Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Công ty con của Gelex tích cực M&A, huy động 1.000 tỷ đồng từ kênh trái phiếu
Thanh Thủy - 13/01/2021 14:29
 
Ngoài Viglacera là doanh nghiệp Gelex đặt mục tiêu mua cổ phần với tỷ lệ chi phối, hệ thống các doanh nghiệp nhà Gelex cũng đang tích cực mua lại cổ phần của các doanh nghiệp trên sàn.
Gelex vừa huy động 1.000 tỷ đồng từ kênh trái phiếu, thế chấp bằng 66 triệu cổ phiếu VGC
Gelex vừa huy động 1.000 tỷ đồng từ kênh trái phiếu, thế chấp bằng 66 triệu cổ phiếu VGC

Thông tin từ Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội cho biết CTCP Hạ tầng Gelex, doanh nghiệp do Tổng công ty Cổ phần Thiết bị điện (Gelex, mã GEX-HoSE) sở hữu 100% vốn, đã hoàn tất phát hành lô trái phiếu trị giá 1.000 tỷ đồng. Trái phiếu có kỳ hạn 3 năm, thanh toán lãi 6 tháng/lần. Trái chủ được quyền yêu cầu tổ chức pháp hành mua lại trái phiếu kể từ năm thứ 2 sau ngày phát hành.

Tài sản đảm bảo cho lô trái phiếu trên là 66 triệu cổ phiếu VGC của Tổng công ty Viglacera do Gelex sở hữu. VGC đã tăng giá hơn 60% từ đầu năm đến nay. Tính theo giá cổ phiếu đóng cửa ngày 12/1, giá trị lô cổ phiếu trên đạt hơn 1.800 tỷ đồng. Giá trị khoản vay bằng 56% giá trị lô cổ phiếu trên.

Hồi tháng 10, nhóm cổ đông Gelex đang nắm giữ đã nâng tỷ lệ sở hữu Viglacera lên 46,07% sau đợt chào mua công khai cổ phiếu. Số cổ phiếu VGC dùng để thế chấp trên tương đương gần 32% lượng cổ phiếu nhóm này.

Ngày phát hành lô trái phiếu là 26/11/2020 nhưng Hạ tầng Gelex mới công bố kết quả phát gần đây. 

Bên cạnh hoạt động huy động vốn, năm 2020 vừa qua cũng là khoảng thời gian các công ty nhóm Gelex đang tích cực đầu tư, đặc biệt thông qua các thương vụ M&A. Gần đây nhất, CTCP Thủy điện Nậm Mu (mã HJS-sàn HNX) bất ngờ xuất hiện hai cổ đông lớn gồm CTCP Hạ tầng Gelex và Quỹ đầu tư giá trị Bảo Việt (BVIF). Quỹ trên đã chi ra 178,5 tỷ đồng để mua 5,1 triệu cổ phiếu HJS, tương đương 24,29% vốn. Còn Hạ tầng Gelex trở thành cổ đông lớn tại CTCP Thủy điện Nậm Mu (mã HJS-sàn HNX) từ ngày 31/12/2020. Công ty con của Gelex đã mua vào 3,41 triệu cổ phiếu, chiếm 16,23% vốn điều lệ thông qua các giao dịch trên sàn. Số tiền bỏ vào ước tính lên tới gần 100 tỷ đồng.

Ngoài ra, vào đầu tháng 6/2020, một công ty con khác của Gelex là Công ty TNHH MTV Năng lượng Gelex đã mua 15,8 triệu cổ phiếu PXL, tương đương 19,14% vốn  Tổng Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển KCN Dầu khí-Long Sơn (UpCOM). Số cổ phần trên được công ty mua lại từ Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVX) và một số cổ đông cá nhân. Đến tháng 7/2020, Gelex trực tiếp mua thêm cổ phần, qua đó nâng tổng tỷ lệ sở hữu của nhóm cổ đông này lên 25,47%.

Bản thân Gelex cũng thực hiện chào mua công khai cổ phiếu của Viglacera với mục tiêu nâng sở hữu lên mức chi phối. Tuy nhiên, việc chậm trễ thoái phần vốn Nhà nước của Bộ Xây dựng tại Viglacera khiến công ty gặp khó trong việc nâng mức nắm giữ lên 51%. Tỷ lệ sở hữu hiện tại là 46,07%. Tại cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường, Gelex tiếp tục khẳng định định hướng đưa Viglacera trở thành công ty con để hợp nhất vào kết quả kinh doanh. Thực tế, trong nhiều trường hợp, một doanh nghiệp không nhất thiết phải đạt sở hữu chi phối mà vẫn có thể trở thành công ty mẹ.

Đến cuối quý III/2020, quy mô tài sản của Gelex đạt 23.566 tỷ đồng, vượt mốc 1 tỷ USD. Cơ cấu tổ chức của Gelex xây dựng theo mô hình holdings, gồm các công ty con chính: Năng lượng Gelex, Thiết bị điện Gelex, Hạ tầng Gelex. Gelex Logistics từng là một phần trong nhóm các công ty thành viên nhưng đã bị thoái toàn bộ vốn cho đối tác trong năm 2020.

Chủ tịch Gelex lần đầu đăng ký mua 15 triệu cổ phiếu
Chủ tịch Tổng công ty Gelex, ông Nguyễn Văn Tuấn lần đầu tiên đăng ký mua vào cổ phiếu của doanh nghiệp do ông đang đảm đương hai vị trí cao...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư