Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 24 tháng 11 năm 2024,
Công nghệ sản xuất vắc-xin của Việt Nam được thế giới đánh giá cao
D.Ngân - 08/04/2021 08:51
 
WHO chính thức thông báo hệ thống quản lý quốc gia về vắc-xin của Việt Nam đã đạt cấp độ hoàn thiện 3, cấp độ cao thứ hai trong thang đánh giá phân loại của WHO.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chính thức thông báo hệ thống quản lý quốc gia về vắc-xin của Việt Nam (National Regulatory Authority - NRA) đã đạt cấp độ hoàn thiện 3, cấp độ cao thứ hai trong thang đánh giá phân loại của WHO về hệ thống quản lý quốc gia.

Công nghệ sản xuất vắc-xin của Việt Nam được thế giới đánh giá cao.

Quá trình đánh giá NRA được WHO thực hiện theo Bộ công cụ đánh giá toàn cầu (Global Benchmarking Tool - GBT) với một loạt các chức năng và tiêu chí cụ thể nhằm bảo đảm chất lượng, an toàn và hiệu quả của vắc-xin lưu hành trên thị trường.

Trước đó, vào tháng 4/2015, hệ thống quản lý quốc gia về vắc-xin của Việt Nam đã đạt được chứng nhận “Hoạt động tốt” theo Bộ công cụ đánh giá vắc-xin của WHO.

Ba năm sau, vào năm 2018, WHO đã cử nhóm chuyên gia quốc tế đến Việt Nam thực hiện việc đánh giá lại hệ thống NRA dựa trên bộ công cụ GBT cập nhật và hoàn thiện hơn (phiên bản V).

Hệ thống NRA về vắc-xin của Việt Nam được duy trì và phát triển trong suốt những năm qua không chỉ đáp ứng được nhu cầu vắc-xin trong nước (vắc-xin do Việt Nam sản xuất đáp ứng phần lớn nhu cầu vắc-xin cho Chương trình Tiêm chủng mở rộng) mà còn tạo tiền đề cho NRA trở thành cơ quan quản lý uy tín, tạo tiền đề xuất khẩu các vắc-xin sản xuất trong nước và đóng góp vào chuỗi cung ứng vắc-xin toàn cầu.

Hiện nay, Việt Nam đã sản xuất được 11 loại vắc-xin phòng 11 bệnh cho Chương trình Tiêm chủng mở rộng (lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm não Nhật Bản, tả, thương hàn, sởi, rubella, bại liệt).

Ngoài ra còn có thể sản xuất nhiều loại vắc-xin khác như: cúm mùa, cúm đại dịch H5N1, rotavirus. Các nhà máy sản xuất vắc-xin của Việt Nam hiện nay được xây dựng đủ cung ứng cho nhu cầu trong nước và đáp ứng được nhu cầu xuất khẩu.

Việt Nam có 4 nhà sản xuất đang nghiên cứu vắc-xin phòng Covid-19, trong đó 2/4 nhà sản xuất đang thực hiện thử nghiệm lâm sàng và hướng tới đăng ký lưu hành vắc-xin phòng Covid-19 “Made in Vietnam” trong năm 2021.

Liên quan tới việc thử nghiệm hai loại vắc-xin do Việt Nam nghiên cứu, phát triển, đến nay 551 người đã tiêm mũi 2 giai đoạn 2 vắc xin Nano Covax; 66 người tiêm mũi 1 giai đoạn 1 vắc xin Covivax.

Được biết Nano Covax là vắc xin phòng Covid-19 do Công ty Nanogen nghiên cứu, phát triển, đưa vào thử nghiệm lâm sàng từ tháng 12/2020. Đến nay, thử nghiệm lâm sàng đã bước qua giai đoạn hai, mở rộng ra nhóm người cao tuổi và có bệnh lý nền.

Hiện, 108 người cao tuổi đã được tiêm thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2, trong đó, cao nhất là 76 tuổi. Sau tiêm, họ đều có phản ứng nhẹ, không có biểu hiện bất thường.

Đối với vắc xin Nano Covax, sau khi kết thúc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1, 100% người được tiêm đều an toàn, sinh kháng thể với nồng độ cao, có tác dụng bảo vệ tốt và được thử nghiệm hiệu quả trên các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 như chủng phát hiện ở Anh.

Theo kế hoạch, cuối tháng 4/2021, sẽ có đánh giá kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 của vắc xin NanoCovax, và đang có triển vọng rất lạc quan.

Dự kiến đầu tháng 5/2021, vắc xin NanoCovax sẽ thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3.

Căn cứ vào kết quả thử nghiệm giai đoạn 1 và giai đoạn 2 đến thời điểm hiện tại, tất cả các chuyên gia đều rất lạc quan cho rằng nếu thuận lợi, thậm chí cuối quý 3/2021 sẽ hoàn thành thử nghiệm giai đoạn 3 đối với vắc xin Nano Covax, rút ngắn tiếp 3 tháng so với kế hoạch dự kiến trước đó.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cảm ơn quốc tế đã hỗ trợ vắc-xin Covid-19 cho Việt Nam
Chiều ngày 1/4, tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã diễn ra Lễ tiếp nhận 811.200 liều vắc-xin phòng Covid-19 của COVAX Facillity thông qua UNICEF.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư