Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Cổ phần hoá đại gia hàng không vốn 14.600 tỷ
Anh Minh - 20/01/2014 08:18
 
Mặc dù vẫn còn chờ Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chính thức, nhưng thông tin Công ty mẹ Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) sẽ được cổ phần hóa trong năm nay đang thu hút sự quan tâm của nhà nhà đầu tư trong và ngoài nước. Vietnam Airlines tạo đà cho cú IPO triệu USD >Khánh thành Nhà ga hành khách T1-Nội Bài 500 tỷ đồng

Theo đề nghị của Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT), ACV có vốn điều lệ lên tới 14.693 tỷ đồng (năm tài chính 2013), với trụ sở chính tại Sân bay Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình, TP.HCM) sẽ được cổ phần hóa, trong đó Nhà nước sẽ nắm 75% vốn điều lệ.

ổng công ty Cảng hàng không Việt Nam
Sân bay Cần Thơ là một trong 22 cảng hàng hàng không dân dụng thuộc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam. Ảnh: A.M

Việc ACV được đưa vào diện cổ phần hóa là điều khá bất ngờ, bởi trong Đề án Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước ngành GTVT từ nay đến năm 2015 không có tên đơn vị này.

“Tổng công ty rất cần huy động một lượng vốn khá lớn để đầu tư cho các dự án phát triển cơ sở hạ tầng cảng hàng không, trong đó có “siêu” Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành”, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho biết.

Được thành lập vào tháng 2/2012 trên cơ sở sáp nhập 3 tổng công ty cảng hàng không (Tổng công ty Cảng hàng không miền Bắc, Tổng công ty Cảng hàng không miền Nam, Tổng công ty Cảng hàng không miền Trung), ACV là một trong những doanh nghiệp có quy mô vốn lớn nhất trong lĩnh vực hạ tầng giao thông.

ACV hiện khai thác, quản lý 22 cảng hàng không dân dụng, trong đó có 6 cảng hàng không quốc tế có lưu lượng hành khách, hàng hóa lớn nhất nước hiện nay (Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Phú Bài, Cam Ranh, Cần Thơ) và 14 cảng hàng không địa phương (Buôn Ma Thuột, Liên Khương, Rạch Giá, Cà Mau, Côn Đảo, Phù Cát, Pleiku, Tuy Hòa, Đồng Hới, Vinh, Cát Bi, Nà Sản, Điện Biên, Thọ Xuân).

Các cảng hàng không này đều là các đơn vị hạch toán phụ thuộc Công ty mẹ - Tổng công ty. Ngoài các chi nhánh là các cảng hàng không, ACV còn có 2 đơn vị hạch toán phụ thuộc nữa là 2 công ty phục vụ mặt đất tại Hà Nội và TP.HCM.

ACV có 3 công ty con, trong đó có thương hiệu làm ăn khá nổi là Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO), với tỷ lệ sở hữu vốn 100%; Công ty cổ phần Thương mại hàng không Cam Ranh (CRAC), tỷ lệ vốn chủ sở hữu 51%; Công ty cổ phần Vận tải hàng không miền Nam (SATSCO), tỷ lệ vốn chủ sở hữu là 97,46%. Bên cạnh đó, doanh nghiệp này còn góp vốn tại 2 công ty liên kết và có khoản đầu tư dài hạn tại 1 doanh nghiệp.

Theo báo cáo của ACV, tổng doanh thu của Công ty mẹ trong năm qua là 8.411 tỷ đồng, bằng 106,18%; lợi nhuận trước thuế đạt 1.350 tỷ đồng, bằng 70,74% so với năm 2012. Quá nửa doanh thu, lợi nhuận của ACV đến từ 2 chi nhánh lớn trực thuộc Công ty mẹ là Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và Cảng hàng không quốc tế Nội Bài.

“Lợi nhuận của ACV năm nay không đạt yêu cầu chủ yếu do phải bù đắp cho một số cảng hàng không mới được đưa vào khai thác nhưng chưa hút được khách”, ông Lê Mạnh Hùng, Tổng giám đốc ACV cho biết.

Dự báo của Cục Hàng không Việt Nam cho thấy, lợi nhuận và doanh thu của ACV sẽ tăng mạnh trong năm nay, khi thị trường hàng không quốc tế và nội địa được dự báo có sự tăng trưởng khá mạnh sau hơn 3 năm trầm lắng. Dự kiến, trong năm 2014, tại 2 đầu mối lớn nhất là Tân Sơn Nhất và Nội Bài, tổng lượng hành khách quốc tế và nội địa có thể đạt tới 35 triệu lượt.

“Sau khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép, Bộ GTVT sẽ chỉ đạo, hướng dẫn ACV triển khai các bước để cổ phần hóa theo trình tự, thủ tục quy định”, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết.

Bán vốn các Cienco cho nhà đầu tư chiến lược
Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh vừa ký 3 quyết định cổ phần hóa 3 tổng công ty xây dựng công trình giao thông gồm Cienco 1, Cienco 4 và Cienco 6. ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư