Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 18 tháng 01 năm 2025,
Cuộc đua làm đẹp theo yêu cầu bằng công nghệ
Anh Hoa - 05/04/2021 06:33
 
Dù rầm rộ hay âm thầm, các “ông lớn” trên thị trường mỹ phẩm, làm đẹp, chăm sóc da đang dốc lực cho cuộc chạy đua đáp ứng nhu cầu cá nhân hóa của từng khách hàng bằng công nghệ.
Các nhà sản xuất mỹ phẩm cho rằng, công nghệ chỉ đóng vai trò là phương tiện để kết nối tốt hơn với người tiêu dùng theo những cách mới, hay cung cấp các sản phẩm được cá nhân hóa
Các nhà sản xuất mỹ phẩm cho rằng, công nghệ chỉ đóng vai trò là phương tiện để kết nối tốt hơn với người tiêu dùng theo những cách mới, hay cung cấp các sản phẩm được cá nhân hóa

Thiết bị công nghệ “gây sốt”

IPP Travel Retail - “con bài” chiến lược của IPPG nhằm chinh phục ngành hàng tiêu dùng và dịch vụ phi hàng không đã “bắt tay” với Hãng Foreo Luna (Thụy Điển) để phân phối máy rửa mặt thông minh tại chuỗi 6 điểm bán lẻ lớn trong nước và 24 quầy sân bay nội địa thời gian tới.

Một chuyên gia trong ngành mỹ phẩm cho rằng, phụ nữ vẫn sẽ áp dụng các phương pháp làm đẹp ngay cả khi họ không có đủ tiền. Những người có thu nhập cao hơn chi tiêu nhiều hơn cho việc làm đẹp. Mức chi trả phổ biến khi đi spa, thẩm mỹ viện từ 3-5 triệu đồng, trong khi thấp hơn là từ 100.000 đến 2 triệu đồng. Tiền dưỡng da tại nhà hàng tháng dưới 300.000 đồng. Nếu so sánh những con số này với mức thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam hiện nay, thì dịch vụ làm đẹp thực sự là một thị trường tiềm năng.

Ông Phillip Nguyễn, CEO IPP Travel Retail khẳng định, Foreo là nhãn hàng công nghệ làm đẹp hot hàng đầu trên thế giới. Dòng sản phẩm máy rửa mặt thông minh Luna đã và đang tạo làn sóng, trào lưu làm đẹp lớn ở khắp mọi nơi.

IPP Travel Retail còn chính thức ra mắt, giới thiệu tới thị trường Việt Nam dòng máy rửa mặt thông minh Foreo Luna 3 dành riêng cho từng loại da (thường, hỗn hợp, nhạy cảm). Foreo Luna 3 còn có chức năng massage tiện dụng.

Foreo Luna không phải là thương hiệu “già cỗi” trên thị trường. Thương hiệu này được khai sinh vào năm 2013 với 2 thành viên và chỉ trong vòng hơn 6 năm, số lượng nhân viên đã tăng lên đến 3.000.

Hãng liên tục cho ra các sản phẩm đột phá với công nghệ làm đẹp tiên tiến nhất, trở thành một chuẩn mực chăm sóc da mặt cao cấp. Gây “sốt” với các sản phẩm thiết bị làm đẹp, mỗi năm Foreo bán được hơn 20 triệu sản phẩm trên toàn thế giới - một con số “khổng lồ” mà không phải thương hiệu nào cũng làm được.

Riêng về dòng sản phẩm máy rửa mặt, hãng đã có 12 mẫu với các công dụng, chức năng và giá thành khác nhau, phục vụ nhu cầu làm đẹp của mọi đối tượng khách hàng. Việc Foreo Luna làm mưa, làm gió trên thị trường ngách mang tên công nghệ làm đẹp (beauty tech) đã đánh thức các hãng mỹ phẩm nổi tiếng vào cuộc đua.

Làm đẹp theo yêu cầu vẫn là một thị trường mới nổi. Khi chăm sóc da trở thành một hạng mục phổ biến hơn trong thời kỳ đại dịch, sự quan tâm đến phân tích da kỹ thuật số cũng ngày càng tăng.

Các công ty đều kỳ vọng, sở thích của người tiêu dùng đối với các sản phẩm chuyên biệt cho từng tình trạng da và thói quen làm đẹp cá nhân sẽ tiếp tục tăng lên. Không chỉ các công ty sản xuất mỹ phẩm, mà những công ty làm các thiết bị làm đẹp cũng đang trở thành những tay chơi tham gia mạnh mẽ thị trường tiềm năng này.

Kẻ rầm rộ, người âm thầm

Sự kiện Điện tử tiêu dùng thế giới (CES) năm 2020 dần chứng tỏ sức hút rất lớn khi có sự góp mặt của không chỉ các công ty công nghệ, mà cả công ty làm đẹp. Trong đó, L'Oréal (Pháp) đã hé lộ sản phẩm độc đáo Perso.

Perso là một thiết bị tiện ích có thể chứa son môi, phấn nền và có khả năng chăm sóc da mặt. Sản phẩm còn có thể kết nối với smartphone của người dùng thông qua bluetooth. Perso có khả năng phối màu, tạo ra các màu son khác nhau tùy theo sở thích cá nhân.

L'Oréal còn tích hợp công nghệ tăng cường thực tế (AR) để người dùng có thể xem trước màu son đó có phù hợp với mình hay không. Khi người dùng quyết định tạo màu, Perso sẽ phun ra 3 loại màu mực với tỷ lệ thích hợp để khi người dùng trộn chúng với nhau, sẽ tạo thành màu đã chọn.

Chưa hết, thương hiệu mỹ phẩm đến từ Pháp còn phát triển một ứng dụng di động, được tích hợp trí tuệ nhân tạo để có thể cùng Perso chăm sóc da mặt cho người dùng. Ứng dụng này sẽ quét khuôn mặt của người dùng và trí tuệ nhân tạo sẽ phân tích chất lượng da mặt để đưa ra các phương án chăm sóc da thích hợp. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, một số tính năng của Perso vẫn chưa thật sự hoàn thiện. L'Oréal sẽ phát hành chính thức sản phẩm này vào năm nay.

Ông Nicolas Hieronimus, Phó giám đốc điều hành L’Oréal tuyên bố, sẽ đưa Công ty trở thành doanh nghiệp dẫn đầu trong công nghệ làm đẹp. Perso là bước tiếp theo trong hành trình thú vị đó.

L’Oréal, Shiseido và Estée Lauder là ba trong số các công ty mỹ phẩm lớn nhất thế giới đang chạy đua đầu tư vào công nghệ làm đẹp. Trong đó, L’Oréal chơi trội nhất khi 4 năm trước đã đầu tư hẳn vườn ươm công nghệ, quy tụ hơn 1.000 công ty khởi nghiệp, với các ý tưởng sáng tạo về công nghệ làm đẹp.

“Kỹ thuật số đang thay đổi thị trường làm đẹp rất nhanh vì nó làm thay đổi tất cả các quy tắc. L’Oréal đang làm việc với các công ty khởi nghiệp để hiểu những thay đổi về kỹ thuật số”, đại diện công ty khởi nghiệp về dòng nước hoa thuộc dự án của L’Oréal cho hay.

Ngoài việc tìm kiếm các công ty khởi nghiệp, L’Oréal cũng tích cực đàm phán thâu tóm toàn bộ các công ty này. Năm 2018, L’Oréal đã mua ModiFace, một công ty công nghệ có trụ sở tại Toronto (Canada) chuyên về các ứng dụng làm đẹp thực tế. Các khách hàng của ModiFace là các đối thủ của L’Oréal như Shiseido, Estée Lauder và LVMH, công ty mẹ của Sephora.

Mua lại ModiFace, L’Oréal đã đạt được 2 mục đích: đối phó với đối thủ của mình và sở hữu công nghệ chẩn đoán da, phân tích khuôn mặt được hỗ trợ bởi AI để làm nền tảng cho ứng dụng Perso. Trước Perso, nhóm kỹ sư công nghệ của L’Oréal đã phát triển các sản phẩm như thiết bị theo dõi tia UV có thể đeo được, ứng dụng gương AR và bàn chải tóc thông minh, được hợp tác với công ty điện tử tiêu dùng Withings (Pháp)…

Guive Balooch, người đứng đầu vườn ươm công nghệ của L’Oréal khẳng định, mục tiêu cuối cùng của L’Oréal là tạo ra những sản phẩm mà người tiêu dùng không coi đó là công nghệ, mà là thứ cốt lõi trong cuộc sống hàng ngày của họ.

Không phô trương như đối thủ L’Oréal, Shiseido lại âm thầm tung ra thị trường thiết bị chăm sóc da thông minh của riêng mình. 6 tháng trước khi CES 2020 diễn ra, Shiseido đã tung ra sản phẩm Optune có nhiều điểm tương đồng với Perso của L’Oréal. Đáng chú ý, Optune cũng là sản phẩm của hai công ty công nghệ là MATCHCo và Giaran được Shiseido mua lại vào năm 2017.

Cả hai đều sử dụng trí thông minh nhân tạo để phân tích ảnh khuôn mặt của người dùng nhằm phát hiện tình trạng da và ghép thông tin đó với dữ liệu thời tiết và ô nhiễm không khí dựa trên vị trí để tạo ra một loại kem dưỡng ẩm tùy chỉnh.

Không giống như L’Oréal, Shiseido không tuyên bố ý định trở thành công ty hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ làm đẹp khi tung ra Optune. Thay vào đó, Shiseido tập trung vào cách công nghệ có thể thiết lập thương hiệu như một công ty hàng đầu trong lĩnh vực cá nhân hóa.

“Vẫn chưa có công ty mỹ phẩm nào có thể tích hợp cá nhân hóa vào mô hình kinh doanh của họ. Nếu dẫn đầu trong lĩnh vực này, chúng tôi có thể đánh bại các đối thủ toàn cầu lớn hơn”, Chủ tịch Shiseido Masahiko Uotani cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Nikkei Asian Review.

Thông thường, các phòng thí nghiệm, nghiên cứu sản phẩm công nghệ đều được bí mật, nhưng Shiseido đã cho phép công chúng tiếp cận hai tầng đầu tiên của khu nghiên cứu phức hợp. Ngoài bảo tàng, quán cà phê và studio tập thể dục, Shiseido còn cho khách hàng trò chuyện với các nhà nghiên cứu và tận mắt trải nghiệm công nghệ mới nhất của thương hiệu.

Mặc dù Shiseido đã không mua lại một công ty công nghệ nào kể từ năm 2017, nhưng vẫn có quỹ đầu tư mạo hiểm vào khởi nghiệp. Kể từ khi thành lập vào năm 2016, Shiseido Venture Partners đã rót 4 khoản vào 2 công ty khởi nghiệp.

Ông Marc Rey, Giám đốc tăng trưởng của Shiseido cho hay, điều quan tâm nhất khi đầu tư vào công ty khởi nghiệp có liên quan đến công nghệ là giải pháp đó có mang lại những thay đổi thực sự cho người dùng hay không.

Trong khi đó, Estée Lauder vẫn chưa ra mắt một thiết bị thông minh, nhưng bộ phận công nghệ của Công ty đã tổ chức những cuộc thi dành cho các chuyên gia và sinh viên tìm ra các giải pháp nhằm thúc đẩy sự sáng tạo, đổi mới, tạo bền vững của Công ty. Hiện nền tảng WeChat (Trung Quốc), với trung bình 1 tỷ người dùng hoạt động hàng ngày trên toàn thế giới, đã gây sự chú ý đối với Estée Lauder.

Khát vọng công nghệ nửa vời

Mặc dù nỗ lực theo đuổi các dự án công nghệ, nhưng L’Oréal, Shiseido và Estée Lauder dường như không nuôi khát vọng trở thành những công ty công nghệ toàn diện.

Khi ngành công nghiệp phát triển, các nhà khai thác thẩm mỹ viện, spa và chăm sóc sức khỏe ở mọi quy mô sẽ phải tìm đến các nền tảng kỹ thuật số để hỗ trợ quản lý doanh nghiệp và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Gen Z (những người sinh năm 1995 trở đi) sẽ ngày càng hiểu biết hơn trong việc chăm sóc da, áp dụng những thói quen nghiêm túc sớm hơn và có hiểu biết về kỹ thuật số hơn.

Tuy nhiên, các nhà sản xuất mỹ phẩm cho rằng, công nghệ chỉ đóng vai trò là phương tiện để kết nối tốt hơn với người tiêu dùng theo những cách mới, hay cung cấp các sản phẩm được cá nhân hóa hơn. Việc theo đuổi các mục tiêu này đang thúc đẩy ngành công nghệ làm đẹp phát triển với tốc độ có thể sớm đưa các bộ phận trang điểm kỹ thuật số, ứng dụng làm đẹp AR và thiết bị chăm sóc da thông minh trở thành tiêu chuẩn của ngành.

Thách thức của ngành công nghiệp beauty tech là tìm ra sự hài hòa giữa cách thiết kế và cách triển khai công nghệ hiệu quả. Thế giới đang chứng kiến sự chuyển dịch quan trọng, nơi tất cả người tiêu dùng đều mong muốn những trải nghiệm liền mạch trên sản phẩm. Đây là một trong những thách thức mà các nhà thiết kế cần phải đối mặt.

4 lý do Chảnh Beauty trở thành shop mỹ phẩm được tín đồ làm đẹp yêu thích
Chất lượng làm nên uy tín là những gì các tín đồ mua sắm nói về Chảnh Beauty - shop mỹ phẩm được yêu thích tại TP.HCM.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư