Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 20 tháng 01 năm 2025,
Cuộc cách mạng có tên Insurance
 
Ngành bảo hiểm trên thế giới và tại Việt Nam có những thay đổi nhanh chóng trong vài năm gần đây, cùng với sự phát triển mạnh của công nghệ. Chúng ta đã bắt đầu nhìn thấy những thay đổi nền tảng, thay đổi về chất, những thay đổi mang tính cách mạng. Cuộc cách mạng có tên Insurtech.
Áp dụng công nghệ là xu hướng tất yếu của ngành bảo hiểm.
Áp dụng công nghệ là xu hướng tất yếu của ngành bảo hiểm.

Insurtech là gì?

Insurtech là từ ghép của 2 từ “Insurance” (Bảo hiểm) và Technology (Công nghệ), ghép lại là “Insurtech” - công nghệ bảo hiểm. Từ ghép “Insurtech” ra đời sau thuật ngữ “Fintech”, lấy cảm hứng từ từ ghép “Fintech”. Từ này mới chỉ xuất hiện vài năm gần đây. Không có tài liệu nào ghi nhận từ “Insurtech” ra đời từ khi nào, nhưng một số chuyên gia cho rằng có thể xuất hiện khoảng đầu năm 2016 tại một số hội thảo về công nghệ bảo hiểm tại New York - trung tâm tài chính của thế giới.

Insurtech được ví như là một cơn bão sẽ xóa tan mọi cách thức hoạt động truyền thống trong hàng trăm năm qua của ngành bảo hiểm, làm thay đổi hành vi mua bảo hiểm cũng như phương thức quản trị của một công ty bảo hiểm. 

Bức tranh của ngành bảo hiểm thay đổi như thế nào?

Thứ nhất, công nghệ được áp dụng trong mọi giai đoạn của chuỗi giá trị bảo hiểm, từ khâu nghiên cứu thị trường, marketing, khâu thiết kế sản phẩm, đánh giá rủi ro, bán sản phẩm, sau bán hàng cho đến giải quyết chi trả quyền lợi cho khách hàng.

Với sự hỗ trợ của những công cụ cũng như ứng dụng mới về trí tuệ nhân tạo, big data… thì việc áp dụng những công nghệ mới này mang lại những hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, chất lượng dịch vụ của ngành bảo hiểm được cải thiện đáng kể. Đây là đặc trưng thứ nhất của bức tranh Insurtech trong ngành bảo hiểm.

Thứ hai là sự xuất hiện những cách tiếp cận mới những loại hình sản phẩm bảo hiểm mới, chẳng hạn bảo hiểm trên cơ sở sử dụng (usage based insurance).

Theo đó, các công ty đưa ra những sản phẩm phù hợp với nhu cầu và cuộc sống của từng cá nhân khách hàng, ví dụ tính phí bảo hiểm ô tô dựa trên dữ liệu vận hành xe, bao gồm quãng đường, vận tốc, phong cách lái (tăng giảm tốc, phanh xe, vào cua, chuyển hướng…) hay những sản phẩm tắt - mở, cho phép khách hàng được chọn một số ngày cụ thể họ cần được bảo hiểm trong năm.

Đột phá hơn nữa là trên thị trường đã có những sản phẩm bảo hiểm có độ tương tác cao với người tham gia bảo hiểm, khuyến khích họ tích cực vận động, tập luyện, tăng cường sức khoẻ, cho phép doanh nghiệp tính phí trên các thông tin sức khoẻ cá nhân, mức độ vận động từ các thiết bị mang theo người, khách hàng nào có lối sống lành mạnh, thường xuyên vận động rèn luyện sức khỏe sẽ được hưởng mức phí thấp hay thậm chí còn được hoàn lại một phần tiền phí để “tưởng thưởng”.

Thứ ba là sự xuất hiện mô hình trung gian bảo hiểm mới, là các trang web so sánh bảo hiểm (web aggregator), sàn giao dịch điện tử, với các sản phẩm bảo hiểm của các doanh nghiệp. Các trang web giúp so sánh sản phẩm của các doanh nghiệp bảo hiểm về giá, về phạm vi bảo hiểm, về nhiều yếu tố khác và tư vấn cho khách hàng những sản phẩm phù hợp khi khách hàng đưa ra thông tin yêu cầu.

Thứ tư là việc xuất hiện những kênh bán hàng mới, đặc biệt là kênh online trên các trang bán hàng điện tử, và giờ đây là trên các ứng dụng di động.

Thứ năm là sự xuất hiện những mô hình bảo hiểm mới, có thể kể đến bảo hiểm ngang hàng (peer - to - peer insurance). Mô hình này xuất hiện đầu tiên vào năm 2010 tại Đức, có tên gọi là Friendsurance. Rồi sau này năm 2015, 2016 là Lemonade, rồi Teambrella, Gaggel… 

Cơ hội của ngành bảo hiểm

Với các doanh nghiệp bảo hiểm truyền thống, sản phẩm bảo hiểm được thiết kế chủ yếu từ góc nhìn của doanh nghiệp bảo hiểm, phục vụ cho việc bán, chứ không phải phục vụ cho việc mua. Sản phẩm bảo hiểm không thân thiện với quá nhiều điều khoản, điều kiện, dài dòng và khó hiểu.

Thêm vào đó, doanh nghiệp thu thập dữ liệu rủi ro thông qua các bảng câu hỏi, nhưng không sử dụng hết, chưa có những sản phẩm bảo hiểm cá nhân hoá để sử dụng được tối ưu hoá dữ liệu thu thập.

Insurtech cung cấp những giải pháp để giải quyết các vấn đề trên.

Đầu tiên là việc nâng cao chất lượng quản trị, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm. Một số doanh nghiệp chú trọng số hóa toàn bộ quy trình, giao dịch không dùng giấy tờ như AIA, FWD…

Ở một số công ty trên thế giới, dòng công việc chạy nhanh hơn nhờ có sự hỗ trợ của công nghệ. Trí tuệ nhân tạo, robot thay thế một số công đoạn, vị trí công việc, chẳng hạn robot làm việc tại các trung tâm dịch vụ khách hàng nhằm giới thiệu các thông tin mới nhất về sản phẩm.

Công ty Fukoku Mutual Life Insurance (Nhật Bản) còn áp dụng hệ thống trí tuệ nhân tạo IBM’s Watson Explorer để thay thế các thẩm định viên bảo hiểm, giúp tăng hiệu năng hoạt động của bộ phận thẩm định lên hơn 30%, giảm thiểu đáng kể thời gian giải quyết quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng, cắt giảm bớt 34 nhân viên thẩm định vì hệ thống này có khả năng đọc các chứng từ y tế, bệnh án với mọi loại dữ liệu (thời gian nằm viện, lịch sử điều trị, phương pháp phẫu thuật…) để  thẩm định và tính toán chi trả quyền lợi cho khách hàng.

Cơ hội thứ hai là nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng. Doanh nghiệp có thêm nhiều công cụ nghiên cứu thị trường, đánh giá thị trường, tìm hiểu đúng nhu cầu của khách hàng.

Trong khâu tiếp thị, trí tuệ nhân tạo giúp kết nối hồ sơ dữ liệu khách hàng với sản phẩm phù hợp nhất, tránh đại lý phải liên hệ từng người (trong khi ở Việt Nam chúng ta hàng ngày vẫn bị hệ thống điện thoại hay đại lý “quấy rầy”).

Hệ thống cũng cho phép khai thác bảo hiểm tự động bằng cách tiếp cận cơ sở dữ liệu khách hàng, có thể tự động thẩm định khách hàng, đánh giá mức độ rủi ro và định phí bảo hiểm.

Insurtech cũng giúp giải quyết vấn đề kê khai thông tin của khách hàng. Các thông tin cá nhân từ big data, bao gồm tên tuổi, địa chỉ, tình trạng sức khoẻ, tiền sử bệnh, thói quen sinh hoạt, sở thích cá nhân… Insurtech cũng sản sinh ra các công cụ tương tác với khách hàng như chatbox, robo advise..., hay công cụ quản lý hợp đồng, chẳng hạn Prudential Việt Nam với Cổng thông tin khách hàng PRUonline.

Đặc biệt, Insurtech giúp cải thiện tốc độ trả lời khiếu nại, giải quyết quyền lợi bảo hiểm, ví dụ Manulife với trang web EasyClaims, Generali với Gen Claims… Thời gian giải quyết quyền lợi của khách hàng không còn đo bằng tuần, mà đã giảm xuống bằng ngày, bằng giờ, thậm chí là bằng phút, bằng giây.

Các cơ hội kế tiếp có thể kể đến là thêm kênh phân phối như kênh online, ứng dụng smartphone..., hay cơ hội hợp tác chéo, ví dụ việc cấp bảo hiểm du lịch thông qua việc bán vé máy bay.

Đặc biệt, Insurtech cũng mở ra các cơ hội cho các start-up, thúc đẩy việc thành lập doanh nghiệp Insurtech, đầu tư vào Insurtech rất cao. Theo nghiên cứu của Fintech Global, trong vòng 5 năm vừa qua, tổng số tiền mà thế giới đầu tư mở Insurtech là khoảng 10 tỷ USD.

Năm 2018 tổng phí bảo hiểm khai thác qua Insurtech dự báo khoảng 187 tỷ USD, chiếm khoảng 4% tổng phí toàn cầu. Dự báo đến năm 2023, con số này sẽ vượt ngưỡng 400 tỷ USD, chiếm khoảng 7% tổng phí bảo hiểm toàn cầu, cho thấy cơ hội lớn mà Insurtech sẽ mang lại cho ngành. 

Những thách thức của Insurtech

Thứ nhất là vấn đề an ninh mạng, càng phụ thuộc vào mạng thì rủi ro càng cao, vấn đề sập hệ thống, vấn đề hacker dữ liệu…

Thứ hai, một số người có thể lợi dụng công nghệ để lừa các doanh nghiệp bảo hiểm. Các doanh nghiệp càng phụ thuộc vào công nghệ thì cũng sẽ có những người lợi dụng công nghệ để lừa lại doanh nghiệp bảo hiểm.

Với các doanh nghiệp bảo hiểm truyền thống, nếu không ứng dụng công nghệ sẽ nhanh chóng bị tụt hậu, không theo kịp được xu thế trước những yêu cầu về thay đổi về hệ thống, quy trình nghiệp vụ, tư duy, thói quen...

Ngoài ra, chi phí đầu tư lớn cho công nghệ nhưng thu hồi vốn như thế nào cũng là một bài toán nan giải. Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn phải đối mặt với vấn đề xung đột quyền lợi trong hệ thống, giải bài toán tâm lý cho nhân viên của mình như thế nào, cho kênh truyền thống (đại lý) như thế nào.

Hiện nay, các doanh nghiệp tại Việt Nam đang triển khai sản phẩm đơn giản, mệnh giá thấp được được phân phối qua kênh online, khối đại lý sẽ bán những sản phẩm phức tạp hơn, cần sự tư vấn cụ thể. Đây cũng là một bài toán thách thức các doanh nghiệp phải giải quyết.

Một thách thức khác có thể kể đến là ngành bảo hiểm là ngành có sự giám sát chặt chẽ của nhà nước, là ngành kinh doanh có điều kiện. Việc các quy định quản lý của nhà nước không theo kịp với sự phát triển có thể là thách thức với các doanh nghiệp, đặc biệt là các Insurtech start-up. Các doanh nghiệp đã đầu tư rất nhiều tiền khởi nghiệp Insurtech, nhưng việc chưa có các quy định, hướng dẫn sẽ là rủi ro rất lớn.

Bảo hiểm nhân thọ thời 4.0: Cuộc đua chưa hạ nhiệt
Tháng 12 này, một trải nghiệm mới trong việc áp dụng công nghệ đơn giản hóa quy trình phát hành hợp đồng bảo hiểm dự kiến sẽ được một...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư