Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 08 tháng 09 năm 2024,
Cổ phiếu dệt may dồn dập lên sàn
 
Với sự góp mặt mới nhất của Tổng công ty Phong Phú (ngày 23/8), những cái tên ưu tú nhất của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đã lần lượt gia nhập thị trường chứng khoán. Sự xuất hiện của các doanh nghiệp này được kỳ vọng sẽ thay đổi bức tranh nhóm ngành dệt may trên sàn.

Sau sự xuất hiện của May Việt Tiến (VGG - UPCoM) năm ngoái, năm nay, một loạt đơn vị thành viên của Vinatex quyết định gia nhập thị trường chứng khoán như Tổng công ty Việt Thắng (TVT - HOSE), Tổng công ty Dệt may Hòa Thọ (HTG - UPCoM) và mới nhất là Tổng công ty Phong Phú (PPH - UPCoM).

Đây đều là những doanh nghiệp hàng đầu trong hệ thống 90 công ty con và liên kết của Vinatex, đồng thời nắm giữ những thế mạnh riêng trong chuỗi cung ứng của Tập đoàn. Trong khi VGG là thương hiệu được định hình từ lâu trên thị trường với các sản phẩm thời trang may mặc, TVT là công ty dệt hàng đầu, thì PPH có thế mạnh về các sản phẩm như khăn bông, chỉ sợi và vải denim. Về thị trường tiêu thụ, VGG và PPH đang tập trung cho hoạt động xuất khẩu, còn với TVT, thị trường trong nước là chủ lực, đóng góp trung bình hơn 61% doanh thu thuần hàng năm.

Lợi thế từ quy mô, phân khúc sản phẩm

Theo thống kê của Báo Đầu tư Chứng khoán, so sánh trên quy mô doanh thu và lợi nhuận các năm gần đây, những tân binh này không hề thua kém các doanh nghiệp dệt may hàng đầu đang niêm yết.

Năm 2016, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) của VGG đạt 27,4%, PPH là 19,51% và TVT 20,44%, cao hơn mức trung bình nhóm doanh nghiệp dệt may trên sàn là 17,77% (theo số liệu của CTCK Bảo Việt). Các “lão lãng” như GMC đạt 20,79%; TNG là 16,62%; TCM là 11,8%.

Ghi nhận kết quả cập nhật 6 tháng đầu năm nay, VGG đạt 3.758 tỷ đồng doanh thu, tăng 6,9% so với cùng kỳ 2016; lãi sau thuế 182,9 tỷ đồng và lãi thu về cho cổ đông Công ty mẹ VGG là 174,6 tỷ đồng, lần lượt tăng 4,3% và 1,7%. Đối với Công ty mẹ VGG, 6 tháng, Công ty đạt doanh thu thuần 3.718,8 tỷ đồng, lãi trước thuế 160,5 tỷ đồng, hoàn thành 47,8% chỉ tiêu doanh thu (7.786 tỷ đồng) và 45,8% chỉ tiêu lợi nhuận (350 tỷ đồng).

Tại PPH, 6 tháng 2017, PPH đạt tổng doanh thu 1.392 tỷ đồng, hoàn thành 34% kế hoạch, giảm 8,58% cùng kỳ 2016. Lợi nhuận sau thuế đạt 137,14 tỷ đồng, giảm 38,1% cùng kỳ, chủ yếu do giá vốn hàng bán tăng mạnh và giảm phần lãi trong công ty liên kết.

PPH đặt kế hoạch kinh doanh năm 2017 với tổng doanh thu 4.100 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 194 tỷ đồng. Mục tiêu tổng doanh thu tăng 14,75% so với năm 2016 khi PPH đầu tư mới dây chuyền sản xuất vải denim và thực hiện khai thác từ quý II. Tuy nhiên, hoạt động đầu tư và đổi mới cũng dẫn tới việc chi phí tăng cao, khiến lợi nhuận kế hoạch giảm 28,75% so với năm 2016.

Tại TVT, 6 tháng đầu năm, Công ty đạt doanh thu thuần 927 tỷ đồng, tăng 14,3% cùng kỳ, nhưng lợi nhuận giảm hơn 10 tỷ đồng, chỉ đạt 45,5 tỷ đồng do không còn khoản thu nhập khác từ chuyển nhượng dự án như cùng kỳ năm ngoái. Năm 2017, TVT đưa ra các chỉ tiêu thấp hơn 2016, với tổng doanh thu 1.712 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 100 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 95 tỷ đồng, trả cổ tức 25% cho cổ đông.

Vấn đề thanh khoản

Dù có các chỉ số tài chính khả quan, VGG, PPH và TVT đều có điểm chung là cơ cấu cổ đông tương đối cô đặc. Điều này cũng dẫn tới việc thanh khoản của 3 cổ phiếu này không mấy sôi động trên thị trường, giảm đi sức hút của cổ phiếu.

Dù là cổ phiếu có thanh khoản tốt nhất, song TVT cũng chỉ đạt trung bình trên 7.000 cổ phiếu chuyển nhượng mỗi phiên. Vinatex hiện là cổ đông lớn nhất tại TVT, nắm 46,96% vốn.

Với VGG, thời điểm lên sàn năm 2016, hơn 72% vốn VGG thuộc về 3 cổ đông lớn là Vinatex (47,88%), South Island
Gament SDN BHD (Malaysia, 14,16%) và Tungshing Sewing Machine Co., Ltd (Hồng Kông, sở hữu 9,94%). Hiện tại, sau các đợt tăng vốn, vốn điều lệ VGG đạt 441 tỷ đồng, Vinatex chỉ còn nắm tỷ lệ 31,92%. Mặc dù tỷ lệ cổ phiếu trôi nổi tăng lên, thanh khoản VGG cũng không mấy cải thiện.

Tại PPH, các cổ đông lớn đang nắm 69,8% cổ phần doanh nghiệp này, riêng Vinatex là 51%. PPH có vốn điều lệ 733,5 tỷ đồng, tương đương 73,35 triệu cổ phiếu, mới đăng ký giao dịch trên UPCoM từ ngày 23/8/2017 với giá chào sàn 25.000 đồng/CP. Sau 3 ngày giao dịch, giá PPH giảm xuống còn 20.400 đồng/CP, với chỉ 12.000 cổ phiếu PPH được giao dịch.

Mặc dù chưa thực sự tích cực, nhưng với lợi thế về quy mô cũng như phân khúc sản phẩm, sự xuất hiện của VGG, PPH hay TVT được kỳ vọng sẽ thay đổi đáng kể bức tranh của nhóm ngành dệt may trên sàn chứng khoán trong thời gian tới. Sau các doanh nghiệp này, những đơn vị đáng chú ý khác của Vinatex được chờ đợi lên sàn là Tổng công ty May Đức Giang, May Nhà Bè, May 10…

Diễn biến các cổ phiếu cần quan tâm tuần qua: Bị đánh giá "kém khả quan", ACB vẫn tăng đều
Thị trường đã cân bằng hơn và hồi phục khá tốt về cuối tuần giúp các chỉ số đều tăng điểm. Cùng với đó, nhiều cổ phiếu được...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư