Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 13 tháng 10 năm 2024,
Covid-19 lại tấn công vào thành trì hệ thống y tế
D.Ngân - 13/06/2021 18:14
 
Ngày 13/6, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM đã hoàn thành xét nghiệm RT-PCR cho 887 nhân viên, phát hiện 53 ca dương tính, chủ yếu tại khối hành chính.

Nối dài danh sách

53 nhân viên y tế mắc Covid-19 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM đều được tiêm vắc xin Covid-19 đầy đủ 2 liều. Các bệnh nhân đang điều trị các bệnh khác tại Bệnh viện đều âm tính với SARS-CoV-2.

 Có những loại vắc-xin hiệu lực bảo vệ với 90% nhưng có vắc-xin chỉ hiệu lực bảo vệ khoảng 50%-60%. Như vậy, một số người đã tiêm vắc-xin vẫn có khả năng mang virus và lây bệnh cho người khác.

Đồng thời, Bệnh viện cũng đã lấy mẫu xét nghiệm tất cả 88 bệnh nhân (không phải bệnh nhân Covid-19) hiện có tại các Khoa. Tất cả xét nghiệm SARS-CoV-2 này đều âm tính.

Đáng chú ý, ngày 9/6, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP. HCM đã làm xét nghiệm tầm soát định kỳ Covid-19 cho nhân viên y tế trực tiếp tiếp xúc với bệnh nhân nhiễm Covid-19 đang điều trị tại bệnh viện. Kết quả 100% âm tính với SARS-CoV-2.

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM là đơn vị tiếp nhận và điều trị các bệnh nhân Covid-19 nặng. Hiện tại, bệnh viện đã bị phong tỏa từ chiều 12/6, sau khi ghi nhận 22 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 là nhân viên bệnh viện.

Theo lãnh đạo Bệnh viện, cơ quan này đang phối hợp cùng Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM điều tra dịch tễ và nhận định nhiều khả năng chùm lây nhiễm này bắt nguồn từ khối hậu cần của bệnh viện, có nguồn gốc từ cộng đồng và lan đến một số nhân viên khoa cận lâm sàng, khoa lâm sàng qua quá trình làm việc với nhân viên công nghệ thông tin và nhân viên quản trị.

Trong những ngày làm việc tới, Bệnh viện sẽ bố trí các vị trí việc làm phù hợp với thực tế, bảo đảm vừa duy trì hoạt động điều trị chăm sóc bệnh nhân, vừa an toàn phòng, chống dịch.

Ngoài ra, Bệnh viện tiếp tục phối hợp với Đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford theo dõi diễn tiến lâm sàng, nồng độ vi rút của các ca dương tính sau khi đã tiêm chủng vắc-xin nhằm đánh giá hiệu quả của vắc xin Covid-19.

Trước thực tế trên tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, ngày 13/6, Đoàn Bộ Y tế đã đến làm việc với Bệnh viện này.

Theo Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn, việc phát hiện các ca dương tính SARS-CoV-2 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM cần phải được điều tra, đánh giá kỹ và tích cực, khẩn trương hơn nữa trong việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

Thứ trưởng Y tế đề nghị Sở Y tế, Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố (HCDC) và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới cùng phối hợp, nâng cao các biện pháp phòng, chống dịch cũng như mở rộng truy vết các trường hợp liên quan đến các ca bệnh Covid-19 đã phát hiện; tiến hành khử khuẩn toàn bộ bệnh viện; 

Lãnh đạo Bộ Y tế yêu cầu Bệnh viện cần tăng cường công tác xét nghiệm và việc tuân thủ phòng, chống dịch Covid-19 đối với những trường hợp F1 liên quan; bảo đảm việc ổn định tổ chức nhân sự để các hoạt động của bệnh viện được vận hành xuyên suốt.

Thứ trưởng Bộ Y tế nhận định biến chủng của virus lây nhanh nên trong thời gian tới F1 có thể biến thành F0, ông yêu cầu các bộ phận của bệnh viện tổ chức việc cách ly phù hợp, đảm bảo an toàn và xét nghiệm thường xuyên để phát hiện sớm ca bệnh.

Về điều trị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn chỉ đạo Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tạm thời ngưng nhận bệnh nhân Covid-19 trong 1 tuần theo đúng thời gian tạm phong tỏa trong thời gian này, Sở Y tế sẽ bố trí các bệnh viện như Bệnh viện Điều trị Covid-19 tiếp nhận bệnh nhân Covid-19.

Ở làn sóng dịch lần này, danh sách bệnh viện lớn trở thành ổ dịch Covid-19 được nối dài. Trước đó, một loạt cơ sở y tế khác như Bệnh viện Đa khoa khu vực Phúc Yên, Bệnh viện Phổi Lạng Sơn, Bệnh viện Quân y 105, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình, Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quỳnh Lập (Nghệ An), Bệnh viện Hoàn Mỹ (Đà Nẵng)… cũng bị cách ly do có ca bệnh Covid-19.

Điều nguy hiểm mà các chuyên gia nhiều lần cảnh báo việc Covid-19 lây lan và bùng phát tại cơ sở y tế ngoài việc nơi đây tiếp nhận số lượng lớn người tới khám bệnh mỗi ngày, thì bệnh viện cũng là nơi nhiều bệnh nhân đang điều trị nội trú, trong đó nhiều người mắc bệnh nặng. Do vậy, nếu bị Covid-19 xâm nhập, đối tượng này dễ tổn thương, gia tăng áp lực điều trị cho cơ sở và tăng tỷ lệ tử vong.

PGS-TS. Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho rằng, điểm quan trọng nhất để Việt Nam tránh nguy cơ “vỡ trận” như Ấn Độ là bảo vệ các bệnh viện, không để Covid-19 xâm nhập, vì bệnh viện là nơi có rất nhiều bệnh nhân nặng bấp bênh sinh tử.

“Bệnh viện là thành trì cuối cùng trước dịch. Nếu hệ thống bệnh viện suy yếu, thì thảm họa y tế lẫn nhân đạo sẽ xảy ra”, ông Hiếu nói.

Vì sao tiêm đủ hai mũi vắc-xin vẫn mắc bệnh?

Trước việc 53 nhân viên y tế của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM vẫn mắc Covid-19 nhiều ý kiến lo ngại về hiệu quả bảo vệ của vắc-xin.

Về vấn đề này, GS. TS.Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, vắc-xin phòng Covid-19 là vắc-xin mới, được cấp phép theo điều kiện khẩn cấp nên hiện nay không biết rõ hiệu quả bảo vệ và cản sự lây nhiễm là bao nhiêu %.

Theo ông Phu, thực tế cho thấy, có những loại vắc-xin hiệu lực bảo vệ với 90% nhưng có vắc-xin chỉ hiệu lực bảo vệ khoảng 50%-60%. Như vậy, một số người đã tiêm vắc-xin vẫn có khả năng mang virus và lây bệnh cho người khác.

Về việc liệu sau khi đã tiêm hai mũi vắc-xin, người được tiêm đã đủ được bảo vệ hay không, ông Phu cho rằng, tiêm đủ hai mũi vắc-xin với đủ thời gian khuyến cáo thì cơ thể đã có kháng thể bảo vệ nhưng không phải tất cả mọi người đều có. 

Hơn nữa, đây là chủng virus mới nên cũng cần có thời gian để nghiên cứu, đánh giá vắc-xin này có hiệu lực bảo vệ tốt với chủng Ấn Độ hay không. 

Cùng nêu quan điểm về vấn đề này, TS. Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng tiêm chủng miền bắc, Phó Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, qua nghiên cứu cụ thể những ca nhiễm Covid-19 tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương hay ở Điện Biên trước đây cũng đã có những người được tiêm vắc-xin Covid-19 vẫn nhiễm bệnh, song việc lây thứ cấp từ những người nhiễm SARS-CoV-2 đã được tiêm vắc-xin Covid-19 đến người khác là rất hiếm. 

Trong nghiên cứu ban đầu ở Việt Nam cho thấy, tỷ lệ những người đã khỏi Covid-19 có miễn dịch rất thấp. Như vậy, các chuyên gia nhận định, virus này rất thông minh, tránh được và làm cho hệ thống miễn dịch đáp ứng yếu ớt với nó. Đó là lý do vì sao đáp ứng miễn dịch ở những người đã nhiễm bệnh thường không cao. 

Tuy nhiên, đối với vắc-xin thì khác, chỉ sau một tháng sau tiêm mũi 1, đã có tới 90% số người được tiêm có kháng thể. Sau một tháng triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19 tại Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Viện đã đánh giá lại những người đã tiêm về vấn đề sinh kháng thể thì thấy rằng, đến 90% số người đã tiêm mũi 1 đã sinh kháng thể. 

Đây là kết quả rất khả quan, cho thấy người được tiêm đã được vắc-xin bảo vệ, mặc dù bảo vệ có thể chưa đủ mạnh. Vì thế, mọi người phải tiêm mũi 2 cho hiệu quả bảo vệ cao hơn. Các chuyên gia cũng nhấn mạnh, tiêm vắc-xin phòng Covid-19 là biện pháp phòng bệnh chủ động rất quan trọng. 

Tuy nhiên, người đã được tiêm vắc-xin Covid-19 vẫn rất cần ý thức được tầm quan trọng của việc thực hiện quy tắc 5K: khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tập trung, khai báo y tế trong phòng, chống dịch.

Vắc-xin Covid-19 không đem lại sự bảo vệ tức thì. Ít nhất 12-14 ngày sau khi tiêm mũi đầu tiên, cơ thể mới bước đầu có tác dụng. Sau tiêm mũi thứ 2, vắc-xin Covid-19 đạt hiệu quả bảo vệ tối ưu từ một tháng trở lên.
Ngoài ra, hiệu quả này cũng chỉ đạt ở mức khoảng 60-90% tùy theo từng loại vắc-xin. Chuyên gia này nhấn mạnh, vắc-xin Covid-19 không bảo vệ tuyệt đối. Do đó, khi đã tiêm vắc-xin, người được tiêm có thể không mắc Covid-19, nhưng vẫn có khả năng trở thành người mang virus và lây bệnh cho người khác.
Đoàn công tác Bệnh viện Trung ương Huế lên đường hỗ trợ tỉnh Bắc Giang chống dịch COVID-19
Sáng 31/5, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đến tiễn đoàn công tác tình nguyện của Bệnh viện Trung ương Huế lên đường hỗ trợ tỉnh...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư