Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Coi Việt Nam là thị trường quan trọng, Boeing quyết định sẽ mở rộng hợp tác
Nhã Nam - 01/06/2022 19:12
 
Ông Michael Arthur, Phó chủ tịch cấp cao Tập đoàn Boeing kiêm Chủ tịch phụ trách Boeing toàn cầu trong chuyến thăm Việt Nam mới đây đã chia sẻ về các kế hoạch đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
Ông Michael Authur, Phó chủ tịch cấp cao Tập đoàn Boeing kiêm Chủ tịch phụ trách Boeing toàn cầu

Thưa ông, Boeing là nhà sản xuất hàng đầu thế giới về máy bay thương mại, cung cấp máy bay cho hàng trăm hãng hàng không trên toàn cầu. Việt Nam chỉ là một thị trường nhỏ và hiện tại chỉ có Vietnam Airlines và Bamboo Airways khai thác máy bay Boeing 787 Dreamliners. Vậy Boeing có thể tham gia phát triển hệ sinh thái hàng không của Việt Nam như thế nào?

Chúng tôi rất vui và tự hào được làm việc cùng hai đối tác tại Việt Nam nói trên. Nhưng Việt Nam không phải là một thị trường nhỏ, mà thực tế, chúng tôi nhận thấy Việt Nam là một thị trường hàng không rất quan trọng.

Tôi nghĩ chỉ trong vài năm tới, Việt Nam sẽ trở thành trung tâm hàng không lớn, cũng như sẽ là đối tác quan trọng trong ngành. Vì vậy, Boeing quyết định sẽ mở rộng hợp tác với Việt Nam, và đó cũng là lý do tại sao tôi đến Việt Nam lần này.

Chúng tôi cũng đã đặt văn phòng tại Việt Nam dưới sự lãnh đạo của ông Michael Nguyen - Tổng Giám đốc Boeing Việt Nam, và rất tự hào khi có đại diện của tập đoàn tại đây.

Trước đây ít ngày, tại Thủ đô Washington D.C., chúng tôi đã được diện kiến Thủ tướng Phạm Minh Chính và đã trao đổi với ngài Thủ tướng về ngành hàng không Việt Nam. Trong chuyến viếng thăm Việt Nam, chúng tôi cũng có cơ hội diện kiến Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và đã chia sẻ chiến lược mở rộng hoạt động của chúng tôi tại Việt Nam.

Tôi nghĩ rằng, đây là bước khởi đầu của một hành trình và ngành hàng không sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam. Khi Việt Nam mở rộng kết nối với thế giới thì lượng du khách đến Việt Nam sẽ tăng lên. Việt Nam sẽ cần thêm máy bay và chúng tôi mong muốn đồng hành cùng Việt Nam trên hành trình này.

Rất cảm ơn ông đã đánh giá cao tầm quan trọng của thị trường hàng không Việt Nam. Vậy ông có thể cho biết kế hoạch mở trung tâm kỹ thuật, thiết lập các trung tâm đào tạo, và mở rộng hợp tác với các đối tác tại Việt Nam của Boeing trong thời gian tới?

Khi chúng ta nói về một sự phát triển nào đó, ta thường nói về xuất phát điểm. Và hôm nay chính là một xuất phát điểm.

Hiện nay đã có rất nhiều nhà cung cấp linh kiện cho máy bay Boeing đang hoạt động tại Việt Nam, hoặc làm việc trực tiếp với Boeing hoặc gián tiếp thông qua các đối tác ở Nhật Bản và Hàn Quốc. Trên tất cả các máy bay Boeing mới đều có các linh kiện do các nhà sản xuất Việt Nam cung cấp. Vì vậy chúng tôi không muốn chỉ dừng lại ở đó mà muốn mở rộng hơn, và đó là mục đích của việc mở rộng hoạt động của chúng tôi tại đây.

Hiện tại, đầu tư vào các hoạt động đào tạo, kỹ thuật hay chuyển đổi số trong ngành hàng không đều quan trọng và đầy tiềm năng. Đây là xuất phát điểm, vì vậy chúng tôi sẽ tìm hiểu những cơ hội có thể mang lại lợi ích tốt nhất cho Việt Nam và Boeing, từ đó tập trung mở rộng hợp tác tương ứng.

Hiện nay, hạ tầng hàng không Việt Nam đủ khả năng thích ứng với những công nghệ mới để hướng tới phát triển hàng không bền vững trong thời gian tới. Năm 2020, đại diện của Boeing đã cam kết hỗ trợ ngành hàng không Việt Nam phát triển hướng tới sự an toàn, bền vững và hiệu quả hơn. Xin ông cho biết trong tương lai, Boeing sẽ làm gì để thực hiện cam kết này?

Có thể nói, đây là một hành trình thú vị của ngành hàng không nói chung, đặc biệt khi 80% người dân chưa từng được đi máy bay. Trong thời gian tới, thị trường này có dư địa phát triển rất lớn.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay, việc xanh hóa và bền vững hóa ngành hàng không có ý nghĩa rất quan trọng. Một trong những phương thức mà các hãng hàng không có thể áp dụng là thay thế các máy bay cũ tiêu thụ nhiên liệu và phát thải nhiều bằng các máy bay mới tân tiến hơn, tiết kiệm nhiên liệu hơn, thân thiện với môi trường hơn.

Một phương thức khác là sử dụng nhiên liệu hàng không bền vững. Chúng tôi đang nghiên cứu hợp tác trên toàn thế giới, và nhận thấy Việt Nam là một trong những quốc gia đáng chú ý đang phát triển nhiên liệu hàng không bền vững từ nhiên liệu sinh học hoặc thông qua các công nghệ khác, và Việt Nam thực sự có tiềm năng lớn để phát triển nhiên liệu sinh học.

Hiện tại Boeing không sản xuất nhiên liệu hàng không nhưng chúng tôi sẽ làm việc với các đối tác trong ngành năng lượng. Chúng tôi mong muốn cùng các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học tại Việt Nam tìm hiểu các cơ hội hợp tác để sản xuất nhiên liệu hàng không bền vững trong tương lai. Đây là con đường mà chúng tôi dự định theo đuổi.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp ông Michael Arthur (ảnh: TTXVN)

Ông có thể chia sẻ kế hoạch thiết lập các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng của Boeing tại Việt Nam nhằm giúp các hãng hàng không trong nước có đội bay Boeing hiện đại, tiên tiến và vận hành an toàn, hiệu quả?

Thực ra, các cơ sở bảo trì, bảo dưỡng thường là do các hãng hàng không xây dựng và vận hành. Nhà sản xuất máy bay như Boeing chỉ hỗ trợ các hãng hàng không để họ thực hiện các hoạt động đó hiệu quả hơn.

Có thể nói, khi hoạt động của chúng tôi tại Việt Nam phát triển, cơ sở hạ tầng hỗ trợ cũng sẽ phát triển theo. Vì thế chúng tôi thường xuyên trao đổi với các hãng hàng không để giúp họ trong lĩnh vực này.

Một trong những điểm mạnh của Việt Nam là Việt Nam có nguồn nhân lực tài năng và hệ thống giáo dục tốt. Vì vậy, lực lượng lao động của Việt Nam có thể đóng góp vào sự phát triển hạ tầng hàng không. Chúng tôi rất mong được đồng hành với các đối tác hàng không trong nước để khai thác và phát triển năng lực của Việt Nam.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư