Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 04 tháng 10 năm 2024,
Cựu lãnh đạo Ngân hàng SCB “xót xa” khi người nhà cũng là bị hại trong vụ án
Việt Dũng - 20/09/2024 19:22
 
Trình bày tại tòa, cựu Tổng giám đốc và Giám đốc Ngân hàng SCB (chi nhánh Bến Thành) thừa nhận sai phạm và nói "xót xa" khi vận động người nhà mua trái phiếu này tại SCB.

Vận động người nhà mua trái phiếu thuộc Vạn Thịnh Phát

Chiều 20/9, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân TP.HCM xét hỏi các bị cáo làm việc tại Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) liên quan đến những sai phạm xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Tại tòa, bị cáo Trương Khánh Hoàng (Tổng giám đốc Ngân hàng SCB) khai, khoảng tháng 8/2020, bị cáo có nhận được điện thoại từ Nguyễn Phương Hồng (Giám đốc chi nhánh SCB Sài Gòn) thông báo về việc bà Trương Mỹ Lan chỉ đạo chọn Công ty cổ phần dịch vụ - thương mại TP.HCM (Công ty Setra) phát hành trái phiếu để lấy tiền trả tiền lãi của 3 gói trái phiếu do Công ty An Đông phát hành. Sau đó bị cáo chỉ đạo cấp dưới lên phương án để Công ty Setra phát hành trái phiếu như nội dung cáo trạng truy tố. 

“Bị cáo biết việc phát hành trái phiếu để lấy tiền xử lý việc riêng là sai, bị cáo rất ăn năn, mong Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo và các bị cáo khác”, bị cáo Hoàng nói và cho biết thêm. Bị cáo cũng rất ân hận vì có nhiều người là bị hại liên quan đến vụ án. Xót xa hơn là trong những bị hại này còn có mẹ và dì của bị cáo.

Bị cáo Trương Khánh Hoàng, cựu Tổng giám đốc Ngân hàng SCB.



Tương tự, khi được xét hỏi, bị cáo Bùi Anh Dũng (Giám đốc Ngân hàng SCB chi nhánh Bến Thành) cũng khai nhận, bản thân nhận chỉ đạo từ Trần Thị Mỹ Dung và Trương Khánh Hoàng. Bị cáo không nhận chỉ đạo từ Võ Tấn Hoàng Văn.

Khi nhận được chỉ đạo từ bị cáo Dung thì bị cáo cũng chỉ đạo lại nhân viên cấp dưới để thực hiện, hỗ trợ phát hành. Song, các giao dịch đều không có dòng tiền thực. 

Theo bị cáo Dũng, lúc đầu bị cáo không biết việc phát hành triển khai trái phiếu Công ty Setra là sai, bởi bị cáo nghĩ khi phát hành trái phiếu thì phải thực hiện đúng theo quy định pháp luật. Nhưng do không hiểu biết nhiều nên bị cáo không kiểm tra tính hợp pháp của lô trái phiếu này. Thậm chí bị cáo còn vận động người nhà mua trái phiếu này tại SCB và bây giờ cũng trở thành bại hại.

Để xảy ra sự việc như hôm nay, với vai trò là người đứng đầu thì bị cáo xin hoàn toàn chịu trách nhiệm. Bị cáo đồng ý với cáo buộc trong cáo trạng là bản thân đã giúp sức bà Trương Mỹ Lan chiếm đoạt số tiền là 2.000 tỷ đồng của hơn 2.400 bị hại. 

Nhân viên SCB thực hiện nhiều “giao dịch ảo”

Trả lời trước Hội đồng xét xử về các giao dịch tại Ngân hàng, bị cáo Trần Thị Mỹ Dung (Phó tổng giám đốc Ngân hàng SCB) cũng khai nhận, bản thân tiếp nhận chủ trương phát hành trái phiếu Công ty Setra từ Trương Khánh Hoàng. Bị cáo Dung cũng nhận thức được rằng Trương Khánh Hoàng nhận chủ trương phát hành trái phiếu này từ bà Trương Mỹ Lan và Nguyễn Phương Hồng (Giám đốc chi nhánh).

Song, bị cáo Dung mong Hội đồng xét xử xem xét lại nội dung trong cáo trạng. Cụ thể, bị cáo không trao đổi và bàn bạc với Nguyễn Phương Anh để lên phương án dòng tiền khống như nội dung cáo trạng truy tố. Song, bị cáo thừa nhận có chỉ đạo Bùi Anh Dũng (nguyên Giám đốc Ngân hàng SCB chi nhánh Bến Thành) tổ chức hợp thức chứng từ, đi lệnh dòng tiền khống.

Tương tự, bị cáo Thái Thị Thanh Thảo (Trưởng bộ phận giao dịch Ngân hàng SCB chi nhánh Sài Gòn) khai, bị cáo làm việc theo chỉ đạo của Nguyễn Phương Hồng (Giám đốc chi nhánh). Cụ thể là thực hiện các giao dịch như nộp, rút, chuyển tiền giữa các cá nhân, công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Sau khi nhận thông tin từ Nguyễn Phương Hồng, bị cáo Thảo chỉ đạo các giao dịch viên Ngân hàng SCB chi nhánh Sài Gòn thực hiện các giao dịch. Tuy nhiên không có dòng tiền thật, mà chỉ là xử lý chứng từ.

 “Bị cáo thực hiện lệnh nộp tiền, sau đó in ủy nhiệm chi, từ đó chuyển ra thông tin thụ hưởng. Số tiền nộp vào bằng với số tiền rút ra. Bị cáo làm việc hoàn toàn theo chỉ đạo của bị cáo Nguyễn Phương Hồng, còn bị cáo Hồng nhận chỉ đạo của ai thì bị cáo không biết”, bị cáo Thảo nói.

Đại diện Hội đồng xét xử hỏi: “Bị cáo có thấy chỉ đạo của Nguyễn Phương Hồng có gì đặc biệt hay bất thường không?”.

Thái Thị Thanh Thảo đáp, theo nhận thức của bị cáo thì những chỉ đạo của Hồng có phần đặc biệt. Nhưng bị cáo cho rằng bản thân là cấp dưới nên phải làm theo chỉ đạo từ cấp trên. Bị cáo cũng không phân giao, chỉ đạo bị cáo Trần Thị Thúy Ái thực hiện như nội dung cáo trạng truy tố. 

“Chị Ái cũng thực hiện theo chỉ đạo của Nguyễn Phương Hồng”, bị cáo Thảo nói.

Xác nhận trước lời khai trên, bị cáo Trần Thị Thúy Ái (Kiểm soát viên ngân quỹ kiêm thủ kho Ngân hàng SCB chi nhánh Sài Gòn) khai, bản thân không làm theo chỉ đạo của bị cáo Thảo. Mà khi có giao dịch phát sinh thì Nguyễn Phương Hồng và Thảo sẽ gửi thông báo về việc thu chi mà không có khách hàng nên nộp tiền. Có một số công việc bị cáo phải thực hiện sau ngoài giờ làm việc.

“Theo quy định của Ngân hàng thì chỉ làm việc đến 17h là kết thúc, nhưng đặc thù là ngành dịch vụ nên nhiều khi bị cáo làm việc đến khi nào làm xong việc thì thôi”, bị cáo Trần Thị Thuý Ái nói.

Cựu Tổng giám đốc SCB khai chỉ tham gia phân phối trái phiếu thuộc nhóm Vạn Thịnh Phát
Bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn cho rằng, bản thân chỉ tham gia với vai trò phân phối, không tham gia trong vai trò tạo lập các gói trái phiếu liên quan đến...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư