Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Công cụ "bóc" sở hữu chéo
Hà Tâm - 22/11/2017 09:39
 
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có thêm công cụ thúc đẩy tái cơ cấu hệ thống ngân hàng khi Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng vừa được Quốc hội thông qua, chính thức có hiệu lực từ ngày 15/1/2018.
.

Gần hai năm nay, tái cơ cấu ngân hàng dường như chậm lại. Các ngân hàng yếu kém mới chỉ được “khoanh vùng” mà chưa thể xử lý triệt để. Đại diện NHNN nhiều lần thừa nhận, sở hữu chéo vẫn còn tồn tại; tình trạng cổ đông lớn chây ỳ, chống đối, bất hợp tác tái cơ cấu vẫn diễn ra trong khi các chế tài xử lý còn thiếu.

Nhưng với dự án luật sửa đổi, NHNN đã có thêm nhiều công cụ để “bóc” sở hữu chéo, chống tình trạng dùng vốn ảo mua ngân hàng; chống tình trạng nhóm cổ đông dùng thủ đoạn lách luật thâu tóm ngân hàng với giá rẻ hay tình trạng chống đối tái cơ cấu của các cổ đông lớn.

Thứ nhất, Dự án luật yêu cầu nguồn tiền mua cổ phần ngân hàng phải chứng minh nguồn gốc. Trước đây, một số cá nhân dù nợ nần chồng chất, song nhờ lòng vòng chuyển vốn qua công ty sân sau, nên vẫn có thể “phù phép”, xoay đủ ngàn tỷ để mua lại các ngân hàng.

Hậu quả là ngân hàng sau khi mua lại ngày càng thua lỗ, âm vốn. Một khi NHNN kiểm soát được dòng tiền thực, thủ đoạn này sẽ không thể lặp lại.

Thứ hai, các quy định về sở hữu chéo bị siết chặt, từ việc giới hạn nắm cổ phần, cấp tín dụng đến việc sở hữu công ty sân sau. Theo quy định mới, tổ chức tín dụng cổ phần phải có tối thiểu 100 cổ đông. Cổ đông lớn của một tổ chức tín dụng và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu cổ phần từ 5% trở lên vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng khác.

Thực tế, rất nhiều ngân hàng rơi vào thua lỗ, đứng bên bờ vực phá sản thời gian qua đều xuất phát từ tình trạng một nhóm cổ đông thâu tóm ngân hàng, vi phạm nguyên tắc quản trị, biến ngân hàng đại chúng thành ngân hàng phục vụ công ty sân sau, cho vay các dự án rủi ro.

Với quy định mới, việc lách luật sở hữu chéo sẽ trở nên khó khăn hơn. Đồng thời, tình trạng sử dụng các “chiêu” trên thị trường chứng khoán để thâu tóm, chiếm đoạt ngân hàng với giá rẻ cũng sẽ được ngăn chặn hiệu quả hơn.   

Thứ ba, nếu như trước đây, việc xử lý ngân hàng yếu kém gặp rất nhiều khó khăn vì các cổ đông lớn chống đối, hành lang xử lý chưa rõ ràng, thì giờ đây, Dự án luật đã đưa ra quy trình xử lý rất cụ thể. Theo đó, các ngân hàng nếu bị rơi vào tình trạng kiểm soát đặc biệt, thực hiện mọi biện pháp để phục hồi, mà vẫn không thể vực dậy thì chỉ còn 4 cách là sáp nhập, hợp nhất chuyển nhượng cổ phần; giải thể; chuyển giao bắt buộc hoặc phá sản.

Như vậy, giờ đây, cổ đông lớn của ngân hàng không thể ung dung, chây ỳ tái cơ cấu với tư duy là Chính phủ không cho phép ngân hàng phá sản. Thực tế, mọi tổ chức tín dụng nếu không nỗ lực tái cơ cấu, tìm đối tác để M&A đều có nguy cơ bị giải thể, chuyển giao bắt buộc, thậm chí là phá sản. Sự cảnh báo không chỉ với ngân hàng yếu, mà với toàn bộ hệ thống và với cả người gửi tiền.

Đương nhiên, phá sản ngân hàng chỉ là giải pháp cuối cùng, được tiến hành thận trọng và không gây ra hiệu ứng đô - mi - nô toàn hệ thống. Với người gửi tiền, Dự án luật cũng đã cho phép chi bảo hiểm vượt hạn mức trong trường hợp phá sản ngân hàng, thay vì mức bảo hiểm tối đa 75 triệu đồng như hiện nay.

Rõ ràng, với hành lang pháp lý đầy đủ và hoàn thiện, có thể đẩy nhanh việc xử lý ngân hàng yếu kém vào đầu năm tới. Tuy vậy, mục tiêu của Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng không phải là xử phạt các ngân hàng yếu kém hay đẩy các ngân hàng yếu vào tình thế phá sản. Tinh thần cao nhất ở đây là làm sao để giúp quá trình tái cơ cấu ngân hàng yếu được đẩy nhanh hơn, dần loại bỏ các ông chủ quá yếu, thay vào đó là những ông chủ mới có năng lực về vốn, quản trị, giúp các tổ chức tín dụng yếu có thêm sự hỗ trợ về mặt cơ chế để nhanh chóng phục hồi và quay lại thị trường, từ đó củng cố niềm tin của người dân đối với hệ thống ngân hàng.

Sau các đại án, Thống đốc chỉ đạo siết sở hữu chéo, lợi ích nhóm
Người đứng đầu NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng phải tăng cường tính minh bạch, công khai trong hoạt động, đặc biệt là hoạt động tín...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư