Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Công nghệ đang tái định hình nguồn nhân lực ngành dịch vụ tài chính
Hồng Phúc - 13/06/2021 11:30
 
Bà Đinh Hồng Hạnh, lãnh đạo dịch vụ tài chính PwC Việt Nam cho rằng, các doanh nghiệp cần bắt đầu tập trung vào việc đảm bảo yếu tố con người và công nghệ có thể bổ trợ cùng nhau.

Do ảnh hưởng của Covid-19, ngành dịch vụ tài chính tại Việt Nam đã trải qua nhiều biến động lớn. 

Tuy nhiên, từ dự đoán nền kinh tế số Việt Nam vào năm 2025 sẽ đạt 52 tỷ USD, tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm vào khoảng 29%, nhiều ứng dụng của công nghệ điện tử trong ngành dịch vụ tài chính sẽ tiếp tục xuất hiện. 

Hiện, các ngân hàng tại Việt Nam theo đuổi những hình thức chuyển đổi số khác nhau.

Những ví dụ điển hình trong việc số hóa các dịch vụ ngân hàng đang có sẵn bao gồm Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) và ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank).

Ngoài ra còn phải kể đến ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), với sự ra mắt của hai ngân hàng số Timo và YOLO.

Theo sát định hướng phát triển và kế hoạch chuyển đổi số do Ngân hàng Nhà nước đề ra, các ngân hàng nói riêng và ngành dịch vụ tài chính nói chung sẽ tiếp tục tăng cường đầu tư trong tương lai.

Trong bối cảnh biến động gia tăng, lãnh đạo các tổ chức tài chính lạc quan về tác động của công nghệ đối với việc làm và sẵn sàng đón nhận thay đổi. 

Cụ thể, theo báo cáo “Nâng cao kỹ năng số trong Ngành Tài chính: Bước kế tiếp?” của PwC Việt Nam, 97% lãnh đạo cấp cao (C-suite) trong các doanh nghiệp dịch vụ tài chính tham gia khảo sát tin rằng công nghệ sẽ mang lại ảnh hưởng tích cực tới triển vọng việc làm trong tương lai. 

Một nửa (50%) dự đoán công việc của họ sẽ thay đổi hoàn toàn hoặc gần như hoàn toàn trong mười năm tới. 

Con số này đồng thời cho thấy các lãnh đạo doanh nghiệp nhìn nhận những thay đổi về công việc mang tính cấp bách hơn so với các nhóm vị trí khác trong khảo sát.

Cụ thể, ở nhóm quản lý/chuyên gia là 30% và nhân viên văn phòng là 41%. 

.
Tỷ lệ người lao động (theo cấp bậc) cảm thấy lo lắng rằng tự động hoá khiến họ phải đối mặt rủi ro về việc làm.

Quan điểm này về những thay đổi sâu rộng của công nghệ trong mắt các nhà điều hành doanh nghiệp cũng đi cùng với xu hướng toàn cầu. 

Tại Việt Nam, theo kế hoạch Chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ngành dịch vụ tài chính đã được chỉ định vai trò tiên phong trong việc thiết lập một hệ thống số hóa toàn diện, lấy con người làm trung tâm.

Bà Đinh Hồng Hạnh, lãnh đạo dịch vụ tài chính tại PwC Việt Nam nhận định, Covid-19 đã mang đến cả những gián đoạn và đổi mới đáng kể cho ngành dịch vụ tài chính. 

Trên toàn cầu và tại Việt Nam, ngành dịch vụ tài chính đã có những bước chuyển mình nhanh chóng để hỗ trợ và đồng hành cùng khách hàng vượt qua đại dịch. 

Cùng với đó, các chương trình chuyển đổi số đã và đang được thúc đẩy vượt ra ngoài mọi dự đoán. Những thay đổi này sẽ mang tính lâu dài.

Công nghệ được cho là đang tái định hình nguồn nhân lực của ngành dịch vụ tài chính một cách nhanh chóng.

Và để triển khai công nghệ một cách hiệu quả, theo bà Hạnh, các doanh nghiệp cần bắt đầu tập trung đảm bảo yếu tố con người và công nghệ có thể bổ trợ, vận hành tốt cùng nhau.

“Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp dịch vụ tài chính tại Việt Nam không chỉ thích ứng nhanh nhạy mà còn phải tập trung nhiều hơn vào tài sản quan trọng nhất là nguồn nhân lực”, bà Đinh Hồng Hạnh nói. 

.
Các kỹ năng làm việc mà người lao động muốn được rèn luyện, phát triển nhất.

Bởi cũng theo khảo sát, gần một nửa (49%) người được hỏi hiện ở cấp bậc nhân viên văn phòng cho biết họ có lo ngại lớn về việc tự động hóa sẽ khiến công việc gặp rủi ro. 

Nhóm lao động này bao gồm các vị trí như giao dịch viên và nhân viên hành chính, tỏ ra lo lắng nhất về rủi ro công việc. 

Một lần nữa, điều này có thể được lý giải rằng tính chất các công việc này đa số được lặp lại mỗi ngày và có thể được cải thiện đáng kể bằng tự động hóa và máy móc.

Tuy nhiên, họ sẵn sàng tham gia các khoá học, đào tạo để được nâng cao kiến thức để sử dụng hiệu quả các công nghệ mới.

Mặt khác, 41% người tham gia khảo sát cho biết họ đang tự học các kỹ năng mới để hiểu rõ và sử dụng công nghệ thành thạo hơn. 

Có thể thấy từ cả góc độ tổ chức và cá nhân, ngành dịch vụ tài chính ở Việt Nam đang có những bước chủ động để tiếp cận việc nâng cao kỹ năng và tăng cường năng lực nội bộ.

Ông Võ Tấn Long, Giám đốc chuyển đổi số PwC Việt Nam nhận xét, công nghệ sẽ thay đổi cách mọi người làm việc, nhưng không thể khiến con người trở nên dư thừa. 

Cùng với công nghệ, nhiều công việc mới sẽ xuất hiện, trong khi có những công việc khác sẽ biến mất. 

“Nâng cao năng lực số sẽ là chìa khóa quyết định sự thành công cho ngành dịch vụ tài chính trong tương lai”, ông Long nói.

Ngân hàng tập trung số hoá dịch vụ cho vay
Các ngân hàng khu vực châu Á Thái Bình Dương (APAC) đang ra sức, tập trung số hóa hoạt động cho vay, kế đến là trọng tâm về tiền gửi. Xu hướng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư