Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 12 tháng 01 năm 2025,
Cúm nguy hiểm ra sao với bệnh nhân mãn tính?
D.Ngân - 02/02/2023 07:22
 
Những người mắc bệnh mãn tính hen suyễn, phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), tim mạch, tiểu đường… sẽ là đối tượng gặp nhiều biến chứng nặng hoặc nguy kịch nếu mắc cúm.

Thống kê của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cho thấy, hằng năm ở Việt Nam trung bình có hơn 800.000 người mắc cúm.

Ảnh minh hoạ.

 Tuy nhiên, ở nhóm người cao tuổi, người có bệnh mãn tính như phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), hen phế quản, tim mạch... bệnh có thể diễn biến nặng.

Điều đáng lo ngại là các triệu chứng ban đầu của bệnh cúm dễ nhầm lẫn với cảm lạnh thông thường nên nhiều người xem nhẹ.

Theo các chuyên gia y tế, bệnh nhân mắc cúm A, do có bệnh mãn tính, đề kháng yếu, bệnh diễn tiến nhanh dẫn đến biến chứng suy hô hấp.

Cũng theo các chuyên gia, người có bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) thường là bệnh nhân lớn tuổi, có hệ miễn dịch suy yếu, cùng với bản chất đường thở bị thu hẹp và co thắt, nếu nhiễm thêm cúm sẽ làm nặng hơn tình trạng viêm, kích hoạt hệ miễn dịch tại đường hô hấp.

Ở giai đoạn nặng, người bệnh có thể xuất hiện những biểu hiện khó thở, tím tái, lơ mơ thậm chí suy hô hấp… Theo các bác sĩ, người có bệnh mạn tính hen suyễn, phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), tim mạch, tiểu đường… nếu mắc cúm sẽ tăng 2-5 lần nguy cơ biến chứng nặng hoặc nguy kịch như suy tim, suy đa tạng, suy hô hấp.

Chưa kể, cúm làm tăng nguy cơ đau tim trên người có bệnh tim mạch cao gấp 10 lần.

Virus cúm có cơ chế gần giống như virus SARS-CoV-2, tấn công vào máu, phổi và các cơ quan khác, kích hoạt các phản ứng viêm rất mạnh và buộc cơ thể phải điều tiết để chống lại cúm. 

Các tổ chức y tế cũng khẳng định, tiêm phòng cúm quan trọng với người bệnh tim mạch vì đây là nhóm đối tượng có nguy cơ cao gặp các biến chứng do cúm gây ra.

Đối với nhóm người bệnh hen suyễn, cúm là nguyên nhân khởi phát đợt cấp, khiến cơn hen diễn tiến nặng hơn, gây bội nhiễm dẫn đến viêm phổi và suy hô hấp. 

Khi mắc cúm, đường hô hấp bị viêm nhiễm tiết ra nhiều chất nhầy khiến không khí vào phổi bị cản trở, kích hoạt cơn co thắt phế quản, thắt chặt các đường dẫn khí, gây tình trạng khó thở, tăng nguy cơ nhập viện, phải thở máy.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng, tiêm chủng là cách hiệu quả nhất để ngăn chặn nhiễm cúm và các biến chứng nghiêm trọng. 

Hàng năm, WHO đưa ra khuyến nghị về thành phần vắc-xin cần nhắm vào các chủng cúm tiêu biểu nhất đang lưu hành. Vắc-xin cúm mùa tam giá (3 chủng) đang phổ biến hiện bao gồm 2 chủng cúm A và một chủng cúm B. 

Tuy nhiên, các chủng được khuyến nghị có thể không phản ánh hết những chủng đang lưu hành hiện tại. Vậy nên, có thể nói, vắc-xin cúm mùa 3 chủng hiện nay không phải là tối ưu nhất để bảo vệ mọi người chống lại bệnh cúm mùa. Việc bổ sung chủng virus cúm B thứ 2 vào các vắc-xin cúm mùa tam giá hiện tại sẽ giúp giải quyết các vấn đề không phù hợp trên.

Ông Kang Jin-Han, thành viên Hội đồng quản trị Liên đoàn Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc đưa ra khuyến cáo, do các chủng virus cúm có thể thay đổi hàng năm nên mỗi năm, tất cả mọi người trên 6 tháng tuổi nên tiêm vắc-xin chủng cúm nhắc lại. 

Đặc biệt, việc tiêm vắc-xin này cần được ưu tiên đối với nhóm trẻ từ 6 tháng đến 4 tuổi, người trên 50 tuổi, phụ nữ có thai và những người mắc các bệnh mãn tính để giảm thiểu tối đa các biến chứng nặng không mong muốn.

Bác sĩ Nguyễn Tuấn Hải, hệ thống tiêm chủng Safpo/Potec khuyến cáo, để phòng ngừa cúm bùng phát cao điểm vào mùa thu-đông, tất cả mọi người nhất là người có bệnh mãn tính cần củng cố hệ miễn dịch bằng cách bổ sung đầy đủ dinh dưỡng, tập thể dục, giữ ấm, đặc biệt là tiêm vắc-xin. 

Hiện nay, cúm mùa có thể được phòng ngừa hiệu quả bằng vắc-xin, giúp giảm tỉ lệ mắc và tử vong, giảm thời gian nằm viện và chi phí y tế.

Vắc-xin cúm không chỉ phòng cúm hiệu quả 70-90%, giảm tỷ lệ tử vong, mà còn giúp giảm nguy cơ tăng nặng các bệnh đang mắc, tránh nguy cơ đồng nhiễm virus, vi khuẩn khác.

Một mũi vắc-xin cúm có thể giúp giảm 50% nguy cơ nhập viện và 68% tỷ lệ tử vong ở người cao tuổi. Tất cả trẻ em và người lớn, nhất là người cao tuổi, người có bệnh mãn tính cần tiêm phòng cúm càng sớm càng tốt và nhắc lại mỗi năm để duy trì miễn dịch và nồng độ kháng thể cao nhất.

Ngoài ra, để phòng chống bệnh cúm người dân khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, không tự ý làm xét nghiệm và mua thuốc điều trị tại nhà mà cần liên hệ với cơ sở y tế để được tư vấn, khám và xử trí kịp thời.

Cần che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp.

Đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay (nhất là sau khi ho, hắt hơi). Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.

Hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết. Thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.

Cúm mùa - căn bệnh không đơn giản như nhiều người lầm tưởng
Cúm mùa là căn bệnh đáng sợ khi bùng phát thành dịch. Lịch sử ghi nhận nhiều đại dịch cúm cướp đi mạng sống của hàng triệu người trên thế...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư