Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Công ty chứng khoán săn đối tác M&A
Chí Tín - 17/05/2016 14:48
 
Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect vừa bắt tay với Công ty cổ phần Chứng khoán Kim Long để tiếp quản tài khoản nhà đầu tư cá nhân giao dịch tại Kim Long sau khi Kim Long giải thể. Đây được xem là một khoản hời, khiến không ít công ty chứng khoán khác thèm muốn.

Việc Kim Long giải thể và để lại danh sách nhà đầu tư được coi là khoản trên trời rơi xuống cho công ty chứng khoán tiếp quản trong trường hợp này là VNDirect. Việc này giúp tham vọng cải thiện địa vị của VNDirect trong việc thăng hạng trong mảng môi giới đang dần được hiện thực hóa. Theo kế hoạch kinh doanh năm 2016, VNDirect dự kiến đạt thị phần môi giới khoảng 7%, so với con số 6,21% trong năm 2015.

Theo thỏa thuận hợp tác giữa Kim Long và VNDirect, nhà đầu tư có tài khoản ở Kim Long, nếu không tự tất toán, thì Kim Long sẽ chuyển tài khoản sang VNDirect, thời gian chuyển giao bắt đầu từ ngày 4/6/2016 và hoàn thành vào ngày 18/6/2016.

.
IVS sẽ tìm kiếm một công ty chứng khoán nhỏ để có thể sáp nhập nhằm tăng thêm vị thế và sức ảnh hưởng trong tương lai

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc Khối Dịch vụ chứng khoán của VNDirect cho biết, Công ty đang xây dựng một số chương trình dành riêng cho nhóm khách hàng này, trong đó có một số ưu đãi đặc biệt.

Nhìn vào bức tranh toàn cục của lĩnh vực kinh doanh chứng khoán, cuộc đua trong năm 2016 và các năm tới có thể sẽ rất gay gắt trong 2 mảng môi giới và tư vấn. Do đó, việc một doanh nghiệp trụ được trong nhóm công ty có thị phần môi giới lớn nhất sẽ có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong cuộc chiến không khoan nhượng này. Trong bối cảnh đó, các công ty chứng khoán buộc phải tìm mọi cách để tăng vị thế trong cả lĩnh vực môi giới và tư vấn.

Trường hợp VNDirect được ôm trọn các nhà đầu tư của Kim Long chỉ là “món quà bất ngờ”, trong khi các công ty chứng khoán khác sẽ phải chủ động tìm đến các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) nhằm tập hợp sức mạnh để sinh tồn và phát triển.

Ông Nguyễn Duy Toại, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Chứng khoán Đầu tư Việt Nam (IVS) cho biết, trong năm 2016, IVS sẽ tìm kiếm một công ty chứng khoán nhỏ để có thể sáp nhập nhằm tăng thêm vị thế và sức ảnh hưởng trong tương lai. Cùng với việc săn đối tác M&A, IVS cũng dự kiến tăng vốn khủng lên gấp hơn 2 lần hiện tại thông qua việc phát hành 18,9 triệu cổ phần để tăng vốn điều lệ lên 350 tỷ đồng.

Cũng theo ông Toại, IVS sẽ dùng toàn bộ số tiền thu được từ phát hành để tăng cường sức mạnh của mình nhằm hiện thực hóa tham vọng bước lên một đẳng cấp khác. IVS có kế hoạch dành 164 tỷ đồng để mở rộng các nghiệp vụ, trong đó, 100 tỷ đồng để cho vay ký quỹ và 64 tỷ đồng dành cho đầu tư tự doanh. Ngoài ra, Công ty cũng sẽ dành 20 tỷ đồng để mở rộng mạng lưới hoạt động và 5 tỷ đồng để đầu tư nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin và xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu chứng khoán cho bộ phận nghiên cứu, phân tích.

Dấn thân vào các thương vụ M&A, các công ty chứng khoán không những kỳ vọng có thể gộp sức để cải thiện vị thế trong mảng môi giới, mà còn kỳ vọng có những cuộc cải tổ trong lĩnh vực tư vấn.

Trong thương vụ Công ty Chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương (APEC) dự kiến sáp nhập Công ty Chứng khoán Sen Vàng (GLS), ông Nguyễn Đỗ Lăng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị APEC đã chia sẻ, mặc dù giá trị sổ sách của Sen Vàng chỉ còn một nửa so với vốn góp ban đầu, nhưng Sen Vàng cũng có những lợi thế nhất định. Đó là, các cổ đông của Sen Vàng như Gạch Đồng Tâm, Nhà Thủ Đức, Nhà Đồng bằng sông Cửu Long… đều là doanh nghiệp lớn, nên các công ty này có thể hỗ trợ nhiều cho chiến lược kinh doanh của công ty mới sau sáp nhập.

Với việc sáp nhập Sen Vàng, APEC kỳ vọng trở thành công ty chứng khoán đứng đầu trong mảng dịch vụ ngân hàng đầu tư.

Sớm xoá sổ công ty chứng khoán "èo uột"
“Nhiều quy định mới tại Thông tư 07/2016/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Thông tư 210/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn thành lập và hoạt động...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư