Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 21 tháng 01 năm 2025,
Cục An toàn thực phẩm: Thủy sản ở Hà Nội an toàn
Nguyễn Phan - 31/03/2014 08:47
 
Trả lời báo chí liên quan đến thông tin 98% thủy sản ở Hà Nội nhiễm kim loại nặng đang khiến người dân hoang mang, TS Lâm Quốc Hùng, Trưởng phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm - Cục An toàn thực phẩm chính thức lên tiếng khẳng định, thông tin này là không chính xác.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Mập mờ chất lượng bánh kẹo dịp Tết
Lần đầu khởi tố đối tượng làm giả thực phẩm chức năng
  Thông tin thủy sản tại Hà Nội nhiễm kim loại là không chính xác  
  Thông tin thủy sản tại Hà Nội nhiễm kim loại là không chính xác. Ảnh: Phú Khánh  

Thời gian gần đây một số tờ báo đưa thông tin 98% mẫu thủy sản ở các ao hồ Hà Nội bị nhiễm kim loại nặng như chì, thủy ngân, asen… đặc biệt, 100% mẫu cua nhiễm độc.

Đây là kết quả khảo sát, nghiên cứu của Đại học Y Hà Nội được thực hiện trên 240 mẫu, bao gồm: cá chim, cá trôi, cá trắm, cá mè, rô phi, trai, cua, ốc… tại các ao, hồ ở Hà Nội.

Theo đó, thủy sản ở tất cả các ao hồ của Hà Nội hiện nay như hồ Tây, Yên Sở, các huyện thuộc Hà Tây cũ và huyện Sóc Sơn đều nhiễm nikel, chrome vượt 10-15 lần tiêu chuẩn cho phép của Tổ chức Y tế thế giới. Vào mùa khô, mức ô nhiễm này còn cao gấp 2-3 lần mùa mưa… 

TS Lâm Quốc Hùng cho biết, những số liệu thông tin được viện dẫn nói trên liên quan đến một đề tài về đánh giá môi trường triển khai năm 2006 – 2008 đã được nghiệm thu năm 2009 của Trường Đại học Y Hà Nội. Mục tiêu của nghiên cứu là đánh giá thực trạng ô nhiễm môi trường tại một số hồ điều hòa tại nội thành Hà Nội (đây không phải là khu vực được quy hoạch để nuôi thủy sản cung cấp cho thị trường Hà Nội). Các mẫu thủy sản (cua, cá…) của các hồ này đều rất nhỏ (ví dụ: chỉ lấy được 5 mẫu cua) được kiểm nghiệm các chỉ tiêu kim loại nặng để chứng minh thực trạng ô nhiễm môi trường ở khu vực hồ chứ không đại diện cho thủy sản được nuôi, thu hoạch, kinh doanh và tiêu dùng trên địa bàn Hà Nội.

Ngay sau khi có thông tin cảnh báo này, để xác minh, Cục An toàn thực phẩm đã yêu cầu Chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội phối hợp với Chi cục Thủy Sản Hà Nội tiến hành giám sát đột xuất, đã lấy 13 mẫu cá các loại, tôm, ốc, cua, trai, hến tại 6 chợ: Quan Hoa (Cầu Giấy), Cầu Lủ (Định Công), Đô Hội (Thanh Oai), Cầu Diễn (Từ Liêm), Đông Mỹ (Thanh Trì), Thanh Xuân Bắc (Thanh Xuân).

Các mẫu được gửi tiến hành kiểm tra kim loại nặng tại Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia. Kết quả các mẫu cá trắm, chép, rô phi được giám sát đều trong giới hạn cho phép (chì, cacdimi, asen); phát hiện 1 mẫu ốc, 1 mẫu trai, 1 mẫu hến có tồn dư asen vượt ngưỡng cho phép 1,6-2,3 lần theo quy định.

Theo TS Lâm Quốc Hùng, các mẫu thủy sản như ốc, trai, hến là động vật sống ở tầng đáy nên có nguy cơ nhiễm kim loại nặng. Hơn nữa, kết quả giám sát đột xuất còn nhỏ, do đó đối với các loại sản phẩm nghi ngờ sẽ được cơ quan chức năng địa phương tiến hành giám sát mở rộng (tăng số lượng mẫu, địa điểm lấy mẫu), truy xuất nguồn gốc sản phẩm ô nhiễm, xử lý, cảnh báo kịp thời cho cộng đồng.

Cũng theo TS Lâm Quốc Hùng, qua báo cáo của cơ quan chức năng thành phố Hà Nội, năng lực sản xuất thủy sản của Hà Nội là 78.600 tấn/năm, chiếm khoảng 37% nhu cầu của thành phố. Việc sản xuất thủy sản chủ yếu tập trung ở khu vực ngoại thành Hà Nội (Mê Linh, Ứng Hòa, Chương Mỹ, Thanh Oai…).

Hoạt động quản lý bảo đảm an toàn thực phẩm theo một quá trình giám sát từ nguồn nước nuôi, môi trường, con giống, thức ăn chăn nuôi, hóa chất bảo vệ đến an toàn sản phẩm định kỳ. Từ năm 2011 – 2013, riêng chỉ tiêu kim loại nặng đã giám sát 559 mẫu thủy sản, chỉ phát hiện 7 mẫu (chiếm 1,25%) vượt giới hạn cho phép (khoảng 1,5 lần) theo quy định.

Những mẫu nhiễm kim loại nặng vượt giới hạn cho phép đã được cơ quan chức năng truy xuất nguồn gốc và xử lý (5/7 mẫu sản xuất Hà Nội; 2/7 mẫu là nhập từ tỉnh ngoài).

Như vậy có thể thấy thủy sản được sản xuất, kinh doanh trên thị trường Hà Nội đang được quản lý, kiểm soát và bảo đảm an toàn thực phẩm. Thông tin “Thủy sản ở Hà Nội nhiễm kim loại” là chưa chính xác.

Trên 310 triệu USD vốn FDI đầu tư vào thủy sản Trên 310 triệu USD vốn FDI đầu tư vào thủy sản

Cả nước hiện có hơn 70 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực thủy sản, với trên 310 triệu USD vốn đăng ký tập trung vào các ngành nuôi trồng, chế biến, thức ăn và giống thủy sản.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư