tưởng “ai rồi cũng thành F0”, bởi với người trẻ, khỏe, Covid-19 có thể đi qua nhẹ nhàng, nhưng nếu lây bệnh cho người khác, không may người đó lại có cơ địa đặc biệt, chịu cơn bão cytokine, thì họ sẽ chuyển nặng hơn. Do đó, với Covid-19, tốt nhất mỗi người không nên trở thành nguồn lây.

Chiến lược cũng cần thay đổi?

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương rà soát, sửa đổi hướng dẫn đánh giá cấp độ dịch tại Quyết định số 4800/2021/QĐ-BYT cho phù hợp với tình hình mới. Theo đại diện Bộ Y tế, cơ quan này đang dự thảo theo hướng cụ thể hóa một số tiêu chí.

PGS-TS. Nguyễn Việt Hùng cho rằng, trong bối cảnh “bình thường mới”, việc tăng cường giao thương và hoạt động sản xuất khiến số ca nhiễm tăng cao là xu hướng tất yếu. Do vậy, không nên nhìn vào tổng số ca nhiễm mỗi ngày mà hoang mang, cũng như phân biệt theo các cấp độ dịch, bởi các ca nhiễm hầu hết là người từ 12 tuổi đã được tiêm chủng vắc-xin. Điều chúng ta cần quan tâm hiện nay là nỗ lực để giảm bệnh nhân nặng và ca tử vong

Bên cạnh đó, theo chuyên gia này, việc đếm số ca nhiễm Covid-19 không còn quan trọng, quan trọng là tổ chức xử lý ca mắc mới, chủ trương rõ ràng, nhất quán; F0 nhẹ, không triệu chứng tự điều trị ở nhà; F0 nguy cơ cao thì tập trung chăm sóc. Ngoài thông tin về số ca mắc, ca tử vong, Bộ Y tế nên công khai tiền sử tiêm chủng của các F0 mới và ca tử vong để người dân có thêm dữ liệu.

Với cách gọi F0, F1 như hiện tại, một số ý kiến cho là không còn phù hợp, bởi vào giai đoạn hiện tại, khi virus lây lan rộng trong cộng đồng, các phương án truy vết, cách ly không còn hiệu quả. ThS. Đỗ Cao Vân Anh nêu thực tế, nhiều trường hợp là F0 chưa chắc đã lây cho người khác, F1 có thể là F0, một người có nhiều nguồn tiếp xúc, thì việc xác định đúng ai lây cho ai đã trở nên rất phức tạp.

Chưa kể, việc truy vết, đánh số cũng gây cho người dân trạng thái căng thẳng không đáng có. Việc Bộ Y tế định nghĩa lại F1 với các tiêu chí chặt chẽ hơn là động thái tích cực và phù hợp, nhưng một số chuyên gia kiến nghị nên bỏ cách gọi F0, F1.

Với vấn đề vắc-xin, chúng ta còn tỷ lệ người không thể tiêm chủng do các yếu tố như nguy cơ dị ứng với thành phần vắc-xin, có tiền sử sốc phản vệ, dị ứng với nhiều loại dị nguyên… Vì vậy, cơ sở y tế có thể tính tới phương án chia liều thông thường thành nhiều liều nhỏ, tiêm lần lượt và theo dõi, xử lý ngay khi cơ thể có phản ứng.

Về điều trị, cần có nhiều loại thuốc được cấp phép ở Việt Nam và thông tin về sử dụng chúng được công bố rõ ràng, với đầy đủ các yếu tố nguy cơ, cách dùng thế nào là phù hợp để từng đối tượng có thể cân nhắc. Điều này cũng giúp kiểm soát thị trường thuốc tốt hơn. Ngay cả phương pháp xét nghiệm cũng cần phải đa dạng để phù hợp với các đối tượng.

Hà Nội tăng các ca bệnh Covid-19 nặng
Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương hiện điều trị cho khoảng 500 F0 nặng từ các nơi chuyển tới. Một số khu điều trị F0 khác luôn trong tình trạng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư