Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 11 tháng 01 năm 2025,
“Cổ phiếu vua” tiếp tục bùng nổ
Thùy Vinh - 29/10/2020 07:51
 
Sự bùng nổ của “cổ phiếu vua” thời gian qua được hỗ trợ bởi các thông tin tích cực về vĩ mô và ngành ngân hàng, đi cùng làn sóng chuyển sàn, niêm yết, giao dịch UPCoM cuối năm.
.
Cổ phiếu ngân hàng sẽ tiếp tục là nhóm dẫn dắt thị trường khi chiếm lượng vốn hóa gần 1/4 thị trường.

Kỷ lục “cổ phiếu vua”

Giao dịch cổ phiếu ngân hàng tiếp tục ghi nhận những kỷ lục mới. Trong đó, cổ phiếu TCB của Techcombank chưa hết gây chú ý với khối lượng giao dịch khớp kệnh trung bình 10 phiên gần nhất trên 26,6 triệu đơn vị, mức kỷ lục kể từ khi cổ phiếu này niêm yết tại HoSE.

Thanh khoản TCB tăng mạnh thời gian gần đây, nhất là phiên 14/10 với khối lượng đạt gần 75 triệu đơn vị. Cùng với thanh khoản, giá cổ phiếu TCB cũng bất ngờ tăng trần vào ngày 14/10 ở mức 22.850 đồng/cổ phiếu. Nhưng không dừng lại ở đó, giá cổ phiếu TCB đạt mức 23.500 đồng/cổ phiếu đóng phiên đầu tuần này (26/10).

Các giao dịch đột biến trên diễn ra trong bối cảnh thị trường đang chờ đợi thông tin kết quả kinh doanh quý III/2020 của Techombank. Mục tiêu lợi nhuận ngân hàng này đưa ra cho năm 2020 ở mức 13.000 tỷ đồng trước thuế và 9 tháng đầu năm nay đạt 10.700 tỷ đồng.

Không chỉ cổ phiếu TCB mà các mã ACB của ACB, CTG của VietinBank, VPB của VPBank cũng ghi nhận mức tăng giá mạnh thời gian gần đây. Giá cổ phiếu ACB đạt mức 24.800 đồng/cổ phiếu cuối phiên 26/10. Thanh khoản của cổ phiếu này tăng đột biến khi 2 quỹ đầu tư của Dragon Capital đăng ký bán tổng cộng hơn 46,6 triệu cổ phiếu và ACB đang hoàn tất việc chuyển niêm yết cổ phiếu từ HNX sang HoSE (dự kiến thực hiện trong tháng 11-12/2020).

Đáng chú ý hơn là cổ phiếu của các ngân hàng sắp chuyển niêm yết từ UPCoM sang HoSE. Giá VIB tăng đến 89% từ đầu năm đến nay và tăng mạnh nhất thời gian gần đây khi có thông tin cổ phiếu này sẽ niêm yết trên HoSE vào tháng 11 tới. Hiện cổ phiếu VIB đang giao dịch quanh mức 33.200 đồng/cổ phiếu.

Trong khi đó, mã VPB tăng từ mức 23.400 đồng/cổ phiếu ngày 12/10 lên 24.300 đồng/cổ phiếu cuối phiên 26/10. Còn cổ phiếu CTG hiện có mức giá 30.500 đồng/cổ phiếu.

Theo SSI Research, thông tin việc chuyển sàn từ UPCoM và HNX sang HoSE giúp giá cổ phiếu nhiều ngân hàng tăng trưởng vượt bậc từ đầu năm. Việc niêm yết trên HoSE có thể mang lại nhiều lợi ích cho các ngân hàng, trong đó cơ hội tăng vốn là yếu tố nổi bật nhất. Bên cạnh đó, nhà đầu tư kỳ vọng các cổ phiếu sẽ được định giá lại, nếu được chuyển niêm yết sang HoSE.

Năm 2020 là hạn chót để các ngân hàng TMCP niêm yết trên các sàn giao dịch chứng khoán chính thức theo Đề án Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025. Dưới áp lực pháp lý, các ngân hàng nhỏ hơn đã bắt đầu niêm yết trên UPCoM (Ngân hàng Bản Việt, Nam A Bank) vào năm 2020 và các ngân hàng lớn hơn có kế hoạch niêm yết trực tiếp trên HoSE (OCB, Maritime Bank, SeaBank) vào cuối năm 2020 hoặc đầu năm 2021.

Các yếu tố hỗ trợ

Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, lãi suất thấp cùng với một loạt tín hiệu vĩ mô bắt đầu chuyển sang gam màu sáng hơn đã giúp thị trường chứng khoán Việt Nam nối dài chuỗi tăng điểm trong 3 tháng gần đây. Bản thân ngành ngân hàng cũng liên tục đón nhận nhiều thông tin tích cực trong thời gian qua, đặc biệt là làn sóng chuyển sàn từ HNX và UPCoM lên HoSE của ACB, VIB, LienVietPostBank và SHB.

Đánh giá được đưa ra từ SSI Research cho rằng, nhu cầu hối thúc chuyển sàn một phần có thể do áp lực cạnh tranh, vì các ngân hàng cấp 2 khác có quy mô tương đương đang niêm yết thẳng trên HoSE. Ngoài ra, điều này có thể là do nhu cầu vốn, bởi việc niêm yết trên HoSE có thể cải thiện cơ hội thu hút vốn trong tương lai với định giá tốt hơn. Hiện tại, hệ số an toàn vốn (CAR) của SHB, VIB và LPB lần lượt là 10,36%, 9,69% và 8,59%.

Làn sóng chuyển sàn cũng giúp đánh giá lại giá trị cổ phiếu. Theo đó, việc chuyển sang sàn HoSE từ HNX và UPCoM sẽ giúp các cổ phiếu có mức định giá cao hơn do minh bạch hơn về thông tin và thanh khoản cao.

Tổng giám đốc Nam A Bank ông Trần Ngọc Tâm cho rằng, việc đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán sẽ giúp ngân hàng nâng cao hình ảnh, tiếp cận nhiều nhà đầu tư nhờ các tiêu chuẩn khắt khe hơn về tính minh bạch và thanh khoản cổ phiếu. Qua đó, ngân hàng sẽ có thêm cơ hội tìm kiếm đối tác chiến lược, thực hiện các thương vụ chào bán cổ phần hoặc bán công ty con, huy động thêm nguồn lực cho hoạt động kinh doanh.

Ngày 9/10, hơn 389 triệu cổ phiếu NAB của Nam A Bank đã chào sàn UPCoM. Nam A Bank đang trong quá trình thực hiện kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 7.000 tỷ đồng, trong đó có mục tiêu chốt room ngoại (hiện còn 30%).

Một yếu tố khác giúp nhà đầu tư gia tăng kỳ vọng đối với cổ phiếu ngân hàng là kết quả kinh doanh quý III cũng như cả năm 2020 không quá thấp trong bối cảnh Covid-19. Một loạt ngân hàng đã và đang công bố lợi nhuận 9 tháng đầu năm: ACB đạt 6.411 tỷ đồng trước thuế; Sacombank đạt 2.325 tỷ đồng; VIB đạt 4.025 tỷ đồng; Viecombank đạt 16.000 tỷ đồng; LienVietPostBank đạt 1.741 tỷ đồng. Kết quả này cho thấy, hầu hết các nhà băng đều đã hoàn tất 90% kế hoạch cả năm.

Cổ phiếu ngân hàng tiếp tục dẫn dắt thị trường chứng khoán

Theo đánh giá từ các chuyên gia phân tích của Công ty cổ phần Chứng khoán Mirae Asset, cổ phiếu ngân hàng sẽ tiếp tục là nhóm dẫn dắt thị trường khi chiếm lượng vốn hóa gần 1/4 thị trường. Bên cạnh đó, chỉ số kinh tế vĩ mô tích cực, Việt Nam là quốc gia kiểm soát tốt Covid-19, vị trí địa lý thuận tiện, tiếp tục thu hút dòng vốn đầu tư ngoại, mặt bằng lãi suất giảm là những yếu tố thuận lợi để thúc đẩy thị trường chứng khoán tiếp tục tăng trưởng.
Thị trường chứng khoán: Cổ phiếu ngân hàng, bán lẻ sẽ đóng vai trò dẫn dắt
Với một nền kinh tế đang mở rộng trên nhiều mặt, có rất nhiều ngành đang trong xu thế tăng trưởng như ngân hàng, bất động sản, bán lẻ,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư